Dự án “Nâng cao năng lực của các tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định” (gọi tắt là Dự án vịnh Quy Nhơn) do chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu GEF/SGP hỗ trợ được triển khai tại 4 xã, phường của TP Quy Nhơn, gồm: Nhơn Hải, Nhơn Châu, Nhơn Lý, Ghềnh Ráng.
Tháng 8.2020, Hội LHPN TP Quy Nhơn được UBND TP Quy Nhơn giao triển khai xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại 4 xã, phường ven biển nêu trên. TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) là người được Hội LHPN TP Quy Nhơn “gửi gắm” lên ý tưởng thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rác thải trên hệ thống Google Maps.
Để thực hiện việc này, TS Trần Văn Vinh đã đi thực tế nhiều lần đến từng địa phương khảo sát, nắm bắt thông tin về hoạt động thu gom, xử lý rác thải, những khó khăn vướng mắc trong công tác vệ sinh môi trường ở các địa phương. Sau đó phối hợp với địa phương đo đạc, xác định vị trí đặt thùng rác cố định và thùng rác di động trên máy định vị để vẽ sơ đồ, cập nhật từng vị trí lắp đặt thùng rác tại các xã, phường; cập nhật từng địa điểm trên hệ thống Google Maps. Đồng thời, đề xuất các giải pháp quản lý, thu gom rác thải cho chính quyền các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. “Ngoài 4 xã, phường nói trên, tôi cũng giúp xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn cập nhật sơ đồ quản lý rác thải trên ứng dụng Google Maps. Dự kiến đến tháng 6 tới, tất cả dữ liệu về quản lý rác thải do tôi thực hiện sẽ được chuyển cho Hội LHPN TP Quy Nhơn để triển khai cho các địa phương”, TS Vinh chia sẻ.
Theo TS Trần Văn Vinh, việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm tập hợp những địa điểm lắp đặt thùng rác di động và thùng rác cố định được cập nhật trên hệ thống Google Maps. Nhờ đó, nhân công thu gom, vận chuyển rác thải thuận lợi hơn khi nắm được đường đi gần nhất đến các khu tập kết rác thải tập trung, địa điểm đổ rác để chuyển rác đi xử lý. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể cập nhật Google Maps trên điện thoại để tìm điểm bỏ rác khi đến các địa phương nói trên. Ứng dụng công nghệ này tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, chưa kể, thông qua sơ đồ hệ thống đường đi của rác thải tại địa phương được cập nhật trên Google Maps, chính quyền địa phương còn có thể quản lý các thùng rác một cách tiện lợi, dễ dàng.
Theo Ngọc Nhuận
Nguồn: http://baobinhdinh.com.vn/