Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023

Quản trị viên 26/06/2023 Tin tức - sự kiện
Với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới”, ngày 14/6/2023, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Ban, Bộ, ngành liên quan tổ chức Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023.

Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023 được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất các chủ trương, đường lối về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu khai mạc Diễn đàn.

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của khoảng 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Có 4 hội thảo chuyên được tổ chức với gần 30 báo cáo chính từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao, ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Dương Duy Hưng, Trợ lý Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Hội thảo có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Duy Hưng nhấn mạnh, qua gần 40 năm đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương, đường lối quan trọng, xuyên suốt của Đảng. Trong đó vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được khẳng định.

Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lần đầu tiên đã đưa nội dung coi ngành công nghiệp công nghệ số (ưu tiên phát triển AI, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn) là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng.

Theo ông Dương Duy Hưng, thế giới đang dành sự quan tâm và đầu tư ngày càng nhiều cho AI vì những lợi ích to lớn mà nó đem lại. Thực tế, nhiều tổ chức quốc tế nhận định AI là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, tổ chức và doanh nghiệp.

Với xu thế phát triển đó, Việt Nam cần tập trung giải quyết, tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển. Đây là cơ sở góp phần thiết thực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chính sách lớn của Đảng, thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong top 4 của khu vực ASEAN và trong top 50 của thế giới.

Thứ tưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, 5 năm qua, các quyết định thay đổi phương thức làm việc là động lực lớn nhất trong thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Nổi bật là quyết định của Chính phủ trong việc không sử dụng, lưu hành văn bản giấy mà dùng phương thức điện tử.

Với khối doanh nghiệp, một số khu vực như ngân hàng, dịch vụ trước sức ép về quy định chung trên toàn cầu đã đặt ra yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi, song những doanh nghiệp chưa hội nhập có thể còn chưa nhìn thấy những lợi ích. Trong đời sống xã hội, AI đang phát triển rất nhanh, như xử lý ảnh, video kết hợp mô hình AI tạo sinh, gần đây nhất là sự xuất hiệt của ChatGPT. Trên cơ sở đó, “cuộc chơi” đang thay đổi cuộc sống hàng ngày.
 


Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Phiên Hội thảo.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, các chủ trương chính sách đã được triển khai nhanh và quyết liệt bắt kịp với xu hướng, nhờ đó Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả cụ thể. Song, với tốc độ phát triển AI trên thế giới như hiện nay thì tốc độ triển khai của Việt Nam có sự chậm hơn, do đó cần sớm có những chính sách phù hợp để bắt kịp xu hướng.

Cụ thể, Việt Nam cần chú ý đến một số trụ cột, bao gồm nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, dữ liệu và thể chế. Trên tinh thần đó, các trường đại học, viện nghiên cứu cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, để từ đó có được đội ngũ AI, nhóm kỹ năng công nghệ số và AI cho toàn xã hội.

Đặc biệt cần chú ý đến vấn đề đạo đức trong ứng dụng, phát triển AI. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết hiện Bộ KH&CN phối hợp các chuyên gia Australia xây dựng hệ thống quy định "Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm" - trách nhiệm từ người xây dựng đến người sử dụng. Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp cần quan tâm hơn về đào tạo nhân lực, xây dựng hệ thống cho riêng mình.
 


Toàn cảnh Phiên Hội thảo chuyên đề.

Tại hội thảo, các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã làm rõ toàn cảnh thực trạng AI tại Việt Nam, xu hướng hiện nay và những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình phát triển, ứng dụng. Các ý kiến đề cập tới tương lai những ngành nghề mũi nhọn, tiềm năng để các tập đoàn công nghệ lớn trong nước, các start-up khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi đúng hướng trong nghiên cứu, ứng dụng AI cho nhiều mô hình kinh doanh mới. Những giải pháp để doanh nghiệp vừa có thể tận dụng lợi thế của AI để tối ưu vận hành doanh nghiệp, đưa ra quyết định hiệu quả hơn dựa trên dữ liệu, vừa áp dụng AI vào quá trình tự động hóa để thúc đẩy chuyển đổi số mà vẫn đảm bảo an toàn./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Các tin liên quan