Thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia; nguồn lực tri thức này chỉ thực sự đem lại lợi ích và đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội khi được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Khó thương mại hóa do vướng nhiều quy định
Đó là khẳng định của ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam - VCIC” tại buổi tọa đàm “Vai trò của doanh nghiệp khởi nguồn từ các tổ chức KH&CN (spin-off) trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu” diễn ra tại Hà Nội vào sáng 27/6/2023 do Ban Quản lý dự án VCIC tổ chức.
Ông Phạm Đức Nghiệm phát biểu tại Tọa đàm.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Đức Nghiệm cho biết: Trong thời gian qua Đảng, Chính phủ đã quan tâm và có nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm KH&CN trở thành hàng hóa, KH&CN trở thành động lực mới của tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều chính sách do xây dựng và ban hành ở các thời điểm khác nhau nên bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục, trong đó cần kể đến các “điểm nghẽn” về chính sách dẫn đến số lượng các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được thương mại hóa và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh còn khiêm tốn. Vẫn còn tồn tại nghịch lý là doanh nghiệp cần công nghệ; viện, trường có kết quả nghiên cứu tốt nhưng không triển khai được vì có sự khác biệt khá lớn giữa các quy định pháp luật trong Luật KH&CN với Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật công chức viên chức, Luật sở hữu trí tuệ, Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư…
Theo PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, trường Đại học Cần Thơ, hiện nay việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và thành lập doanh nghiệp trong trường đại học gặp một số khó khăn do chưa có nhiều nghiên cứu dài hạn để tạo sản phẩm, quy trình; việc tìm kiếm nguồn tài trợ các dự án nghiên cứu còn nhiều hạn chế; thiếu phương pháp định giá công nghệ trong tiến trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ vào giảng dạy các chuyên ngành; chưa có nhiều nghiên cứu mang tính chất dài hạn; thiếu phương pháp định giá công nghệ, và các biện pháp chế tài hiệu quả với những trường hợp thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ không chính thức thông qua trường Đại học Cần Thơ; vướng mắc trong các quy định pháp lý như Luật Viên chức không cho phép viên chức, công chức quản lý doanh nghiệp, nếu muốn thành lập spin-off, phải thuê quản lý bên ngoài khiến khó khăn trong phân chia lợi ích.
Toàn cảnh Tọa đàm.
TS Phạm Tân Thi, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: Trường Đại học Bách khoa có Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ là một tổ chức trung gian làm đầu mối chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm, ươm tạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu chưa được đẩy mạnh. Hiện nay đang xây dựng thí điểm thương mại hóa sản phẩm trí tuệ hình thành từ nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước nhằm bước đầu tạo ra sự thương mại hóa các sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu.
Theo TS Phạm Tân Thi để trường đại học phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hội nhập quốc tế, cần có sự đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; đổi mới tư duy và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức khoa học, công nghệ công lập nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức; xây dựng chính sách hỗ trợ để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ cao; có cơ chế phù hợp, khuyến khích các nhà khoa học tại viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN dành thời gian nghiên cứu, làm việc tại doanh nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ một số lĩnh vực KH&CN đạt trình độ quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho KH&CN, đẩy mạnh liên kết với các tổ chức nghiên cứu KH&CN trong và ngoài nước; hoàn thiện cơ chế đối tác công tư, hành lang pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư cộng đồng và các nền tảng công nghệ số, huy động thêm nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST; nghiên cứu cho phép thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy ứng dụng sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh mới, có giải pháp đồng bộ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Giao kinh phí… cần giao quyền sử dụng và định giá
Theo TS Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc điều hành BK Holdings, việc đưa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học để tạo ra hiệu quả xã hội vẫn còn khiêm tốn. TS Nguyễn Trung Dũng cho rằng các yếu tố để xây dựng thành công thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua ươm tạo doanh nghiệp khởi nguồn không chỉ số lượng và chất lượng nghiên cứu mà còn cung cấp cơ chế rõ ràng để các nhà nghiên cứu thông qua phân bổ lợi nhuận, trong đó nhấn mạnh nguồn lực con người có kinh nghiệm về hoạt động nghiên cứu, sở hữu trí tuệ và kinh doanh… Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ nắm giữ một phần lợi nhuận khoảng 50%, phần còn lại để hỗ trợ các nhà nghiên cứu thực hiện.
TS Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm chương trình phát triển thị trường KH&CN cho rằng, hiện nay phân chia lợi nhuận không tạo động lực cho nhà nghiên cứu nên xảy ra tình trạng chuyển giao “chui”. Khi nhà nước cấp tiền cho nhà khoa học làm nghiên cứu, phần Know-how (tri thức, kỹ thuật, kỹ năng) trong kết quả nghiên cứu rất ít, trong khi doanh nghiệp lại rất cần. Do vậy TS Tạ Bá Hưng cho rằng, cần điều chỉnh việc Nhà nước cấp tiền cho nhà nghiên cứu tại viện, trường nên giao quyền sử dụng và có quyền định giá.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ về thực trạng hoạt động, mô hình hoạt động của một số doanh nghiệp khởi nguồn từ các tổ chức KH&CN Việt Nam; đóng góp của các doanh nghiệp khởi nguồn từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; kinh nghiệm quốc tế trong việc hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn. Bên cạnh đó, các đại biểu đã làm rõ một số vướng mắc trong hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nguồn; đề xuất một số chính sách vượt trội, khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nguồn tại các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Hình thành doanh nghiệp tại viện nghiên cứu, trường đại học nhằm gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất là một chủ trương lớn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khởi xướng từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, và sau đó là Nghị quyết 51-HĐBT ngày 17/5/1983 của Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn đề công tác của khoa học và kỹ thuật năm 1983 và những năm tiếp theo được cụ thể hóa bằng Nghị định số 35-HĐBT ngày 28/01/1992 về công tác quản lý KH&CN. Đó là cơ sở ra đời của hơn 60 doanh nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (trước đó là Viện KH&CN Việt Nam) với những tên tuổi như công ty Tinh dầu thiên nhiên, Công ty Cổ phần FPT... |
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN