Xu hướng tái chế và sản xuất bao bì bền vững

Quản trị viên 21/07/2023 Tin tức - sự kiện
Với hai cách tiếp cận chính gồm thúc đẩy tái chế bao bì hiện có và sản xuất bao bì tự hủy an toàn, các doanh nghiệp, startup đang góp từng viên gạch trên hành trình giải quyết vấn nạn rác thải nhựa nghiêm trọng tại Việt Nam.

20230717DH003.jpg

Các sản phẩm từ cà phê do startup Veritas sản xuất. Ảnh: Cafebiz


Thế giới đang thải ra lượng rác thải nhựa gấp đôi so với hai thập kỷ trước. Phần lớn trong số đó không được xử lý đúng cách mà đi thẳng ra bãi rác, bị đốt hoặc rò rỉ ra môi trường - theo OECD, chỉ 9% số rác thải nhựa được tái chế thành công.

Nhằm giữ vững cam kết giảm phát thải, các quốc gia trên thế giới đang cố gắng hạn chế sử dụng nhựa thông qua việc ban hành các quy định. Chẳng hạn, Pháp và Bỉ đã đưa ra mức phạt đối với bao bì không thể tái chế, và Vương quốc Anh dự kiến ​​sẽ học hỏi theo.

Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, đến tháng 1/2024, tức chỉ còn chưa đầy sáu tháng nữa, các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải thực hiện mô hình trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR). Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có hai trách nhiệm. Thứ nhất, trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm, bao bì áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế. Thứ hai, trách nhiệm xử lý chất thải áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý.

Với trách nhiệm thứ nhất, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện tái chế từ năm 2024 trở đi và được lựa chọn giữa hai hình thức: Tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Nếu nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn tự mình tổ chức tái chế thì có thể tự thực hiện tái chế, thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian.

Một trong những bước đi đáng chú ý đầu tiên để hiện thực hoá kế hoạch này, đó là sự ra đời của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) vào tháng 6/2019. Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp có sự cạnh tranh trên thị trường, thậm chí là đối thủ của nhau trên thị trường như Coca-Cola, Suntory Pepsico, Nestlé, NutiFood, TH Group v.v cùng ngồi lại hợp tác với mong muốn cải thiện môi trường Việt Nam. Đại diện Liên minh cho biết, PRO Vietnam là một tổ chức tự nguyện phi lợi nhuận, hướng đến thúc đẩy việc thu gom và tái chế bao bì giữa các chủ sở hữu của những thương hiệu cùng tham gia vào tổ chức.

Một trong những thành viên của liên minh, Tetra Pak, công ty Thụy Điển chuyên cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm, từ năm 2016 đã phối hợp với Vinamilk và một số đối tác khác cùng hơn 1.600 trường học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để triển khai chương trình thu gom vỏ hộp sữa.

Sau khi được thu gom, vỏ hộp giấy sẽ được vận chuyển đến Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến, Bình Dương để tái chế. Tại đây, chúng được đưa vào hệ thống đánh bột thủy lực, giúp phân tách bột giấy ra khỏi thành phần nhôm nhựa. Bột giấy sau khi phân tách sẽ được sản xuất thành các sản phẩm như giấy cuộn công nghiệp, giấy bao gói, giấy vệ sinh. Thành phần nhôm nhựa sẽ được đưa qua dây chuyền ép nhiệt, tạo thành các tấm lợp và tấm phẳng sinh thái dùng cho ngành xây dựng.

Nhận thấy nhu cầu tái chế trong những năm tới, Tetra Pak sau đó đã công bố là khoản đầu tư 3,5 triệu Euro với Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến nhằm nâng cấp và mở rộng năng lực tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng. Trong đó, 1,2 triệu Euro do Tetra Pak rót vốn dành cho việc lắp đặt dây chuyền tách giấy. Khoản đầu tư còn lại, 2,3 triệu Euro từ Đồng Tiến nhằm xây dựng hệ thống nhà xưởng và dây chuyển sản xuất giấy kraft.

Nhằm tạo thuận tiện hơn cho người tiêu dùng trong việc mang vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng đi tái chế, Tetra Pak đã hợp tác với startup “ve chai công nghệ” VECA để đưa vỏ hộp giấy vào danh mục thu gom của ứng dụng VECA trên điện thoại thông minh. “Mục tiêu của chúng tôi là làm sao vỏ hộp giấy đựng đồ uống sau khi sử dụng có thể được thu gom ở bất cứ đâu, như gia đình, trường học, quán xá, nơi làm việc”, Bà Lý Quỳnh Trang, Giám đốc phụ trách Phát triển Bền vững của Tetra Pak Việt Nam, cho biết.

Với những nỗ lực này, trong năm 2023, PRO Việt Nam dự kiến thu gom và tái chế hơn 13.000 nghìn tấn gồm (6 loại bao bì chính: bìa giấy, vỏ hộp giấy, nhựa PET, nhựa HDPE, bao bì đơn vật liệu mềm, bao bì đa vật liệu mềm, nhôm).

Đó là bước đi của những tập đoàn lớn - mà mỗi hướng phát triển của họ đều có thể giúp tăng giảm một số lượng đáng kể rác thải nhựa tại Việt Nam. Ở một góc khác trong bức tranh môi trường, nỗ lực của các startup nhỏ cũng đang mang lại những bước chuyển đầy tiềm năng.



20230717DH004.jpg

Hai nhà đồng sáng lập của startup PlasticPeople, Nestor Catalan (Tây Ban Nha) và Nano Morante (Argentina), đang thảo luận với nhau. Trên bàn là các vật liệu được sản xuất từ rác thải nhựa, những vật liệu này sẽ được dùng làm mái ngói, lót cốc, thậm chí là bàn ghế. Ảnh: Elle Vietnam.


Startup PlasticPeople là một trường hợp thú vị. Năm 2018, Nestor Catalan và Mariano ‘Nano’ Morante đã đến Việt Nam và thành lập nên startup PlasticPeople chuyên tái chế các loại rác thải nhựa thành những đồ vật hữu ích như mái ngói, lót cốc, tủ, bàn, v.v. mà không thêm hoá chất hoặc keo phụ gia. Họ là đại diện Việt Nam duy nhất lọt Top 5 nhà đổi mới xuất sắc của Chương trình Thử thách Tái chế Rác thải nhựa Đông Nam Á.

Có thể bạn đã từng nhìn thấy một sản phẩm do PlasticPeople tái chế, nhưng bạn đã không nhận ra: quầy tính tiền trong cửa hàng của thương hiệu socola Marou (được làm từ 700 kg rác thải nhựa), nội thất tại nhà hàng Pizza 4P (được làm từ 3.055kg rác thải nhựa), bàn ghế tại tiệm bánh Ivoire (được làm từ 700 kg rác thải nhựa).

Tương tự, cũng tại Việt Nam, ReForm Plastic là startup chuyên xử lý nhựa giá trị thấp thành vật liệu xây dựng và các sản phẩm có giá trị. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật ép nén, công ty chuyển đổi nhựa thành các tấm ván có thể dùng làm vật liệu cơ bản để các nhà sản xuất tạo hình thành các mặt hàng tiêu dùng, giống như với gỗ, kim loại hoặc bìa cứng.

Nhà đồng sáng lập ReForm Plastic, Kasia Weina, chia sẻ với tờ Nikkei Asia1 rằng họ đã chuyển đổi thành công hơn 500 tấn rác thải nhựa thành các sản phẩm hữu ích, và họ có khả năng xử lý tới 6.000 tấn tại tám nhà máy. Cô đặt ra một mục tiêu vô cùng tham vọng: đến năm 2030, công ty sẽ mở 100 cơ sở trên khắp thế giới, tuyển hơn 2.500 nhân công, xử lý hơn 100.000 tấn chất thải nhựa hằng năm.

Bao bì tự huỷ an toàn

Song song với những phương án tái chế hòng chuyển đổi rác thải nhựa giá trị thấp thành các vật dụng hữu ích, từ đó gia tăng dòng đời của sản phẩm, góp phần giải quyết khủng hoảng rác thải đang diễn ra; rất nhiều startup đang hướng nỗ lực bảo vệ môi trường của mình sang một khía cạnh khác: tạo ra những bao bì bền vững có khả năng tự hủy mà không gây hại cho môi trường.
Trong bối cảnh ô nhiễm nhựa đang ngày càng trở thành một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất toàn cầu, chị Đỗ Hồng Hạnh quyết định thành lập nên startup Buyo với hy vọng đây sẽ là nơi hiện thực hóa mong muốn biến đổi phụ phẩm sinh học thành bao bì nhựa sinh học tự hủy, an toàn.

Trong khi hầu hết các công ty nhựa sinh học sử dụng tinh bột làm nguyên liệu chính, Buyo cho biết công nghệ độc quyền của họ chuyển đổi chất thải sinh học từ nông nghiệp và quá trình chế biến thực phẩm như bã hèm, bã mía… thành nhựa sinh học giúp loại bỏ khí thải nhà kính và ô nhiễm. Cụ thể, nhựa sinh học của Buyo được làm từ bã hèm, bã mía,..., và dễ dàng phân hủy thành carbon dioxide, nước, sinh khối.

Buyo mới đây đã huy động được khoản tiền tài trợ vòng tiền hạt giống (pre-seed) do văn phòng gia đình Aldebaran Capital có trụ sở tại Singapore dẫn đầu. Giá trị cụ thể của thương vụ không được tiết lộ. Trong giai đoạn đầu, công ty đặt mục tiêu cung cấp vật liệu làm bao bì như bao bì thực phẩm; tiếp theo sẽ là các ứng dụng khác trong ngành mỹ phẩm, y tế và dệt may.

Một startup khác, Veritas chuyên sản xuất loại hạt nhựa sinh học cà phê. Công ty sẽ thu gom bã cà phê từ các quán cà phê địa phương ở Việt Nam, sấy khô và trộn với các nguyên liệu tái chế, tinh bột, cellulose, gỗ, nhựa tự nhiên, sáp và dầu. Khi đó, hỗn hợp cà phê thu được có nguồn gốc sinh học, có thể tái chế, nhẹ, có mùi cà phê và trông giống như gỗ sẫm màu. Từ vật liệu này, Veritas đã sản xuất cốc, thìa, dĩa, và thậm chí… giày theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nước ngoài. Gần đây, Veritas đã hợp tác với UNIQLO tung ra chương trình tặng ly cà phê “Sống xanh” được sản xuất từ bã cà phê tái chế cho khách hàng.

Bản thân câu hỏi làm thế nào để tạo ra được một loại bao bì tự hủy có tính ứng dụng cao đã là một bài toán thú vị, không chỉ đối với các nhà nghiên cứu lâu năm, mà còn cả các sinh viên đang bắt đầu đi trên con đường nghiên cứu lâu dài.

Năm ngoái, trong một lần mở gói phở và nhìn thấy có tới sáu gói ni lông để đựng sợi phở khô và các loại gia vị, một nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) đã nảy ra ý tưởng tạo ra các loại bao bì, màng bọc tinh bột có thể ăn được cho các sản phẩm ăn liền. Các sinh viên đã tạo ra những sản phẩm màng bọc và bao bì từ tinh bột thông qua quá trình tạo màng từ các thành phần sinh học. Thành phần chính được nhóm lựa chọn để phát triển các sản phẩm là tinh bột sắn vì đây là nguồn nguyên liệu giá rẻ, dễ kiếm, dễ dàng trồng và tìm thấy tại Việt Nam.2

Tương tự, một nhóm các sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật hoá học cũng thuộc trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thạch dừa lên men để tạo ra bao bì nhựa sinh học sử dụng một lần có thể tự phân hủy trong vòng 30 ngày. Sau khi thạch dừa được lên men từ nước dừa, nhóm tiến hành thu men thạch phía trên để xay nhỏ. Sau đó nhóm tạo thành một hỗn hợp đồng nhất với nước cất và đưa thêm một số phụ gia vào, trộn đều, đun nóng, tráng khay rồi sấy khô trong vòng 2 tiếng là thu được sản phẩm.3

Công nghệ mà nhóm sử dụng là lên men thạch dừa bằng công nghệ cenlulose vi khuẩn. Độ bền cơ học của màng mỏng cenlulose vi khuẩn là một trong những chỉ tiêu chất lượng quan trọng để sử dụng và chế tạo sản phẩm. Với công nghệ lên men cenlulose vi khuẩn này, nhóm còn có thể áp dụng vào các loại sinh khối thải bỏ khác như bùn giấy, rơm rạ, vỏ trái cây lên men…

Hiện nay ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông, hơn 80% số túi ni lông đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Có thể những nỗ lực kể trên của các doanh nghiệp, các startup và các nhà nghiên cứu trẻ chưa thể giải quyết thực trạng này trong một sớm một chiều, nhưng đó là những điểm sáng cho thấy chúng ta đang nỗ lực để kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Nguồn tham khảo:
[1] https://asia.nikkei.com/Business/Business-Spotlight/ASEAN-s-garbage-economy-Startups-turn-plastic-waste-into-consumer-goods
[2] https://diendandoanhnghiep.vn/y-tuong-tao-ra-bao-bi-xanh-tu-pho-an-lien-231326.html
[3] https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-che-bao-bi-co-the-an-duoc-post608697.html
 

Nguồn: Anh Thư - khoahocphattrien.vn

Các tin liên quan