Nhiều kỳ vọng vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Quản trị viên 05/09/2023 Tin tức - sự kiện
Với việc triển khai tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, toàn ngành nông nghiệp đã thực hiện vượt 5 chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra của Chương trình hành động số 11-CT/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới thực sự đã bén rễ vào đời sống.

5 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, 5 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành NN&PTNT đạt 3,27% (chỉ tiêu đề ra là 3,2 - 3,6%); diện tích rau an toàn hợp chuẩn VietGAP được chứng nhận 114,8 ha (chỉ tiêu 100 ha); sản lượng thủy sản khai thác đạt 264 nghìn tấn (chỉ tiêu 220 nghìn tấn); sản lượng khai thác thủy sản xa bờ 220 nghìn tấn (chỉ tiêu 200 nghìn tấn); sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh là 217 sản phẩm (chỉ tiêu 165 sản phẩm).

 Ngư dân Bình Ðịnh ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương. Ảnh: T.D

Ngay khi bắt đầu triển khai, các địa phương đều ban hành kế hoạch và bước đầu tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động 11-CT/TU (CTHÐ số 11). Cùng với các địa phương, về phía ngành chuyên môn, Sở NN&PTNT đẩy mạnh nghiên cứu, tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất cao; nhân rộng các mô hình canh tác tiên tiến, ứng dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất để nâng cao sản lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu như thâm canh lúa SRI; duy trì các cánh đồng liên kết trong sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm với 270 cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn, diện tích 11.000 ha. Xây dựng và duy trì được 8 vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 106 ha, 1.206 hộ nông dân tham gia. Với cây ăn quả có lợi thế, đang từng bước quy hoạch vùng; có 90,4 ha cây ăn quả đã được chứng nhận VietGAP, 2,4 ha được cấp chứng nhận hữu cơ.

Ở ngành chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi tăng đều qua các năm, nhóm vật nuôi chủ lực heo, bò, gà duy trì và tăng trưởng ổn định. Ðến hết năm 2022, tỷ lệ đàn heo nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao là 97.590 con, chiếm 40,3% tổng đàn heo; bò lai chiếm 90% tổng đàn, trong đó bò thịt chất lượng cao chiếm 26,2% tổng đàn; đàn gà nuôi công nghệ cao đạt 2,2 triệu con.

Lĩnh vực thủy sản tiếp tục cơ cấu lại đội tàu khai thác, đầu tư nâng cấp công nghệ khai thác, bảo quản để tăng sản lượng, chất lượng, giảm chi phí và khai thác hợp lý. Với lĩnh vực lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng được chú trọng từ chính quyền cấp tỉnh tới địa phương. Cùng với đó, việc đầu tư KHKT, công nghệ vào sản xuất giống cây lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng luôn được khuyến khích. Ðến nay, toàn tỉnh có 3 DN sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp cấy mô, năng lực sản xuất 14 triệu cây/năm…

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Vãn Phúc nhìn nhận, kết quả này tương xứng với nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp trong việc tổ chức thực hiện CTHÐ số 11.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT tích cực phối hợp với các địa phương trong tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Ban chỉ đạo CTHÐ số 11 đã đề ra. Quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trọng điểm để từ đó tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo điều hành phù hợp; hỗ trợ các địa phương rà soát, đánh giá để áp dụng các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân huyện Hoài Ân canh tác bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: T.D

Ðộng lực phát triển kinh tế ở các địa phương

CTHÐ số 11 tạo ra những thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương. Nổi bật như Hoài Ân với việc hình thành “thủ phủ” cây ăn quả của tỉnh; TX Hoài Nhơn tập trung cho phát triển kinh tế biển và sản phẩm đặc trưng địa phương; huyện Phù Cát là trung tâm của việc triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn thích hợp; huyện Tây Sơn phát triển rừng cây gỗ lớn, quy hoạch các vùng trang trại cây ăn quả phục vụ du lịch…

Ðến nay, huyện trung du Hoài Ân đã và đang thực hiện việc cấp chứng nhận VietGAP và hữu cơ cho 145 ha bưởi và dừa xiêm; cấp mã số vùng trồng cho 50 ha bưởi đạt chứng nhận VietGAP. Những động thái này đảm bảo sản phẩm minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, tạo thuận lợi trong tiêu thụ. Riêng năm 2023, Hoài Ân quy hoạch vùng sản xuất tập trung bưởi da xanh và dừa xiêm với diện tích 25 ha ở 4 xã Ân Tường Ðông, Ân Nghĩa, Ân Hữu và Ân Hảo Ðông, trong đó diện tích trồng bưởi là 20 ha/38 hộ, dừa xiêm là 5 ha/10 hộ.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Phù Mỹ. Ảnh: T.D

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, nhìn nhận: “Quan trọng nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm, do vậy, huyện tính toán quy hoạch vùng sản xuất mới đủ tiêu chuẩn từ bước đầu, nhằm áp dụng đồng bộ quy trình, ứng dụng KHKT, công nghệ - cụ thể là vùng bưởi và dừa xiêm tập trung; xây dựng HTXNN chuyên ngành tham gia vào liên kết tiêu thụ sản phẩm, cùng với đó là nâng cao khả năng cạnh tranh, mức độ nhận diện cho sản phẩm nông nghiệp của Hoài Ân thông qua việc tiếp tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm của địa phương”.

Trong khi đó, TX Hoài Nhơn vẫn xác định thế mạnh của địa phương là phát triển kinh tế biển với việc tổ chức hoạt động hiệu quả các đội tàu khai thác hải sản xa bờ; tiếp tục đề xuất đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển Tam Quan và luồng lạch ra vào cảng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển. Theo đó, Hoài Nhơn hiện đang đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho đội tàu khai thác xa bờ, chuyển giao công nghệ nano trong bảo quản sản phẩm.

“Ngoài thế mạnh về kinh tế biển, những nãm qua, Hoài Nhơn còn có một bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp mà chúng tôi không thể không nhắc tới là sự phát triển của các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Ðến nay, chúng tôi có 33 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao trở lên, trong đó có 2 DN địa phương đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu là bánh tráng Sachi và nước mắm Bếp xưa”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho biết.                      

THU DỊU

Các tin liên quan