Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Ðịnh lần thứ 13 (2022 - 2023): Giàu tính sáng tạo, gắn với thực tiễn

Quản trị viên 17/11/2023 Tin tức - sự kiện
Theo đánh giá của Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 13 (2022 - 2023), 37 giải pháp đoạt giải thưởng bảo đảm tính mới, sáng tạo, có khả năng áp dụng với quy mô rộng, mang lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế - xã hội.

Ứng dụng kỹ thuật y học vào điều trị

Trong các giải pháp đoạt giải, có thể kể đến hai giải pháp đoạt giải nhất lĩnh vực Y dược, được triển khai tại BVĐK tỉnh, gồm: Đánh giá kết quả sớm của phẫu thuật cắt gan có kiểm soát cuống gan theo kỹ thuật Takasaki của BSCKII Lê Đức Hải và Thầy thuốc nhân dân (TTND), BSCKII Phạm Văn Phú; Nghiên cứu tạo nhịp tim vĩnh viễn vị trí vùng vách thất phải trên bệnh nhân rối loạn nhịp tim chậm của bác sĩ CKII Phan Nam Hùng, cùng cộng sự. Các giải pháp có ưu điểm là an toàn, bệnh nhân hồi phục nhanh, giảm tình trạng chuyển tuyến, giảm chi phí đi lại cho bệnh nhân và người nhà, tiết kiệm chi phí xã hội… Đồng thời, có thể thực hiện ở các bệnh viện tuyến tỉnh khác, nơi có đầy đủ trang thiết bị y tế.

TTND BSCKII Phạm Văn Phú (giữa) phân tích kết quả sớm của phẫu thuật cắt gan có kiểm soát cuống gan theo kỹ thuật Takasaki.   Ảnh: T.L

TTND, BSCKII Phạm Văn Phú cho biết: Trước đây, các trường hợp bệnh nhân ung thư gan hầu hết phải chuyển đến bệnh viện tuyến Trung ương để tiến hành cắt gan. Hiện nay, tại BVĐK tỉnh có thể can thiệp, phẫu thuật hiệu quả (đã thực hiện trên 19 bệnh nhân). Ưu điểm của giải pháp là phẫu tích cuống gan theo kỹ thuật Takasaki. Thắt cuống của phần gan chứa u định cắt bỏ. Xác định các mặt cắt gan. Cắt nhu mô gan, cầm máu bằng các phương tiện cầm máu như Heamolock, Clip mạch máu, chỉ khâu cột, Bipolar đốt.

Giải pháp nghiên cứu tạo nhịp tim vĩnh viễn vị trí vùng vách thất phải trên bệnh nhân rối loạn nhịp tim chậm của BSCKII Phan Nam Hùng và cộng sự đã giúp các bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim chậm có thể điều trị ngay trong tỉnh, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh. Giải pháp được áp dụng tại BVĐK tỉnh từ năm 2019 đến nay, để thay thế tạo nhịp vùng mỏm.

Theo BSCKII Phan Nam Hùng, kỹ thuật trước đây có khó khăn khi luồn dây điện cực cố định vào đường ra thất phải, do kích thước và cấu trúc giải phẫu của tim ở mỗi bệnh nhân khác nhau. Do đó, ông và cộng sự đưa ra ý tưởng mới cần cải tiến kỹ thuật tạo nhịp tim vĩnh viễn vị trí vùng vách thất phải. “Chúng tôi sáng tạo trong việc cải tiến lại các Stylet (nòng dây điện cực) với nhiều kích cỡ và hình dáng khác nhau để phù hợp với kích cỡ, hình dáng của tim dựa vào kích thước thất phải được đo trên siêu âm; giúp bác sĩ dễ dàng cố định dây điện cực vào vùng vách thất phải. Từ đó, xây dựng quy trình kỹ thuật thích hợp chuyển giao công nghệ, ứng dụng hiệu quả tại địa bàn tuyến tỉnh”, BSCKII Phan Nam Hùng chia sẻ.

Nâng cao chất lượng dạy và học, giảm thiểu tổn thất điện năng

Sử dụng phương pháp số học để giải và sáng tác các bài toán dãy số từ đề thi học sinh giỏi hiện nay của Th.S Nguyễn Đình Thức - giáo viên Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (giải nhì lĩnh vực GD&ĐT) có tính sáng tạo, ứng dụng tốt trong công tác dạy và học cho học sinh, góp phần trau dồi, bồi dưỡng kiến thức về Toán học cho học sinh.

Về ý tưởng triển khai, Th.S Thức thổ lộ: Các bài toán số học của dãy số luôn xuất hiện trong các đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế... Thế nhưng, tài liệu về số học trong dãy số chưa được đề cập, phương pháp giải chưa có tính hệ thống, nội dung tính chất số học của dãy số khá đa dạng, kết quả phụ thuộc vào thử nghiệm, khó nhận ra kiến thức bổ trợ làm cho học sinh lúng túng, khó tư duy khi làm bài.

Để khắc phục hạn chế đó, từ năm 2010, Th.S Nguyễn Đình Thức đã thu thập tài liệu nghiên cứu phương pháp số học để giải và sáng tác các bài toán dãy số từ đề thi học sinh giỏi. Đồng thời, cập nhật, bổ sung tài liệu từ nhiều nguồn (đề thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế; các báo và tạp chí toán học; các hội thảo khoa học; trao đổi với các giáo sư ở các trường đại học, viện toán học...). Đến nay, phương pháp đã hoàn thiện, áp dụng cho các lớp chuyên Toán của trường, các đội tuyển thi học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh, cấp quốc gia mang lại kết quả cao. Giải pháp đã hệ thống hóa kiến thức bằng các ý tưởng ra đề; kỹ thuật giải quyết các bài toán số học của dãy số từ đề thi Olympic các nước trong những năm gần đây… Từ đó, giúp nội dung bài giảng phong phú hơn, học sinh có cơ hội thử sức các đề toán mới, nhằm nâng cao kỹ năng tư duy sáng tạo, nuôi dưỡng niềm đam mê toán học của học sinh.

Giải pháp xây dựng chương trình kiểm soát để phát hiện nhanh tình trạng lệch pha trạm biến áp (TBA) công cộng 22 - 35/0.4kV nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý vận hành của Th.S Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định (giải nhì lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông) mang đến nhiều tiện ích, giảm chi phí trong công việc vận hành lưới điện.

Ông Hồ Quang Thịnh cho hay: Công ty Điện lực Bình Định đang quản lý vận hành 2.590 TBA công cộng, được lắp đặt công tơ điện tử. Trước đây, để cân pha, san tải, công nhân phải trực tiếp đến TBA để đo dòng điện 3 pha rồi tính toán, phán đoán. Cách làm này có tính chính xác thấp, tốn thời gian, công sức và khó đảm bảo thời điểm đo. Vì vậy, khi áp dụng giải pháp mới giúp công ty chủ động kiểm soát số liệu TBA từ xa qua công tơ điện tử, qua đó dễ dàng xác định các TBA có số liệu xấu do bị lệch pha để kịp thời tiến hành cân pha, san tải, góp phần giảm tổn thất điện năng cho đơn vị quản lý vận hành; giải phóng thời gian và công sức của công nhân, nâng cao năng suất lao động cho toàn đơn vị. 

TRỌNG LỢI

nguồn:baobinhdinh.vn

Các tin liên quan