Trong vòng gần hai thập niên, dòng chảy tự chủ xuyên suốt sáu nghị định đã cuốn các tổ chức KH&CN công lập tuần tự đi theo các khuôn mẫu khác nhau. Dẫu vậy, một mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm vẫn còn là mơ ước ở Việt Nam.
Các viện nghiên cứu công lập đã chịu nhiều điều chỉnh của các nghị định về cơ chế tự chủ. Ảnh: Các nhà khoa học Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nghiên cứu sơn chống cháy. Nguồn: Viện KHVL.
Có lẽ khi xây dựng nên những nghị định này, các nhà quản lý đã đặt mơ ước về một không khí làm việc sôi nổi ở các viện nghiên cứu, những nơi có thể tự đứng vững, tự trang trải các hoạt động mà không cần đến ngân sách nhà nước. Ở những nơi ấy, một đầu là các dòng sản phẩm mới, có sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đầu khác là các dòng thu chủ lực, đem lại sự độc lập cho họ.
Đó mới chỉ là mơ ước bởi thực tại thì trái ngược. Hầu hết các viện nghiên cứu tồn tại một cách chật vật trong khung tự chủ và sự ràng buộc của những khung quản lý liên quan khác. “Khi muốn thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu thì nhà khoa học cứ như bị ‘trói chân, trói tay’, không cựa quậy được gì”, một nhà vi sinh vật học ở ĐHQGHN chia sẻ.
Một vài năm trước, anh từng hào hứng với ý tưởng lập công ty spin-off theo dạng công ty TNHH một thành viên theo đúng quy định của nhà nước dựa trên công nghệ riêng có của mình. Tuy nhiên, trước ngày đi đăng ký, anh mới kịp phát hiện ra là mình không đủ tiêu chuẩn: theo Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì cán bộ, viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Khi chuyển hướng, hạ xuống một mức là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp thì hóa ra, anh lại không phải là người sở hữu thứ công nghệ do chính mình làm ra vì nhà nước tài trợ kinh phí để hình thành nó, nếu chiểu theo Nghị định 70/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.
Khúc mắc của một cá nhân mới chỉ phản ánh một phần của sự phức tạp hơn ở một tổ chức lớn, sau khi nếm trải các nghị định khác nhau về tự chủ.
Bởi, khởi đầu với mốc thời gian tháng 9/2005, khi Nghị định 115/2005/NĐ-CP ra đời, mở ra làn sóng tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các tổ chức KH&CN công lập, những năm sau lần lượt là sự xuất hiện của các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác về tự chủ do Chính phủ ban hành. Có thể thấy, mặc dù các nhà quản lý kỳ vọng các làn sóng lớn này sẽ đưa các tổ chức KH&CN công lập cập bến tự chủ nhưng thực tế thì tất cả lại càng ngổn ngang. “Có nhiều thứ ràng buộc các tổ chức. Ba yếu tố tự chủ là tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính, tự chủ tổ chức [đến giờ] vẫn chưa tháo gỡ được. Nó dẫn đến một môi trường tài chính giằng chéo, thậm chí [khiến] anh em phải [nghĩ cách] đối phó”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trao đổi tại cuộc họp triển khai công tác năm 2024 của Bộ KH&CN. Điểm lại cả chặng đường với nhiều vướng mắc của cơ chế tự chủ trong gần 20 năm, ông cho rằng “từ hồi tôi còn làm giám đốc trung tâm, đến nay vẫn chưa giải quyết được”.
Vì vậy, một câu hỏi đặt ra là tại sao các nghị định về tự chủ, lẽ ra phải mở lối phát triển như kỳ vọng, lại dẫn đến điểm nghẽn?
Hai góc nhìn về tự chủ
Sau mỗi lần ban hành một nghị định mới, các nhà khoa học lại bớt lạc quan thêm một ít về việc sẽ có được một mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm đích thực cho các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam. Dường như thứ tự chủ họ mong muốn, giống như mô hình của các đồng nghiệp quốc tế, có quá nhiều điểm khác biệt với thứ tự chủ mà các nhà hoạch định chính sách xây dựng. Vậy có phải tồn tại hai dạng tự chủ khác nhau? Giáo sư Trần Xuân Hoài, một nhà vật lý chất rắn kỳ cựu tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đưa ra một nhận xét thuần túy dựa trên chính bản chất của khoa học “Tôi nghĩ tự chủ là chuyện tất nhiên của khoa học. Nhưng tự chủ không có nghĩa là cắt hết kinh phí, hai vấn đề đó khác nhau. Ở Việt Nam cứ hiểu tự chủ là khoán trắng, nhà nước không còn nuôi nữa, hết trách nhiệm. Thế thì chẳng hiểu gì về khoa học. Chính cố vấn khoa học của Đức, khi đi với tôi, nói ‘ông có thấy vô lý không. Có nước nào bàn về tự chủ của nhà khoa học và viện khoa học không? Chuyện tự chủ là chuyện tất nhiên chứ’”.
“Nói một cách đơn giản, cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm là hệ thống chính sách cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định hoạt động của mình trong khung khổ pháp luật, phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường và tiệm cận với thông lệ quốc tế”.
TS. Nguyễn Quân, nguyên bộ trưởng Bộ KH&CN
Do đó, tự chủ như tấm áo đẹp chưa bao giờ được khoác lên các tổ chức KH&CN công lập một cách vừa vặn. Dường như chưa bao giờ, khái niệm tự chủ được thể hiện một cách đầy đủ trong các văn bản hướng dẫn. Vậy phải hiểu khái niệm này là gì? TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, người tham gia vào quá trình soạn thảo Nghị định 115, giải thích “Nói một cách đơn giản, cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm là hệ thống chính sách cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định hoạt động của mình trong khung khổ pháp luật, phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường và tiệm cận với thông lệ quốc tế. Nội hàm của cơ chế tự chủ bao gồm tự chủ trong xác định chức năng, nhiệm vụ; tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế; tự chủ về tài chính, tài sản. Ba nội dung này có quan hệ hữu cơ, không thể tách rời, trong đó tự chủ về tài chính là quan trọng nhất bởi nếu không được tự chủ thực sự về tài chính thì các nội dung tự chủ khác chỉ là hình thức và không còn ý nghĩa”.
Tuy nhiên, ngoài Nghị định 115, các nghị định còn lại chỉ thể hiện một cơ chế tự chủ thuần túy là tự chủ tài chính. Cả hai văn bản gây sóng gió hàng đầu, Nghị định 54 và Nghị định 60, đều dựa trên luận điểm cơ bản là phân loại tổ chức KH&CN công lập theo bốn mức trên cơ sở mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư. Đây là lý do giải thích vì sao, các nghị định sau Nghị định 115 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc của nó lại có xu hướng chồng thêm rào cản cho các tổ chức này. Giáo sư Vũ Cao Đàm, trong một cuộc tọa đàm do Tia Sáng tổ chức vào tháng 12/2014, cũng có nhận định về sự thiếu nhất quán giữa mục đích và phương tiện này: “Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức KH&CN công lập chưa được bàn từ cái gốc. Đó là, mục đích tự chủ phải được đi kèm với sự tự chủ về các phương tiện để tự chủ, trong đó có một phương tiện rất quan trọng, là tự chủ về công việc và tự chủ về tài chính”.
Có lẽ, vì khái niệm tự chủ chưa được hiểu một cách đúng đắn nên khi có hiệu lực, những văn bản quy định tự chủ đều khiến các viện vướng mắc vô cùng. “Nhìn chung, các văn bản sau Nghị định 115 đều có xu hướng là hoặc quay lại cơ chế cũ, không quy định cơ chế tự chủ cho từng lĩnh vực có đặc thù riêng, ví dụ khoa học, y tế, giáo dục, văn hóa… hoặc chỉ quan tâm tự chủ tài chính mà không quan tâm đến việc đồng bộ hóa các quy định pháp luật để các tổ chức có thể tự chủ toàn diện cả về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự”, TS. Nguyễn Quân phân tích. Đây là lý do giải thích vì sao, cái tự chủ mà các nhà quản lý định ra chỉ là hình thức bởi trong các hoạt động thường nhật, các viện vẫn phải tuân theo những quy định cũ.
“Nhìn chung, các văn bản sau Nghị định 115 đều có xu hướng là hoặc quay lại cơ chế cũ, không quy định cơ chế tự chủ cho từng lĩnh vực có đặc thù riêng, ví dụ khoa học, y tế, giáo dục, văn hóa… hoặc chỉ quan tâm tự chủ tài chính mà không quan tâm đến việc đồng bộ hóa các quy định pháp luật để các tổ chức có thể tự chủ toàn diện cả về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự”.
(TS. Nguyễn Quân)
Điều bất cập lớn nhất khi triển khai các nghị định này là một nghịch lý khác: khi đóng lại cánh cửa tài chính của nhà nước thì các cánh cửa khác đến với thị trường để các viện tìm nguồn thu lại không được mở ra do sự thiếu đồng bộ về hệ thống quy phạm pháp luật liên quan: quyền sở hữu tài sản, quyền sở hữu công nghệ, quyền lập công ty, quyền tự chủ về nhân lực… Khi đề cập đến những rắc rối của các nhà khoa học Việt Nam hay các viện gặp phải khi muốn lập công ty từ kết quả nghiên cứu, TS. Nguyễn Quân xác nhận và cho biết thêm một thực tế là ở cấp viện, Luật Doanh nghiệp không quy định cấp giấy phép kinh doanh cho các đơn vị ngoài doanh nghiệp, tức là chỉ có doanh nghiệp mới được đăng kí kinh doanh, còn các viện không phải là doanh nghiệp thì không được, “thành ra nếu sản xuất, kể cả có hàng hóa rồi cũng rất khó bán. Nhiều khi anh em cũng có làm nhưng phải ‘đội lốt’ doanh nghiệp, tức là mượn tên một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Do đó, sản phẩm của mình nhưng lại phải dán nhãn của doanh nghiệp thì mới được lưu thông trên thị trường. Đấy là cái vướng đầu tiên gọi là cho tự chủ”.
Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường liên danh với Viện Nghiên cứu Deltares (Hà Lan) thực hiện gói tư vấn “Xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL”. Nguồn: CEFD
Sự lệch pha trong cách hiểu về cơ chế tự chủ cũng như sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy định pháp luật đã dẫn đến vô vàn vướng mắc trong hoạt động. Thậm chí, sự thất bại của các văn bản này còn góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu chất xám, không chỉ thúc đẩy người có năng lực chuyên môn cao trong cơ sở nghiên cứu nhà nước sang làm cho doanh nghiệp mà còn góp phần tạo ra sự chảy máu chất xám tại chỗ – nhà khoa học không còn nhiệt tình làm việc, lúc nào cũng chỉ “chân trong chân ngoài”. “Khi không được hiểu và thực thi một cách đầy đủ thì cơ chế tự chủ dường như gián tiếp đưa các tổ chức KH&CN công lập đến chỗ hoạt động kém hiệu quả hơn”, một nhà quản lý khoa học giàu kinh nghiệm chia sẻ điều mình quan sát được. Nhiều nhà khoa học cũng tự rút ra kết luận qua trải nghiệm của chính mình và đồng nghiệp: tự chủ tài chính càng tốt thì nhà nước càng cắt giảm kinh phí, trong khi các quyền tự chủ khác về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế vẫn bị hạn chế như đơn vị chưa tự chủ, chưa kể cơ hội để tạo nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn do dịch bệnh, do khủng hoảng kinh tế, do cơ chế giải ngân… dẫn đến nhiều đơn vị sự nghiệp công lập “sợ” tự chủ, đến mức một số đơn vị xin “trả lại” quyền tự chủ để được nhà nước bao cấp như trước đây (!!?). Và nhiều người đặt câu hỏi: nếu một tổ chức KHCN công lập phải tự chủ cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư như quy định của Nghị định 60/2021/NĐ-CP thì có nên quản lý họ như đơn vị sự nghiệp công lập nữa hay không?
Tự chủ từ đâu?
Câu chuyện tự chủ ở các viện nghiên cứu suốt gần hai thập niên không hoàn toàn chỉ có thất bại. Nếu làm một phép thống kê theo thời gian thì có thể thấy, cũng đã có một số tổ chức ở trong Nam, ngoài Bắc đã chuyển đổi thành công sang tự chủ và tự nuôi sống được mình. Vậy tại sao những mô hình hiếm hoi này không thể nhân rộng? tại sao các đồng nghiệp của họ vẫn cứ chật vật mà không thể học hỏi được đồng nghiệp của mình? thực chất vấn đề nằm ở đâu?
Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Sản xuất thực nghiệm (CIPP) đạt chuẩn GMP WHO của Viện Tế bào gốc. Nguồn: Viện Tế bào gốc
Dĩ nhiên là không nhiều “điển hình tiên tiến” như vậy – Viện Nghiên cứu Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM), Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) của Viện NLNTVN, Trung tâm Động lực học thủy khí Môi trường (CEFD) ở ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN…, những nơi có thể “sống khỏe” bằng nghề khoa học và những sản phẩm công nghệ của mình. Để lý giải nguyên nhân vì sao họ làm được như vậy, chúng ta hãy nhìn vào công việc của họ: Viện Tế bào gốc là nơi có thể cung cấp cho thị trường – các bệnh viện – những sản phẩm với chất lượng tương đương sản phẩm quốc tế cùng loại nhưng giá thành rẻ hơn nhiều, một kết quả được rút trích từ chính nghiên cứu của Viện trong nhiều năm; VINAGAMMA có thể cung cấp dịch vụ chiếu xạ bằng nguồn Co-60, giúp kiểm soát vi sinh và diệt vi sinh gây bệnh trên hàng hóa xuất khẩu với mức giá rẻ nhất và kỹ thuật triển khai tốt nhất trên thị trường, bên cạnh một số sản phẩm công nghệ liên quan đến các kỹ thuật hạt nhân khác; CEFD được nhiều khách hàng như Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các nhà máy thủy điện, các địa phương tin tưởng khi có thể cung cấp các dịch vụ khoa học liên quan đến thủy văn, thủy lợi, tài nguyên nước, quản lý lũ tổng hợp cũng như các dịch vụ về dự báo, cảnh báo, xây dựng các kế hoạch phòng chống thiên tai…
Do đâu họ có đủ năng lực giúp sống được và tự chủ? Có thể sẽ có nhiều người tò mò về bí quyết riêng có của họ và tự đặt câu hỏi này, bởi dẫu năng lực làm khoa học là cốt lõi nhưng năng lực làm ra sản phẩm thị trường cần lại là một chuyện khác. Khoan nói về những yếu tố không thể thiếu như đội ngũ, người lãnh đạo, tầm nhìn…, chúng ta cùng nhìn vào một điểm chung của họ, đó là cùng sở hữu một hệ thống cơ sở vật chất, dẫu chưa thể nói là đáng mơ ước nhưng đủ sức làm bệ phóng cho họ: VINAGAMMA có máy chiếu xạ công nghiệp đa năng sử dụng nguồn Co-60 SVST-Co60/B và máy gia tốc chùm tia điện tử; Viện Tế bào gốc có Phòng thí nghiệm Đánh giá hoạt tính sinh học theo chuẩn ISO 17025 (LABA) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Sản xuất thực nghiệm (CIPP) đạt chuẩn GMP WHO; CEFD sở hữu hệ thống tính toán hiệu năng cao với năng lực tính toán khoảng 25 teraflop và hệ thống radar di động ven bờ quan trắc sóng và dòng chảy biển có độ phân giải cao (300mx300m) với tầm quét từ 30-200 km (hệ thống WERA).
“Vướng mắc lớn nhất, theo tôi, chính là sự không đồng bộ, không thống nhất của hệ thống luật pháp. Một chính sách có thể đúng theo quy định của luật này nhưng lại không đúng theo quy định của luật khác, nhất là các luật được mặc nhiên coi là luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao hơn, dẫn tới vô hiệu hóa các chính sách mới tiến bộ hơn”.
(TS. Nguyễn Quân)
Trong các cuộc trao đổi với Tia Sáng về bí quyết làm nên sức mạnh tự chủ, cả ba nơi đều xác nhận, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bước ngoặt tự chủ. Nhưng các hệ thống cơ sở vật chất góp phần làm nên năng lực tự chủ này có phải do họ tự mua sắm, tự đầu tư cho chính mình? Dẫu dòng tiền đầu tư cho họ từ các nguồn khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn là cơ chế của nhà nước. VINAGAMMA nhận được đầu tư từ Bộ KH&CN và vay vốn qua Quỹ Hỗ trợ phát triển (nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam); Viện Tế bào gốc và CEFD nhận được tài trợ qua các dự án hỗ trợ nâng cao năng lực tự chủ của Dự án FIRST (Bộ KH&CN) – nhà nước một phần, vốn đối ứng một phần.
Rõ ràng, việc tồn tại được dưới cơ chế mới, một chính sách có phần khắc nghiệt và nhiều rủi ro, họ đã được trang bị tương đối đủ đầy lưng vốn, cả về cơ sở vật chất và năng lực làm chủ công nghệ. “Bài học kinh nghiệm từ dự án FIRST cho thấy, để các viện có thể tự chủ được, họ cần phải được đầu tư một cách đầy đủ đã. Rất có thể là lâu nay, chúng ta chưa thực sự hiểu về tự chủ, thậm chí hiểu một cách rất đơn giản, vì vậy khi chưa đem lại cho các đơn vị đủ điều kiện đã bắt họ tự chủ ngay. Vậy là thất bại”, một nhà quản lý từng tham gia vào Ban quản lý dự án FIRST trao đổi.
Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện tự chủ của VINAGAMMA, Viện Tế bào gốc hay CEFD còn nảy sinh vấn đề khác: phải chăng chỉ có nơi làm khoa học ứng dụng, tạo ra được công nghệ, có năng lực chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ thì mới có thể đặt vấn đề tự chủ là thoát dần bầu sữa ngân sách? nếu vậy với những nơi nghiên cứu khoa học cơ bản, đặc biệt về khoa học xã hội và nhân văn, có nên yêu cầu họ tự chủ, hoặc “tự chủ” theo cách hiểu nào? có nên xếp hạng theo các tiêu chí của Nghị định 54, Nghị định 60 không? liệu có đúng không khi xếp hạng các viện nghiên cứu bằng tiêu chí tài chính chứ không phải theo lĩnh vực hoạt động hay theo năng lực của họ?
Vấn đề tự chủ ngày một phức tạp khi ngoài lằn ranh cơ bản – ứng dụng còn có những tổ chức hình thành theo mô hình khác như Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), nơi hướng đến mục tiêu trở thành một môi trường trao đổi học thuật về toán và tạo điều kiện cho các nhà khoa học từ các nơi khác đến làm việc ngắn hạn. Vậy có nên yêu cầu họ tự chủ?
“Mô hình tự chủ mà tôi mơ ước“
Các chính sách về tự chủ được ban hành trong hai thập niên đã đem lại những tác động khác nhau cho giới khoa học. Trong tình thế này, việc tồn tại được, bám trụ được với nghề đã là một may mắn. Nhưng ngoài giới khoa học, mấy ai hiểu thấu điều đó, bởi nếu nhìn một cách hời hợt, người ta sẽ chỉ thấy một thực tại hài hước: dẫu có tiếng là có được tri thức mới, xuất bản quốc tế, đào tạo được tiến sĩ nhưng các viện nghiên cứu công lập lại vô cùng yếu kém, không dám tự chủ, và không có năng lực làm ra được sản phẩm nào thiết thực ngoài những kiến thức trừu tượng, xa xôi với xã hội.
Chẳng lẽ tự chủ là điều quá xa vời? Liệu có tồn tại một mô hình tự chủ đúng nghĩa, nơi những người làm khoa học có thể dồn toàn tâm toàn ý vào điều mình có thể làm tốt nhất, qua đó đem lại sự đóng góp nhiều nhất có thể cho xã hội với những sản phẩm đa dạng, như tạo ra tri thức mới, công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế xã hội của đất nước, giải quyết được bài toán của doanh nghiệp; nơi những người làm quản lý có thể thoải mái nhìn thấy dòng tiền đầu tư của mình được tiêu pha, mua sắm một cách minh bạch và thấy những đóng góp ngược trở lại của khoa học, cả dưới dạng hữu hình và vô hình, trong đó có cả hiển thị dưới dạng thuế của các doanh nghiệp sử dụng công nghệ. Ai cũng có thể đóng góp một cách sòng phẳng, nhà khoa học đóng góp bằng tri thức, công nghệ, tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, doanh nghiệp đóng góp bằng thuế, bằng việc tạo ra công ăn việc làm, nhà nước tạo môi trường thuận lợi và đầu tư thông qua nguồn ngân sách từ thuế… Theo nhà khoa học kỳ cựu Trần Xuân Hoài, đó là “cơ chế tự chủ mà tôi mơ ước”. “Tự chủ trong khoa học là lẽ đương nhiên, đó là cơ hội để thành lập các spin-off (khởi nguồn). Trong các doanh nghiệp khoa học, có thể có hàng trăm ngàn start-up (khởi nghiệp) nhưng chỉ rất ít trong đó là spin-off. Các doanh nghiệp trưởng thành từ khởi nguồn là những hạt giống của công nghệ nội tại, thường rất bền vững còn các doanh nghiệp khởi nghiệp là nơi để hấp thụ và lan tỏa công nghệ từ mọi nguồn trên thế giới”, ông nói.
Để khoa học làm được ra tiền như vậy thì cần được nhà nước đầu tư cho đủ. Theo quan điểm của giáo sư Trần Xuân Hoài, “Anh đã thành lập nó thì anh phải tạo điều kiện cho nó sống chứ không phải sinh ra rồi lại để tồn tại lay lắt”. Dường như, ở đâu đó có một cách hiểu vẫn tồn tại là nước ngoài họ không “nuôi” khoa học, khoa học phải tự sống. Ông phản hồi “Chuyện này nhầm to. Đó là trách nhiệm của nhà nước, không bao giờ chối được cả. Hiện nay, Chính phủ Mỹ còn phải tài trợ gấp mấy lần trước đây cho các viện, các phòng thí nghiệm mà không đặt yêu cầu, quy định biên chế. Khi nhận tài trợ, nhiệm vụ của anh là phải làm cho tốt và làm gì thì phải công bố công khai”. Theo số liệu từ Nhà Trắng, ngân sách dành cho khoa học Mỹ năm 2024 là 101,2 tỉ USD, tăng 3,5 tỉ USD so với năm 20231.
Trong lịch sử khoa học thế giới, không thiếu các viện nghiên cứu tư nhân, theo đuổi các nghiên cứu đỉnh cao cả cơ bản đến ứng dụng, dựa trên nguồn đóng góp ngoài chính phủ như Viện Pasteur (Pháp), Viện Nghiên cứu cơ bản Tata (Ấn Độ), Viện Nghiên cứu y sinh Scripps, Viện Nghiên cứu y sinh Salk (Mỹ)… Tuy nhiên ngày nay, sự hỗ trợ của chính phủ qua các nguồn tài trợ khác nhau cho các viện tư nhân này vẫn là chủ yếu: trên 50% ở Viện Pasteur; 99% ở Viện Tata; chủ yếu ở Viện Salk, Viện Scripps thông qua tài trợ của nhiều quỹ, cơ quan liên bang – Viện Scripps là viện độc lập được Quỹ Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) tài trợ nhiều nhất, 280 triệu USD2.
Muốn học hỏi quốc tế để hình thành “một cơ chế tự chủ mà tôi mơ ước”, để khoa học thực sự làm khoa học đỉnh cao và có nhiều đóng góp, theo TS. Nguyễn Quân, cần tháo bỏ những vướng mắc gây cản trở việc thực hiện cơ chế tự chủ. “Vướng mắc lớn nhất, theo tôi, chính là sự không đồng bộ, không thống nhất của hệ thống luật pháp. Một chính sách có thể đúng theo quy định của luật này nhưng lại không đúng theo quy định của luật khác, nhất là các luật được mặc nhiên coi là luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao hơn, dẫn tới vô hiệu hóa các chính sách mới tiến bộ hơn”, ông nói.
Theo phân tích của ông, việc tháo bỏ sự không đồng bộ có nghĩa là cần sửa Luật Ngân sách nhà nước để có thể khoán chi thường xuyên, lập dự toán chi thường xuyên không căn cứ theo số lượng biên chế và cấp kinh phí nghiên cứu theo cơ chế quỹ; sửa Luật Viên chức để cho phép viên chức được thành lập hoặc điều hành doanh nghiệp spin-off hoặc start-up, được nâng lương nhiều bậc hoặc thăng hạng không qua thi khi có thành tích xuất sắc, được tiếp tục hưởng chế độ viên chức sau thời gian biệt phái sang doanh nghiệp, lãnh đạo đơn vị sự nghiệp không bị quản lý như công chức; sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để các đơn vị công lập khi có sản xuất kinh doanh được trích lập quỹ phát triển KH&CN mức cao hơn 10% thu nhập tính thuế và tự quyết định nội dung, định mức chi của quỹ; sửa Luật Quản lý tài sản công để đơn vị sự nghiệp có thể sử dụng cơ sở vật chất liên doanh, liên kết trong hoạt động dịch vụ và sản xuất kinh doanh, viên chức được quyền sử dụng tài sản trí tuệ và tài sản hình thành sau nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp, chuyển nhượng cho doanh nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp; sửa Luật Doanh nghiệp để các đơn vị sự nghiệp có thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, viên chức có thể thành lập doanh nghiệp KH&CN để được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất của nhà nước; sửa Luật KH&CN để thực hiện được cơ chế đặt hàng nghiên cứu và đơn giản hóa thủ tục phê duyệt, thanh quyết toán nhiệm vụ KH&CN…
Có lẽ, với một cơ chế tự chủ như thế, người ta mới có thể chờ đợi một sự đổi mới thực sự trong lòng khoa học Việt Nam?□
————————
Các nghị định chính về tự chủ ở Việt Nam
Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tài chính và tài sản, tổ chức và biên chế của các tổ chức KH&CN công lập.
Nghị định số 80/2007/NĐ-CP quy định về việc thành lập doanh nghiệp KH&CN và chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với loại hình doanh nghiệp này (để hướng dẫn các tổ chức KH&CN tự chủ có thể chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN);
Nghị định số 96/2010/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115;
Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định chung về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong nhiều lĩnh vực, trong đó có KH&CN;
Nghị định số 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập;
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
——————
Chú thích
1. https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2023/03/ap_6_research_fy2024.pdf
2. Nguồn tài chính của bốn viện tư nhân:
– Viện Pasteur: https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/vien-pasteur-quyen-luc-cua-mot-de-che/
– Viện Scripps: https://www.scripps.edu/newsandviews/e_20031013/TSRI-facts.pdf –
– Viện Salk: https://www.salk.edu/wp-content/uploads/2022/12/Salk-Institute-FS-6.30.22.pdf
Nguồn:https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/cac-to-chuc-khcn-cong-lap-mo-hinh-tu-chu-dich-thuc/