Bột phụ phẩm gia cầm cho hiệu quả tương đương bã đậu nành trong chăn nuôi

Quản trị viên 23/07/2024 Tin tức - sự kiện
Điều đó có nghĩa là bột phụ phẩm gia cầm có thể trở thành nguồn thức ăn thay thế tiềm năng, giúp ngành chăn nuôi lợn không bị phụ thuộc hoàn toàn vào bã đậu nành như hiện nay.

Bã đậu nành là nguồn cung protein phổ biến trong thức ăn chăn nuôi do hàm lượng dinh dưỡng và độ ngon miệng cao. Sự phát triển của ngành chăn nuôi đã thúc đẩy hoạt động sản xuất đậu nành trên toàn cầu. Trong đó, Brazil và Mỹ là những quốc gia sản xuất đậu nành lớn nhất, chiếm hơn 2/3 sản lượng đậu nành toàn cầu. Đây cũng là hai thị trường cung cấp đậu nành lớn nhất cho Việt Nam.

Hằng năm, các doanh nghiệp Việt Nam tiêu tốn không ít ngoại tệ để nhập khẩu đậu nành. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng tháng 1/2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 200 nghìn tấn đậu nành, tương đương hơn 122 triệu USD, tăng hơn 200% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mỹ cung cấp gần 130 nghìn tấn, Brazil gần 70 nghìn tấn.

Nhu cầu đậu nành cao dẫn đến nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, việc mở rộng diện tích trồng đậu nành đã góp phần gây ra nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học ở các quốc gia Nam Mỹ. Hơn nữa, nhu cầu tăng cũng đẩy giá đậu nành toàn cầu lên cao, làm giảm lợi nhuận của ngành chăn nuôi bởi vì thức ăn chiếm phần lớn trong chi phí chăn nuôi (khoảng 60-70%).

 

Với mục tiêu giảm phụ thuộc vào nguồn đậu nành nhập khẩu, nhiều nơi đang tìm kiếm các nguyên liệu thay thế sẵn có ở địa phương, nổi bật trong số đó là bột phụ phẩm gia cầm. Sản lượng thịt gia cầm toàn cầu năm 2020 là 134 triệu tấn, tạo ra khoảng 40 triệu tấn phụ phẩm. Việc tận dụng các nguyên liệu này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn thức ăn chăn nuôi mà còn góp phần giải quyết vấn đề môi trường.

Tuy nhiên, việc thay thế này sẽ tác động đến sự sinh trưởng và chất lượng thịt của vật nuôi như thế nào? Để tìm câu trả lời, TS. Nguyen Thi Thanh cùng các cộng sự ở Đại học Massey (New Zealand) đã tiến hành nghiên cứu phân tích giá trị dinh dưỡng của bột phụ phẩm gia cầm và tác động đến sự phát triển của lợn.

20240717DH011.jpg

Việc sử dụng bột phụ phẩm gia cầm làm thưc ăn chăn nuôi mang lại hiệu quả tương tự bã đậu nành. Nguồn: ussoy.org

Từ các phụ phẩm gia cầm (gồm 70% nội tạng, 20% đầu và chân, 10% thịt vụn), nhóm nghiên cứu đã xây dựng bốn khẩu phần ăn nhằm so sánh hiệu quả giữa bã đậu nành và bột phụ phẩm gia cầm.

Trong đó, công thức thứ nhất sử dụng 100% bã đậu nành, công thức thứ hai thay thế 33% bã đậu nành bằng bột phụ phẩm gia cầm, công thức thứ ba thay thế 67%, và công thức thứ tư sử dụng 100% bột phụ phẩm gia cầm. Tất cả khẩu phần đều đáp ứng đủ hoặc cao hơn nhu cầu dinh dưỡng cho lợn có trọng lượng 20-100kg, và tương tự về protein thô, năng lượng tiêu hóa và lysine - một loại axit amin thiết yếu cho vật nuôi.

 

Kết quả thử nghiệm trên đàn lợn hơn 60 con chỉ ra, việc sử dụng bột phụ phẩm gia cầm làm thức ăn chăn nuôi mang lại hiệu quả tương tự bã đậu nành. Lợn vẫn ăn lượng thức ăn tương đương, cho thấy độ ngon miệng của thức ăn không bị suy giảm. Các thông số về khả năng sinh trưởng, năng suất thân thịt và chất lượng thịt vẫn giữ nguyên, ngoại trừ hệ số chuyển hóa thức ăn (hiệu quả chuyển đổi thức ăn thành khối lượng cơ thể) cao hơn ở nhóm lợn theo chế độ ăn thay thế 33% bã đậu nành.

“Đánh giá cho thấy bột phụ phẩm gia cầm có thể dùng làm nguồn protein chính trong khẩu phần ăn của lợn choai - lợn vỗ béo vì nó không gây ra bất kì tác động bất lợi nào đến hành vi ăn uống, năng suất tăng trưởng và chất lượng thịt," nhóm nghiên cứu viết trong bài báo được công bố trên tạp chí Animal Feed Science and Technology. "Ngoài ra, đây cũng là nguồn cung cấp canxi và photpho tiềm năng cho lợn ở giai đoạn trưởng thành và xuất chuồng. Tuy nhiên, chất lượng và thành phần bột phụ phẩm gia cầm ở mỗi nơi sẽ có sự khác nhau, do vậy, cần phải đo lường thành phần dinh dưỡng trước khi đưa vào khẩu phần ăn của vật nuôi.”

Nguồn: Thanh An - khoahocphattrien.vn

Các tin liên quan