Các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của cán bộ khuyến nông đã mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức và phương thức sản xuất của nông dân Sơn La. Từ đó, thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê cho nông dân bản Lụa, xã Hua La, TP. Sơn La.
Tập trung hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật
Với đội ngũ hơn 500 cán bộ khuyến nông các cấp, trên 1.000 cộng tác viên ở cơ sở, hệ thống khuyến nông Sơn La đóng vai trò chủ đạo trong việc phổ biến, chuyển giao kiến thức, tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm phối hợp, tổ chức gần 37.300 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm, thủy sản và khuyến công cho hơn 1,5 triệu lượt nông dân; 2.085 cuộc tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất theo mùa vụ, thu hút trên 507.940 lượt nông dân tham gia.
Bên cạnh đó, các hoạt động sinh hoạt chuyên môn định kỳ, tham quan, hội thảo, tổng kết mô hình điển hình và sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông thường xuyên diễn ra để nông dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, Khuyến nông Sơn La chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, khuyến nông cơ sở và cộng tác viên cơ sở, bằng việc tổ chức 291 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 8.500 lượt người tham gia.
Chị Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng Tổ khuyến nông trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, cho biết: Tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, giúp tôi cập nhật kiến thức, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, tôi tự tin hơn trong việc hướng dẫn, hỗ trợ bà con áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của cán bộ khuyến nông đã mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức và phương thức sản xuất của nông dân Sơn La. Tiêu biểu, HTX dịch vụ nông nghiệp xoài Sông Mã (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã) thành công trong việc áp dụng mô hình thâm canh xoài an toàn từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh.
Giúp nông dân thu nhập “khủng”
Ông Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc HTX Sông Mã, chia sẻ: Được cán bộ khuyến nông tỉnh tư vấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất an toàn, các thành viên HTX đã thay đổi thói quen, ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ, sử dụng thuốc BVTV đúng loại, đủ thời gian cách ly theo quy định. HTX có 10ha xoài đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, mặc dù thời tiết bất lợi, hạn hán kéo dài, nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc đúng cách, nên năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha, cao hơn 30% so với các vườn khác, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa, doanh thu khoảng 1,4 tỷ đồng.
Tại xã Chiềng Pha (huyện Thuận Châu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La) đã triển khai các mô hình khuyến nông, gồm: “Thâm canh cà phê bền vững”; “Nuôi vịt sinh sản”; “Trồng thâm canh cây mắc ca bằng giống tiến bộ kỹ thuật”; “Trồng thâm canh cây thanh long ruột đỏ gắn với hệ thống tưới ẩm và liên kết tiêu thụ sản phẩm”; “Sản xuất rau kết hợp nuôi gà thịt an toàn sinh học”... với tổng kinh phí hỗ trợ trên 965 triệu đồng, cho gần 100 hộ hưởng lợi trực tiếp.
Bà Cà Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, cho biết: Các mô hình khuyến nông được chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con ứng dụng khoa học vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả. Đến nay, hầu hết các hộ đều thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,21%, hộ cận nghèo 5,81%.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La phát hành các ấn phẩm khuyến nông, cuốn sách “Nhà nông cần biết”; tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về điển hình sản xuất, kinh doanh, mô hình nông nghiệp mới, các quy trình kỹ thuật sản xuất về nông, lâm, ngư nghiệp... Qua đó, cung cấp thông tin, kiến thức khuyến nông cho nông dân, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất độc canh, quảng canh sang thâm canh, chuyên canh, xen canh, gối vụ. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chuyển sang sản xuất hàng hóa đã khuyến khích nông dân sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ.
Đồng hành cùng nông dân, hướng về cơ sở, hệ thống khuyến nông Sơn La thực sự trở thành cầu nối tri thức, đưa khoa học kỹ thuật đến từng thửa ruộng, mảnh vườn, từng hộ nông dân, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Nguồn bài viết: kinhtenongthon.vn