Điều chế viên nang từ cây cỏ vườn nhà giúp hạ acid uric trong máu

Quản trị viên 30/06/2020 Tin tức - sự kiện
Từ hai loại thảo dược dễ kiếm, nhóm nghiên cứu trường Đại học Y Dược TP.HCM đã bào chế thành công viên nang cứng giúp hạ acid uric máu, kháng viêm, an toàn khi sử dụng dài ngày.
Diệp hạ châu và Râu mèo là 2 loại dược liệu ngắn ngày, có sẵn trong tự nhiên ở Việt Nam. Các loại thảo dược này có tác dụng hạ acid uric máu qua cơ chế ức chế enzym xanthin oxidase và tăng thải acid uric, chống oxy hóa. Tận dụng đặc tính này, nhóm nghiên cứu Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện đề tài chế viên nang cứng DR và được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu trong năm 2019.

Bào chế viên nang từ dược liệu sẵn có

Tăng acid uric máu là một dạng rối loạn chuyển hóa thường gặp, chiếm tỉ lệ từ 2,6% đến 47,2% ở các dân số khác nhau và có xu hướng ngày càng gia tăng. Không chỉ liên quan đến bệnh gout, mà còn là một yếu tố nguy cơ và tiên lượng cho nhiều bệnh lý quan trọng khác như tăng huyết áp, bệnh mạch máu não, bệnh lý chuyển hóa, bệnh thận, tiền sản giật...

Thuốc hạ acid uric thường được sử dụng là allopurinol. Loại thuốc này khá thông dụng do tương đối hiệu quả và rẻ tiền. Tuy nhiên, chỉ có khoảng từ 21% đến 22% bệnh nhân đạt được nồng độ acid uric huyết thanh mục tiêu (dưới 0,36 mmol/L). Ngoài ra, khi sử dụng allopurinol, bệnh nhân phải uống nhiều nước và gây kiềm hóa nước tiểu. Đây là những trở ngại đối với một liệu trình điều trị lâu dài.

Hiện nay, việc nghiên cứu và sản xuất các thuốc an toàn (độc tính thấp, ít tác dụng phụ), nhất là các thuốc có nguồn gốc thiên nhiên khi dùng lâu dài cho bệnh nhân tăng acid uric máu là rất cần thiết và được sự quan tâm ở cả trong và ngoài nước.

Cây diệp hạ châu có sẵn trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam.

Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Nguyễn Phương Dung, cho biết nhóm nghiên cứu xây dựng quy trình bào chế và tiêu chuẩn chất lượng viên nang cứng DR từ cao chiết Diệp hạ châu đắng và Râu mèo, qua đó góp phần nâng cao giá trị ứng dụng của 2 dược liệu Việt Nam và chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo đó, quy trình bào chế viên nang cứng DR quy mô 10.000 viên/lô đã được xây dựng thành công (thực hiện sản xuất 3 lô liên tiếp). Trong 6 công thức tá dược khảo sát, đã lựa chọn tỷ lệ tá dược cho 1 viên nang DR (chứa 180 mg cao khô Diệp hạ châu và 120 mg cao khô Râu mèo) có độ rã và độ đồng đều khối lượng nhỏ nhất.

Quy trình chỉ mất từ 2 đến 3 phút đã có thể rây xát cốm với kích thước 0,5 mm, tức là có độ đồng đều khối lượng nhỏ nhất; nhiệt độ sấy cốm là từ 60 đến 65 độ C, thời gian sấy 50 phút (đạt độ ẩm < 5%); thời gian trộn hoàn tất là 10 phút.

Nhóm tác giả cũng xây dựng bổ sung 3 tiêu chuẩn chất lượng của cao khô Diệp hạ châu đắng, cao khô Râu mèo, nhằm đặt ra giới hạn kim loại nặng (arsen, catmi, thủy ngân) trong sản phẩm. Trong điều kiện bảo quản thực, hạn dùng của thuốc là 49 tháng.

Trước khi sản xuất đại trà, nhóm đã cho thử nghiệm trên chuột và nhận thấy viên nang cứng DR làm giảm acid uric máu đến 40,54%, giảm acid uric nước tiểu đến 45,97%, tăng thể tích nước tiểu đến 96,70% ở liều 4 viên/kg thể trọng chuột nhắt trắng.

 

Tiềm năng cao, ứng dụng rộng rãi

Theo PGS.TS Nguyễn Phương Dung, Diệp hạ châu và Râu mèo là 2 loại thảo dược ngắn ngày, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Điều này thuận lợi cho việc phát triển các vùng nguyên liệu ở nhiều tỉnh thành khi cần huy động nguồn dược liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô công nghiệp. Đây là lợi thể giúp các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam hoàn toàn chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất.

Cây râu mèo dễ dàng tìm thấy ở Việt Nam cũng như đưa vào trồng hàng loạt, giúp chủ động nguồn cung cho thuốc.

Thành công của đề tài này giúp bổ sung những cơ sở cần thiết cho giai đoạn nghiên cứu lâm sàng, xác minh hiệu quả của chế phẩm trên người trước khi đưa vào ứng dụng trong điều trị. Đồng thời nâng cao tiêu chuẩn chất lượng 2 cao nguyên liệu và chế phẩm, góp phần nâng cao giá trị ứng dụng của 2 dược liệu sẵn có tại Việt Nam.

Quy trình bào chế viên nang cứng DR phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở sản xuất dược phẩm trong nước. Có thể áp dụng kết quả này để sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe dùng hỗ trợ điều trị các bệnh lý tăng acid uric máu. Thị trường trong nước và ngoài nước hiện tại chưa có sản phẩm tương tự.

Do đó, nhóm nghiên cứu mong muốn chuyển giao công nghệ, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chăm sóc sức khỏe để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, cần nâng cấp cỡ lô và hoàn thiện quy trình sản xuất ở quy mô phù hợp với từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải triển khai các thử nghiệm lâm sàng tiến tới sản xuất đại trà dược phẩm phòng chống bệnh lý liên quan đến tăng acid uric máu.

Bước đầu, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đại Nam Pharma đã có sự quan tâm tiếp nhận để ứng dụng phát triển sản xuất. Các sản phẩm của đề tài có thể chuyển giao và áp dụng ngay là quy trình định lượng sinensetin trong cao Râu mèo; quy trình định lượng phyllanthin trong cao; quy trình định lượng đồng thời sinensetin và phyllanthin trong chế phẩm; công thức bào chế viên nang cứng.

Theo Phương Hà

      (Nguồn http://khampha.vn/)

 

Các tin liên quan