Nấm chân dài được ưa chuộng vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, ăn ngon và có giá trị hơn các loại nấm thông thường.
Trong những năm gần đây, nấm chân dài đang được các nước trên thế giới nuôi trồng khá nhiều với ưu điểm có hàm lượng protein cao (chiếm khoảng 32% chất khô), giàu các axit amin (49,7%), vitamin và khoáng chất rất tốt cho cơ thể. Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, nấm còn có màu sắc, mùi vị độc đáo và các đặc tính kết cấu hấp dẫn người ăn.
Bên cạnh đó, giá thành của nấm chân dài cũng vượt trội hơn so với những loại nấm khác như nấm bào ngư, nấm rơm… Nếu kết hợp quy trình nuôi trồng khoa học và điều kiện sản xuất sạch, nấm chân dài có tiềm năng thương mại rất lớn. Tuy nhiên, do đặc tính khó canh tác, nên hiện nay nấm chân dài chưa được trồng rộng rãi ở Việt Nam.
Nấm chân dài thuộc họ nấm đông cô, có hàm lượng dinh dưỡng cao
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và công nghệ (CESTI) vừa phối hợp với Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM tổ chức hội thảo “Quy trình nuôi trồng nấm chân dài - Lentinus Giganteus Berk”.
Theo bà Huỳnh Thị Thanh Nhàn, đại diện Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, nấm chân dài thuộc họ nấm đông cô, được công bố lần đầu tiên vào năm 1847. Hình thái của nấm giống với cốc (ly) uống rượu champange, đường kính từ 8-30cm, nấm mọc thành cụm, sau một thời gian phát triển có thể phân biệt rõ 2 phần là mũ nấm và cuống nấm.
"Nấm chân dài hiện được người tiêu dùng quan tâm bởi chế biến món ăn ngon, có hàm lượng dinh dưỡng cao và có giá trị hơn các loại nấm thông thường", bà Nhàn cho biết.
Toàn cảnh hội thảo.
Ưu điểm của giống nấm này là có thể triển khai ở mọi nơi, đa dạng vốn đầu tư cho đến quy mô thực hiện. Tại Việt Nam, nấm đã được các nhà khoa học nghiên cứu và đầu tư nuôi trồng theo dạng công nghiệp, thậm chí còn được một số nhà vườn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đạt năng suất, chất lượng rất tốt.
Quy trình nuôi trồng
Quy trình nuôi trồng nấm chân dài gồm: sản xuất meo giống, sản xuất phôi nấm, nuôi hệ sợi tơ (ủ tơ), ra quả thể, thu hoạch và đóng gói. Nguyên liệu trồng nấm là các phụ phẩm nông nghiệp rất dễ kiếm tại các địa phương, gồm: mùn cưa, bã mía, bông hạt...
Thời vụ nuôi trồng chính là từ tháng 2 đến tháng 9 dương lịch, cần bổ sung thêm các chất phụ gia như bột ngô, cám gạo, thanh trùng nhà xưởng trước và sau khi nuôi trồng để hạn chế nhiễm bệnh. Tuỳ thuộc vào các giai đoạn phát triển cần có các biện pháp xử lý cụ thể để nấm ra nhiều quả thể nhất, nhiệt độ thích hợp cho quả thể phát triển là từ 24 đến 30oC.
"Hiện Trung tâm sẵn sàng triển khai, chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm chân dài theo dạng toàn phần hoặc từng phần, tuỳ theo nhu cầu về quy mô và vốn đầu tư, nhằm giúp mọi người có thể dễ dàng tiếp cận giống nấm này", bà Nhàn cho biết.
Đối với mô hình nuôi trồng dành cho hộ gia đình khoảng 20 người ăn, bà Nhàn chia sẻ, bà con chỉ nên đầu tư khoảng 200 phôi với chi phí khoảng 30.000 - 40.000 đồng/phôi. Bên cạnh đó, khu vực nuôi trồng phải quây lưới lan, có thể bố trí dàn treo để tiết kiệm diện tích và phải thực hiện tạo ẩm hằng ngày. Thời gian thu hoạch khoảng 2 tháng cho một vụ và có thể bảo quản lạnh từ 7-10 ngày.
Theo Kỳ Phong
(Nguồn: http://khampha.vn/)