Áp dụng truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử

Quản trị viên 29/07/2020 Tin tức - sự kiện
Áp dụng truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử vừa góp phần loại bỏ hành vi khai thác IUU, vừa để sản phẩm thủy sản hanh thông đến các thị trường trên thế giới.

http://files.hoinongdan.org.vn/Article/x1-x9/2020/07/15/ghi-chep-nghe-danh-bat-ca642838C.jpeg

Đến mùa trăng là tàu cá đánh bắt xa bờ cập bờ nườm nượp, nhân viên các cảng cá khó lòng đảm đương công tác thực hiện các thủ tục xuất nhập cảng, kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” cảnh cáo thủy sản của EC, trong thời gian qua, các địa phương ven biển trên cả nước đã quyết liệt triển khai công tác chứng nhận khai thác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, nhằm đáp ứng những khuyến nghị của EC.

 

Theo đó, hầu hết các tàu đánh cá khai thác xa bờ đã tuân thủ nghiêm cẩn về ghi chép, nộp nhật ký khai thác theo quy định của Luật Thủy sản.

Tuy nhiên, với việc ghi nhật ký bằng giấy như lâu nay, từ ngư dân đến doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều gặp khó khăn.

Ngư dân thì gặp khó khăn trong điều kiện tàu lênh đênh trên sóng gió, không khi nào được thăng bằng, nên việc ghi nhật ký khai thác bằng tay là 1 thách thức không nhỏ.

Doanh nghiệp thu mua thủy sản thì gặp khó khăn bởi việc truy xuất nguồn gốc mới chỉ được thực hiện từ giai đoạn thu mua thủy sản trên đất liền; việc truy xuất nguồn gốc từ điểm đánh bắt còn gặp nhiều trắc trở do nhật ký khai thác ngư dân ghi chép trên giấy chưa đáp ứng việc lưu trữ thông tin, chưa đảm bảo nguồn gốc thủy sản khai thác được truy xuất.

Trong khi yêu cầu của EC về vấn đề này là rất khắt khe trong quá trình xem xét việc rút “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

 

Hơn nữa, các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới, đặc biệt là EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có những yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Nếu thực hiện tốt công tác này, đồng nghĩa thủy sản Việt Nam đã được cấp “giấy thông hành” có thể thong dong đi vào các thị trường khó tính nói trên.

Trước thực tế trên, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) trong khuôn khổ Dự án “Áp dụng và thử nghiệm công nghệ khai báo đánh bắt và truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam” do tổ chức Quan hệ Đối tác Đại dương và Thuỷ sản (USAID Oceans) tài trợ. Nơi được chọn thực hiện thí điểm là tỉnh Bình Định với 10 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân TX Hoài Nhơn.

Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân lênh đênh trên sóng nước, không khi nào thăng bằng nên việc ghi chép nhật ký khai thác bằng tay là rất khó khăn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

 

Mục tiêu của dự án nhằm tập cho ngư dân quen dần việc ghi chép nhật ký điện tử thông tin truy xuất nguồn gốc từ điểm đánh bắt đến khi vào bờ và đến với người mua đầu tiên.

Toàn bộ thông tin ghi chép được mã hóa và lưu trữ trên hệ thống giám sát hành trình của Tổng cục Thủy sản. Toàn bộ hải trình của chuyến biển, sản lượng cá đánh bắt được và thông tin về các cá thể cá riêng biệt được theo dõi và lưu trữ tại máy tính của Chi cục Thủy sản tỉnh.

Ngư dân Bùi Văn Xếp ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 97738 TS, minh họa với chúng tôi sự tiện lợi của việc ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử: “Tiện lợi ghê lắm, chỉ cần mở phần mềm trên điện thoại di động, chụp ảnh con cá mình đánh bắt được thì các thông tin về vị trí khai thác, tọa độ tàu được cập nhật tự động, lưu vào hệ thống. Tin nhắn soạn sẵn trên thiết bị giám sát hành trình của VNPT cũng cập nhật và gửi thẳng các nội dung cần thiết về Tổng cục Thủy sản.

 

Tất cả nội dung mình thực hiện bằng điện thoại di động đã lưu, khi bán hàng cho doanh nghiệp nào mình chỉ cần gửi dữ liệu cho họ là xong. Họ sẽ căn cứ vào đó mà khai báo để ngành chức năng thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản và xác nhận, không cần mượn nhật ký giấy của ngư dân để photo lưu lại như lâu nay”.

 

Khi hệ thống eCDT được ứng dụng đồng bộ thì ngư dân cũng không phải mắc công vào các cảng cá khai báo trực tiếp như hiện nay. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Kết quả chuyến biển đầu tiên trong khuôn khổ của dự án cho thấy khả năng áp dụng công nghệ của các tàu làm thí điểm của Bình Định đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu từ điểm đánh bắt, thông tin về loài đánh bắt, sản lượng, tọa độ, thời gian đánh bắt của từng cá thể thủy sản và người mua đầu tiên.

 

Dữ liệu của sản phẩm từ điểm đánh bắt đến người mua đầu tiên đã được mã hóa và có thể truy cập trên hệ thống kết nối Tổng cục Thủy sản.

 

Đặc biệt, hệ thống eCDT cũng có thể kết hợp hệ thống giám sát hành trình tàu cá”, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Bình Định, đánh giá.

Theo Vũ Đình Thung(http://hoinongdan.org.vn/)

(Nguồn: NNVN)

Các tin liên quan