Thiết bị đo độ cứng kim loại Rockwell ST-HR150D

Quản trị viên 08/10/2020 Tin tức - sự kiện
Thiết bị sử dụng phần mềm được cài đặt sẵn giúp tự động tiến hành thử nghiệm và chuyển đổi giá trị độ cứng tự động cho các máy đo khác.

Độ cứng là một thuộc tính cơ bản của kim loại, phản ánh khả năng chống lún của bề mặt tại vị trí chịu tác động của một vật cứng hơn. Xác định được độ cứng sẽ giúp đánh giá được sơ bội độ bền và độ dẻo của kim loại.

Có 3 phương pháp đo độ cứng phổ biến là Brinell, Vickers và Rockwell. Chuẩn đo lường quốc gia về độ cứng của nước ta thể hiện đơn vị đo độ cứng theo phương pháp Rockwell thang C (HRC).

Thiết bị đo độ cứng kim loại Rockwell phiên bản ST-HR150D (kỹ thuật số - digital tester) của hãng SALT (Hàn Quốc) đảm bảo có thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu thử nghiệm kim loại (HRA, HRD, HRC, HRF, HRB, HRG, HRH, HRE, HRK, HRL, HRM, HRP, HRR, HRS, HRV). Do được cấu tạo bằng nhôm đúc, nên thiết bị nặng chỉ 35kg, nhẹ hơn 2 lần, so với các sản phẩm tương tự trên thị trường.

Thiết bị đo độ cứng kim loại Rockwell phiên bản ST-HR150D.

Thiết bị có cấu tạo gồm hai đầu đo chính là đầu đo kim cương (góc đo 120 độ), đầu còn lại là đầu bi, với nhiều bán kính khác nhau (theo tùy chọn của người vận hành). Khi đo độ cứng, thiết bị sẽ đâm hai đầu đo vào kim loại. Từ vết lõm trên kim loại, thiết bị đo sẽ tính toán được độ cứng của kim loại (vết lõm càng sâu thì độ cứng của kim loại càng nhỏ). Kết quả sẽ hiển thị trên màn hình thiết bị.

Khi thiết bị vận hành, mẫu được giữ cố định. Mẫu có thể dễ dàng dời chuyển mà không cần công cụ phụ trợ, giúp tiết kiệm thời gian giữa các lần kiểm tra (nhanh hơn 10 lần, so với các sản phẩm khác).

Quy trình đo cơ bản như sau: tác động đầu thử vào vật mẫu với một lực tối thiểu (thường là 10 kg hoặc 30 kg, nếu đo mềm). Khi đạt độ cân bằng, thiết bị đo (theo dõi sự dịch chuyển đầu đo và các phản hồi về thay đổi chiều sâu tác động của đầu đo) ghi lại giá trị. Tiếp đó, trong khi vẫn duy trì lực tác động tối thiểu, người ta tác động thêm một lực tối đa. Khi đạt được độ cân bằng, ngừng tác động lực tối đa nhưng vẫn duy trì lực tác động tối thiểu ban đầu. Khi lực tối đa được ngừng, độ sâu vết lõm còn lại (kết quả của phát và thu lực tối đa) được sử dụng để tính toán độ cứng Rockwell.

Để đảm bảo sai số về lực trong khoảng 0,5%, thiết bị được tích hợp cảm biến mức, cảm biến tải trọng, cảm biến quá tải và cảm biến độ lõm, có thể kiểm tra dữ liệu đo lường, độ lệch chuẩn và giá trị trung bình thông qua màn hình cảm ứng LCD trực quan. Đèn LED chiếu điểm có khả năng điều chỉnh giúp dễ dàng quan sát mẫu một cách trực tiếp để kiểm tra các vết xước, từ đó cho kết quả thử nghiệm tốt nhất.

Thiết bị sử dụng phần mềm cảm ứng kỹ thuật số, cài đặt sẵn chế độ tự động tiến hành thử nghiệm, có khả năng tính toán số liệu tải trọng, có thể chuyển đổi giá trị độ cứng tự động cho các máy Rockwell, Brinell, Vicker khác. Tất cả dữ liệu có thể trích xuất qua USB (dữ liệu thô) hoặc RS-232 (dùng cho các báo cáo chi tiết).

Theo Hoàng Kim

 (Nguồn: http://cesti.gov.vn/)

Các tin liên quan