Xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai thành công mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo được sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường. Ðây là thành công của chuỗi liên kết sản xuất “3 nhà”: Nông dân, HTX, nhà khoa học, cùng hỗ trợ của Nhà nước.
HTX Nông nghiệp Ân Tín (huyện Hoài Ân) bắt đầu làm lúa theo chuẩn hữu cơ từ vụ Thu 2019, với quyết tâm thử nghiệm cách làm nông nghiệp không phụ thuộc vào phân bón hóa học. Vụ đầu thử nghiệm trên 1 ha, do chi phí vật tư và công lao động cao, HTX lỗ trên 24 triệu đồng. Sang vụ Đông Xuân 2019 - 2020, HTX tiến hành sản xuất 2,6 ha lúa theo hướng hữu cơ tại thôn Vạn Hội 1, gồm các giống lúa chất lượng cao và kháng bệnh tốt như: ĐT8, BĐR17, ANS1. So với mùa đầu, chi phí đã giảm, người dân bắt đầu thích nghi quy trình sản xuất nên sản lượng lúa tăng hơn 6 tạ/ha, doanh thu mang lại hơn 125 triệu đồng, lãi gần 24 triệu đồng.
Nghiệm thu mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại ruộng lúa. |
Ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTXNN Ân Tín (huyện Hoài Ân), cho biết: Mô hình sử dụng hoàn toàn bằng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh từ Cơ sở cung cấp phân hữu cơ vi sinh mụn dừa Thanh Thanh (huyện Hoài Nhơn); tuân thủ quy trình kỹ thuật và dùng các chế phẩm sinh học của Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN); sử dụng các giống lúa của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ. Tuyệt đối không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. “Nhờ vụ đầu làm đất kỹ, tơi xốp, phục hồi dinh dưỡng tốt nên vụ sau chúng tôi cắt giảm được chi phí sản xuất, năng suất lúa ổn định, lợi nhuận vì thế cũng tăng”, ông Xuân vui vẻ nói.
Là hộ tham gia mô hình, anh Nguyễn Văn Xuân chia sẻ: “Lúc đầu nghe phổ biến trồng lúa theo hướng hữu cơ cũng rất e dè, vì không biết hiệu quả ra sao, trong khi đầu ra cho sản phẩm chưa được đảm bảo. Nhưng, qua các lớp tập huấn kỹ thuật, tôi nhận thấy canh tác lúa theo hướng hữu cơ, trước mắt là công chăm sóc nhẹ, chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao; cây lúa chống chịu sâu bệnh tốt hơn, ít nhiễm rầy, phát triển cân đối, cho sản phẩm lúa gạo an toàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đất đai được cải tạo tốt hơn, tăng độ phì nhiêu”.
“Mô hình tác động tích cực thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển từ sản xuất sử dụng phân thuốc hóa học sang sử dụng phân sinh học có lợi cho môi trường, từng bước hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững”. Ông BÙI LONG XUÂN, Giám đốc HTXNN Ân Tín (huyện Hoài Ân) |
Theo ông Bùi Long Xuân, mùa vụ tới, HTX sẽ mở rộng mô hình sản xuất từ 2,6 ha/năm lên 5,5 ha/năm, rồi tiếp tục nhân rộng ra quy mô lớn hơn. HTX cũng áp dụng phương pháp cấy lúa, thay vì sạ lan. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi HTX phải nắm chắc kỹ thuật gieo mạ khay và cấy máy.
Theo ông Phan Thành Giản cho hay, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) là đơn vị đầu tiên trong tỉnh phát triển mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Đây là định hướng đúng đắn, phù hợp yêu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường. HTX chủ động làm, chính quyền huyện và các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ KHKT, triển vọng phát triển lúa theo hướng hữu cơ của xã Ân Tín hoàn toàn có thể làm tốt.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, thông tin: “Huyện sẽ tiến hành các thủ tục chứng nhận gạo theo hướng hữu cơ, đăng ký nhãn hiệu lúa hữu cơ, tăng cường giới thiệu gạo tại các hội chợ nông sản, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường để HTX có thể ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài, bền vững”.
Theo Hồng Hà (Báo Bình Định)