Khảo sát một số bất thường phân tử của u tế bào thần kinh đệm lan tỏa ở người trưởng thành

Quản trị viên 20/06/2022 Tin tức - sự kiện
Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Đại học Y Dược TP.HCM chủ trì thực hiện, PGS.TS Võ Tấn Sơn làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2021.

Theo hệ thống phân loại mới nhất của Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2016, u tế bào thần kinh đệm lan tỏa (UTBTKĐLT) bao gồm u sao bào độ II, độ III; UTBTKĐIN (u tế bào thần kinh đệm ít nhánh) độ II, độ III; UNBTKĐ (u nguyên bào thần kinh đệm) và u tế bào thần kinh đệm ở trẻ em.

Tại khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi năm phẫu thuật 180 trường hợp bệnh nhân người lớn bị u tế bào thần kinh đệm lan tỏa. Mặc dù có sự tiến bộ về khoa học, có nhiều biện pháp chẩn đoán và điều trị nhưng phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay vẫn là phẫu thuật lấy đi càng nhiều mô u càng tốt, lấy càng nhiều thì tiên lượng sống càng lâu hơn.

Hiện nay trên thế giới, việc áp dụng kết quả đột biến gen vào phác đồ chẩn đoán và điều trị đã trở nên thường quy. Tỉ lệ đột biến gen IDH của u tế bào thần kinh đệm lan tỏa là 50-60%, trong đó u sao bào độ II/III có tỉ lệ đột biến này khoảng 70-90%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phác đồ này chưa được áp dụng do không có số liệu đột biến gen của loại UTBTKĐLT tại Việt Nam.

Việc chẩn đoán và phân loại u chủ yếu vẫn dựa vào giải phẫu bệnh và hình thái tế bào. Tuy nhiên trong thực hành lâm sàng khi phẫu thuật u tế bào thần kinh đệm lan tỏa sẽ gặp tình trạng không thống nhất về kết quả. Trên cùng một bệnh nhân nhưng hai nhà giải phẫu bệnh có thể cho hai kết quả khác nhau, hoặc cùng một nhà giải phẫu bệnh thực hiện ở hai thời điểm khác nhau cho hai kết quả khác nhau. Điều này có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của việc chẩn đoán và tiên lượng, khiến bệnh nhân phải chịu một phác đồ điều trị không phù hợp.

11KQNCLVkhaosatutebaothankinhh1.jpg

Do đó, với đề tài nêu trên, nhóm nghiên cứu kết hợp các yếu tố lâm sàng và các bất thường phân tử để phân nhóm u tế bào thần kinh đệm lan tỏa theo WHO 2016, giúp tiên lượng và quyết định điều trị phù hợp.

Cụ thể, các tác giả nghiên cứu xác định tỉ lệ đột biến gen IDH1/2, p53, TERT, 1p19q và tình trạng methyl hóa vùng promoter của gen MGMT trên những bệnh nhân bị UTBTKĐLT; xác định mối tương quan giữa đột biến IDH1/2, p53, TERT, 1p19q và methyl hóa vùng promoter của gen MGMT với các yếu tố lâm sàng là tuổi, giới, vị trí, kích thước, chỉ số Karnofsky, thời gian khởi bệnh, mô học, và tiên lượng sống còn; xác định tỉ lệ các phân nhóm UTBTKĐLT dựa vào các yếu tố lâm sàng và sinh học phân tử.

Kết quả nghiên cứu trên 388 bệnh nhân bị UTBTKĐLT cho thấy, tỉ lệ đột biến gen IDH1/2, p53, TERT, 1p19q và tình trạng methyl hóa vùng promoter của gen MGMT trên những bệnh nhân bị UTBTKĐLT là 42,3%, 38,1%, 34%, 12,4%, 48,5%. Yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng liên quan đến các bất thường phân tử như sau:

+ Độ tuổi trung bình của nhóm đột biến gen IDH1/2 và p53 trẻ hơn nhóm không đột biến, trong khi đột biến gen TERT thì xảy ra ở nhóm lớn tuổi hơn, đột biến đồng mất đoạn 1p19q và tình trạng methyl hóa promoter MGMT không có khác biệt về nhóm tuổi.

+ Thời gian khởi phát của nhóm đột biến gen IDH1/2 kéo dài hơn nhóm không có đột biến, các bất thường phân tử còn lại không khác biệt.

+ Động kinh xảy ra ở nhóm có đột biến gen IDH1/2 và p53 nhiều hơn nhóm nhóm không có đột biến, các bất thường phân tử còn lại không khác biệt.

+ Tình trạng yếu liệt vận động xảy ra ở nhóm không có đột biến IDH1/2 nhiều hơn nhóm có đột biến, trong khi các bất thường phân tử còn lại không khác biệt.

+ Tình trạng đột biến gen IDH1/2 xảy ra ở khối u nằm ở vùng không chức năng, phù não ít hơn, bắt cản quang kém hơn, ít xuất huyết và ít hóa nang hơn. Tình trạng đột biến đồng mất đoạn 1p/19q làm cho khối u có tỉ lệ vôi hóa nhiều hơn không đột biến. Đột biến gen TERT làm khối u phù não nhiều hơn và bắt cản quang nhiều hơn.

+ Khối u có đột biến gen IDH1/2 và p53 có kích thước lớn hơn so với không đột biến.

+ Phân tích đơn biến đột biến gen IDH1/2 và methyl MGMT có thời gian sống còn lâu hơn so với nhóm không có đột biến, các bất thường phân tử khác không khác biệt có ý nghĩa thống kê. Phân tích đa biến cho kết quả đột biến gen IDH1/2, methyl MGMT, giải phẫu bệnh và mức độ lấy u là các yếu tố ảnh hưởng lên thời gian sống còn của bệnh nhân.

+ Đột biến IDH1/2 liên quan đến các dấu hiệu khối u lành tính nhiều hơn như thời gian khởi phát kéo dài hơn, kích thước lớn hơn, vị trí vùng không có chức năng, ít phù não hơn, bắt cản quang ít hơn, không hóa nang.

Tỉ lệ các phân nhóm u tế bào thần kinh đệm lan tỏa dựa vào các yếu tố lâm sàng và sinh học phân tử như sau: tỉ lệ u sao bào độ II, độ III, UNBTKĐ, UTBTKĐIN phân nhóm theo WHO 2016 là 25,5%, 22,4%, 39,7% và 12,4%.

Thời gian sống trung bình của nhóm UNBTKĐ không có biến gen IDH1/2 và không methyl MGMT là ngắn nhất (10,58 ± 9,362 tháng); thời gian sống trung bình của nhóm UTBTKĐIN độ II vừa có đột biến gen IDH1/2 vừa có đột biến đồng mất đoạn 1p/19q là dài nhất (25,39±13,937 tháng).

Từ kết quả nghiên cứu này có thể nhận thấy UTBTKĐLT của người Việt Nam có tỉ lệ đột biến gen IDH1/2, p53, TERT, đột biến đồng mất đoạn 1p19q và methyl hóa MGMT tương tự như các báo cáo khác trên thế giới. Do đó kết quả của đề tài sẽ đóng góp cho kho dữ liệu của người Việt Nam và các trường đại học có thể làm tài liệu giảng dạy, tham khảo. Đồng thời là tiền đề cho các nghiên cứu khác về đột biến gen trên u não, từ đó có thể triển khai rộng rãi, đưa đột biến gen vào quy trình thường quy trong chẩn đoán và phân loại khối u.

Qua nghiên cứu đề tài, nhóm tác giả đã làm chủ được công nghệ khảo sát tìm các bất thường phân tử, cụ thể là giải trình tự gen bằng máy giải trình tự tự động ABI 3500 Genetic Analyzer, kỹ thuật lai huỳnh quang (FISH), kỹ thuật methylation-specific PCR (MSP). Nhóm cũng sẵn sàng chuyển giao các quy trình chẩn đoán bất thường phân tử cho các trung tâm phẫu thuật thần kinh có nhu cầu ứng dụng vào chẩn đoán lâm sàng và phân loại UTBTKĐLT, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin liên quan