Hội thảo góp ý hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm mai vàng bình định

Quản trị viên 26/07/2022 Tin tức - sự kiện
Sở KH&CN Bình Định vừa phối hợp Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện báo cáo cơ sở khoa học, bản mô tả, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm Mai vàng Bình Định.

TS Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN Bình Định phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: HH

Hội thảo nằm trong khuôn khổ của dự án “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng của tỉnh Bình Định” do ThS Võ Cao Thị Mộng Hoài - Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định làm chủ nhiệm. Dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 do Bộ KH&CN quản lý.

Dự hội thảo có bà Lê Minh Thu - Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, ThS Nguyễn Văn Ga - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Về phía tỉnh có TS Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN Bình Định - cơ quan chủ trì dự án, cùng đại diện lãnh đạo của một số sở ngành của tỉnh, đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố, hội đoàn thể, hội sinh vật cảnh, các hộ trồng mai trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HH

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN Bình Định cho biết: Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản mô tả, hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm mai vàng Bình Định. TS Lê Công Nhường cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, qua đó giúp đơn vị hoàn thiện báo cáo cơ sở khoa học phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm Mai vàng Bình Định.

Tại hội thảo, ThS Nguyễn Văn Ga - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa trình bày báo cáo về Bản mô tả danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định. Theo đó, nghề trồng mai vàng ở Bình Định hình thành từ lâu, phát triển ở nhiều địa phương của tỉnh, trong đó TX An Nhơn được mệnh danh “thủ phủ” mai vàng của miền Trung. Bình Định hiện có nhiều giống mai vàng, nhưng đặc trưng nhất vẫn là hai giống mai: Mai giảo và Cúc mai được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng. Các bộ phận trên cây mai vàng giống mai Giảo và Cúc mai của Bình Định đều có tính chất đặc trưng riêng biệt, khác với mai vàng ở các địa phương khác. Nổi bật là cây có dáng long, dáng trực; đế xù xì, nổi u, u nần; thân nổi xù xì uốn lượn ngay từ gốc; cành với các chi lá ngang, tán chi dạng bánh. Dưới sự tác động của bàn tay con người cộng với điều kiện tự nhiên đặc thù đã tạo ra những cây mai mang nét đặt trưng rất riêng biệt của Bình Định mà không địa phương nào có được.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: HH

Trên cơ sở báo cáo, các đại biểu, nghệ nhân đã có những ý kiến đánh giá, phân tích về Bản mô tả và giải thích các đặc trưng của sản phẩm đối với người dân Bình Định, mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên, con người và chất lượng đặc thù của sản phẩm.

Tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu, ThS Võ Cao Thị Mộng Hoài - chủ nhiệm dự án cam kết sẽ tập trung chỉnh sửa, hoàn thiện các bản mô tả và hồ sơ đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý sản phẩm mai vàng Bình Định trước khi trình các đơn vị liên quan xem xét, quyết định.

Hồng Hà

Nguồn: https://skhcn.binhdinh.gov.vn/Home/ChiTietTin/?id_tinchuyenmuc=3132

Các tin liên quan