CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT NẤM MỐI ĐEN

Quản trị viên 19/08/2022 Tin tức - sự kiện
Viện nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM vừa giới thiệu Công nghệ sản xuất nấm mối đen. Công nghệ này mang lợi hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giảm nhẹ ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên.

Quy trình sản xuất nấm Mối Đen gồm các công đoạn

Công đoạn 1: Chuẩn bị giống cấp 1

Từ các ống giống gốc không tạp nhiễm được bảo quản ở nhiệt độ 90C. Nấm được cấy chuyền từ ống gốc sang ống nghiệm kích thước (18,0 X 1, 7 cm) chứa 10 ml môi trường PGAY (200g khoai tây + 20 g glucose + 2g yeast extract + 20 g agar) và đặt ở nhiệt độ phòng từ 25-270C để tạo ra giống cấp 1. Từ ống giống gốc sẽ chia ra nhiều ống giống cấp 1 từ 5-10 ống. Điều kiện: tủ cấy vô trùng, nồi hấp tiệt trùng, phòng ủ vô trùng. Thời gian cần 10 -15 ngày.

Công đoạn 2: Chuẩn bị giống cấp 2

Chuẩn bị môi trường lúa như sau: ngâm hạt lúa trong nước qua đêm. Sau đó, vớt hạt ra (loại bỏ các hạt lép) và rửa lại 1 lần bằng nước cất vô trùng. Tiến hành đun sôi (khoảng 10 - 15 phút) để các hạt trương nở, khi có khoảng 80% số hạt nứt vỏ trấu để lộ khoảng 1/2 – 2/3 hạt gạo nhưng không nát và không còn lõi trắng ở giữa hạt. Vớt hạt để cho nguội và ráo nước. Bổ sung thêm 2,5 % cám gạo và 2,5 % cám bắp. Trộn thật đều, rồi đóng vào bịch nylon và đậy nút bông (Lưu ý: lượng hạt bỏ vào không quá ½ chiều dài của bịch nylon). Các bịch giống cấp được hấp khử trùng ở nhiệt độ 1210C trong thời gian 45 phút. Từ 1 ống giống cấp 1 sẽ chia 5 bịch giống cấp 2. Điều kiện: tủ cấy vô trùng, nồi hấp tiệt trùng, phòng ủ vô trùng. Thời gian cần: 25-30 ngày.

Công đoạn 3: Xử lý nguyên liệu trồng nấm

+ Mạt cưa cao su: Đối với mạt cưa cao su làm ẩm bằng nước vôi với nồng độ từ 1 – 1,5%, độ ẩm từ 50-60%, bổ sung chế phẩm vi sinh xạ khuẩn (Streptomyces sp.) 5‰. Theo khối lượng cơ chất. Sau khi ủ mạt cưa khoảng 3-5 ngày, tiến hành bổ sung thêm 10% cám bắp, 5% cám gạo theo khối lượng cơ chất. Điều kiện: máy trộn với công suất 200kg/mẻ. Thời gian cần: 6 ngày

Công đoạn 4: Đóng bịch phôi

Đóng bịch thủ công (đóng bịch bằng tay). Loại thường dùng là bịch PP có kích thước: 19,5cm x 37cm; 20cm x 37cm. Cơ chất trồng nấm (mạt cưa cao su, mạt cưa dừa, bã mía) nên cho từng đợt, mỗi đợt 1/3 bịch, nén lại bằng cách nện xuống đất. Tiếp tục cho lớp cơ chất trồng mới và nện tiếp, lượng cơ chất trồng trong bịch khoảng 1,2 - 1,3 kg là đạt. Sau đó dùng cổ nút giấy hoặc cổ nút nhựa kéo cổ bịch thành như cổ chai, dùng thanh gỗ hoặc sắt tròn, đường kính khoảng 1cm, dài khoảng 35 – 40 cm, sau cùng đậy nút bông và đưa vào lò hấp.

 

Đóng bịch phôi bằng hệ thống máy đóng bịch phôi: nguyên liệu được chuyển lên máy sàn nguyên liệu bằng băng tải, sau đó từ máy sàn chuyển vào máy trộn nguyên liệu (bổ sung dinh dưỡng vào nguyên liệu: cám bắp v.v.). Sau khi được trộn đều, nguyên liệu được chuyển vào máy đóng bịch phôi. Sau đó dùng cổ nút giấy hoặc cổ nút nhựa kéo cổ bịch thành như cổ chai, dùng thanh gỗ hoặc sắt tròn, đường kính khoảng 1cm, dài khoảng 35 – 40 cm, sau cùng đậy nút bông bịch mạt cưa và đưa vào lò hấp (Lưu ý: hiện nay giai đoạn này phải làm bằng phương pháp thủ công, chưa cơ giới hóa).

Công đoạn 5: Hấp khử trùng bịch phôi

Mạt cưa khi đã đóng bịch tốt nhất là nên hấp khử trùng ngay, đặc biệt là nguyên liệu khi có trộn thêm dinh dưỡng, không nên để quá 12 giờ. Điều kiện: nồi hấp khử trùng với công suất 2.000 bịch phôi/mẻ.

Công đoạn 6: Cấy giống nấm vào bịch phôi

Bịch phôi hấp xong để nơi sạch sẽ, thời gian cấy giống vào bịch phôi (bịch cơ chất) tối ưu là 12 – 24 giờ sau khử trùng, không được để quá 5 ngày. Không nên cấy quá nông hay quá sâu so với miệng bịch. Trong suốt quá trình cấy giống, bịch giống phải để nằm ngang. Cấy giống xong vận chuyển bịch phôi sang nhà nuôi ủ tơ.

Công đoạn 7: Nuôi ủ tơ nấm

Bịch phôi sau khi cấy giống được chuyển vào nhà ủ cho tơ nấm phát triển. Khoảng 80 – 90 ngày ủ , tơ nấm phát triển lan đầy của bịch phôi thì vận chuyển sang nhà trồng.

Công đoạn 8: Trồng nấm

Bịch phôi nấm được đặt trên các kệ sắt (3m x 0,5m), 700 bịch phôi/kệ sắt. Nhà trồng có diện tích 100 m2 thì có thể chứa được 14.000 bịch phôi. Khi quả thể hình thành ở miệng bịch phôi, tưới nước và duy trì ẩm độ trong nhà trồng (khoảng 80 - 85%), khi bắt đầu hình thành tai nấm thì thực hiện chăm sóc và tưới nước thường xuyên (tưới bằng hệ thống phun sương), khoảng 2-3 ngày là có thể thu hoạch nấm. Trong vòng đời nấm có thể thu hoạch 8-9 đợt, mỗi đợt cách nhau 10-15 ngày.

Công đoạn 9: Thu hái và sơ chế nấm

Lắc nhẹ phần gốc, nhổ nhẹ nhàng cho lên hết phần gốc. Dùng dao gọt sạch phần chân nấm. Bảo quản lạnh ở nhiệt độ 40C.

Công đoạn 10: Đóng gói thành phẩm

Sản phẩm được đóng gói cẩn thận vô hộp: 250, 500, 1000 gram

Công đoạn 11: Bảo quản sản phẩm

Sản phẩm sau khi đóng gói phải được xếp vào kho mát bảo quản ở nhiệt độ 40C, không có ánh sáng trực tiếp. Kho được phân lô, mỗi lô tương ứng với một thời gian sản xuất nhất định (có đóng dấu ngày sản xuất), sản phẩm xếp thành hàng riêng, không chồng chất lên nhau. Sản phẩm sau khi đóng gói nên chuyển ngay cho các nhà phân phối, thời gian lưu kho của sản phẩm không quá 10-15 ngày.

Nhằm nâng cao năng xuất và chất lượng nấm Mối Đen, nhóm nghiên cứu đã nâng cấp nhà trồng nấm từ dạng nhà lưới thành nhà màng được làm mát bằng Cooling pad và được ứng dụng công nghệ IoT theo xu hướng cách mạng công nghệ 4.0. Nhà trồng nấm ứng dụng Công nghệ IoT có thể theo dõi, ghi nhận, điều khiển tự động các thông số môi trường phù hợp cho trồng nấm: Nhiệt độ, ẩm độ không khí, cường độ ánh sáng và nồng độ khí CO2. Việc kiểm soát được các điều kiện trồng nấm giúp cho nấm sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng nấm từ 10 – 15%.

Viện nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu.

Mọi thông tin vui lòng liên hệ:

1. Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường - Đại học Nông lâm TPHCM

Địa chỉ : Khu phố 6, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức, TPHCM

Điện thoại : 02837220294

Email : ltdtrang@hmcuaf.edu.vn

Website : ribe.hcmuaf.edu.vn

Người đại diện : TS. Lê Thị Diệu Trang

2. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ

Phòng Giao dịch Công nghệ

Điện thoại: (028) 3521 0735 – 3822 1635

Anh Khanh (SĐT: 079.652.3381)

Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn

Nguồn: techport.vn

link gốc: http://techport.vn/72/cong-nghe-san-xuat-nam-moi-den-102401.html

Các tin liên quan