Bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài (kỳ 1): Con đường buộc phải đi

Quản trị viên 29/09/2022 Tin tức - sự kiện
Dù tốn không ít thời gian, công sức và chi phí song việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài là điều cần thiết để mở rộng thị trường cũng như nâng cao giá trị cho các sản phẩm của Việt Nam.

Cách đây vài năm, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) từng được xuất khẩu sang Nhật Bản song phải đến khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) ở Nhật Bản vào tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn mới ghi dấu ấn rõ nét ở thị trường này. Kể từ khi có CDĐL, sản lượng nhập khẩu vải thiều Lục Ngạn và sự đón nhận của người tiêu dùng nơi đây ngày càng tăng: “Năm ngoái, chúng tôi chỉ nhập khẩu 5 tấn vải thiều tươi của Việt Nam và chỉ bán ở các siêu thị lớn. Năm nay, chúng tôi nhập khẩu tới 22 tấn vải thiều và đưa vào bán ở tất cả các siêu thị của AEON trên toàn Nhật Bản”, ông Soichi Okazaki, Ủy viên Ban Điều hành AEON phụ trách khu vực ASEAN trả lời trong một bài viết trên báo Bắc Giang.

Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An trưng bày tại một hội chợ.

Có thể nói, CDĐL là tấm vé mở rộng cánh cửa cho vải thiều Lục Ngạn tiến vào một thị trường nổi tiếng “khó tính” như Nhật Bản. “Việc cấp CDĐL này có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu nông sản Việt Nam, vừa góp phần mở rộng thị trường, vừa tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam bước chân vào những thị trường tiêu chuẩn cao như Nhật Bản” ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) nhận định.

Thoạt nghe có vẻ tương tự nhãn hiệu, song CDĐL lại đặc biệt hơn rất nhiều - đây là dấu hiệu để chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Theo quy định ở Việt Nam, quyền sở hữu CDĐL thuộc về nhà nước. Danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL do điều kiện địa lý quyết định, bao gồm yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất,...) hoặc yếu tố con người (kỹ năng người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương,...). Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL có hiệu lực vô thời hạn, chỉ bị chấm dứt khi điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm thay đổi.

Cụ Vũ Văn Bằng (86 tuổi) ở Đông Giao, Cẩm Giàng, Hải Dương truyền dạy nghề đồ gỗ mỹ nghệ cho lớp trẻ.

Đặc tính của sản phẩm mang CDĐL sẽ được xác định thông qua một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh, và các chỉ tiêu này phải kiểm tra được bằng phương pháp phù hợp. Chẳng hạn như chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn được cấp cho sản phẩm hoa hồi vào năm 2007 nhờ tính chất độc đáo của hoa hồi Lạng Sơn: có mùi thơm đặc trưng với hàm lượng tinh dầu trung bình khoảng 11%, hàm lượng trans-anethol trong tinh dầu cao và tinh dầu không chứa độc tố. Do đó, hoa hồi Lạng Sơn được đánh giá là một trong những loại hoa hồi có chất lượng tốt nhất thế giới. Hoa hồi Lạng Sơn có được các tính chất này là nhờ điều kiện khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm, biên độ nhiệt cao, tạo thuận lợi cho hoa hồi tích lũy tinh dầu.

Từ quốc gia đến quốc tế

Dù đi sau so với các quốc gia trên thế giới đã có truyền thống bảo hộ CDĐL cả trăm năm song Việt Nam vẫn bắt nhịp khá nhanh chóng. Việc bảo hộ CDĐL ở Việt Nam đã bắt đầu ngay cả trước khi có Luật Sở hữu trí tuệ. Năm 2001, nước mắm Phú Quốc trở thành sản phẩm đầu tiên được bảo hộ CDĐL tại Việt Nam nhờ hương vị thơm ngon nổi tiếng: mùi thơm nhẹ, màu cánh gián đậm, trong tinh khiết, không có mùi tanh và amoniac. Những đặc tính này có được là nhờ “kỹ thuật khéo léo từ khâu chọn nguyên liệu, ủ chượp cá cơm trong những thùng gỗ được làm từ cây hộ phát, bời lời... và kéo rút được người dân đúc kết và lưu truyền qua nhiều thế hệ”, theo đánh giá trong một ấn phẩm về CDĐL do Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện vào năm 2018.

Việc bảo hộ CDĐL không chỉ là sự công nhận về danh tiếng mà còn tạo tiền đề để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi lẽ, quá trình đăng ký CDĐL cũng đi kèm với xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất và quy chế quản lý CDĐL - điều cần thiết để giữ vững chất lượng và danh tiếng của sản phẩm. Chẳng hạn với CDĐL nước mắm Phú Quốc, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, cơ quan quản lý CDĐL này là Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các bên cùng ban hành sổ tay hướng dẫn sử dụng CDĐL nước mắm Phú Quốc, bao gồm các nội dung cụ thể từ quy trình sản xuất cho đến sử dụng logo trên sản phẩm. Họ cũng yêu cầu các đơn vị sử dụng CDĐL nước mắm Phú Quốc phải có sổ nhật ký ghi chép tất cả các hoạt động của mình từ khi đánh bắt nguyên liệu, ủ chượp, thời gian ủ chượp, pha đấu, đóng chai và đưa sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là tài liệu để Hội nước mắm Phú Quốc và cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra và đánh giá.

Những lợi ích của CDĐL cũng đi kèm với quy trình đăng ký bảo hộ phức tạp hơn nhiều so với nhãn hiệu. Do vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã tìm cách hỗ trợ các địa phương trong quá trình này. Một trong số đó là chỉ dẫn địa lý yến sào Cù Lao Chàm - Hội An được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký năm 2020. Thông qua đề tài “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm - Hội An, tỉnh Quảng Nam” thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) do Cục Sở hữu trí tuệ phụ trách, đơn vị chủ trì đề tài là Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã tiến hành điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng nhằm xác định căn cứ khoa học, xây dựng hồ sơ, thiết lập các công cụ, mô hình quản lý, khai thác CDĐL.

Sự hỗ trợ bền bỉ của Cục Sở hữu trí tuệ, kết hợp với nỗ lực từ các bên liên quan đã góp phần mang lại kết quả tích cực. Số lượng CDĐL ở Việt Nam ngày càng gia tăng với chủng loại sản phẩm đa dạng, từ trái cây tươi cho đến thủy hải sản, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm chế biến… Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, số đơn đăng ký CDĐL ở Việt Nam trong năm 2020 đạt mức cao nhất từ trước đến nay (24 đơn). “Đây là thành quả của việc triển khai Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ trong một quãng thời gian dài, với hàng loạt dự án hỗ trợ phát triển tài sản địa phương, giờ đây đã đến giai đoạn ‘hái quả’”, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, nhận xét trong hội thảo tổng kết hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ năm 2020.

Với danh tiếng và độ nhận diện cao, những sản phẩm mang CDĐL thường có giá bán cao hơn so với thông thường. Theo báo cáo của EU vào năm 2020, giá bán của một sản phẩm mang CDĐL trung bình cao gấp đôi so với sản phẩm tương tự nhưng không có chứng nhận. Điều này cũng được chứng minh ở nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như ở Nhật Bản, giá bán quả lý chua đen Aomori - CDĐL đầu tiên của Nhật Bản, đã tăng gấp ba lần sản lượng bán ra thị trường trong quý I năm 2016 so với trước khi được bảo hộ CDĐL.

Tuy nhiên, phạm vi bảo hộ CDĐL chỉ giới hạn trong lãnh thổ. Như vậy, nếu muốn bảo hộ CDĐL cho một sản phẩm ở nước ngoài, người ta sẽ phải tiến hành đăng ký lại ở quốc gia đó. Điều đáng nói là hệ thống bảo hộ CDĐL trên thế giới rất đa dạng với những quy định khác biệt. Thậm chí, một số quốc gia như Hoa Kỳ còn không có quy định riêng về CDĐL. Do vậy, các CDĐL của nước ngoài chỉ có thể đăng ký bảo hộ tại Hoa Kỳ dưới dạng nhãn hiệu tập thể (nhãn hiệu thuộc sở hữu của tập thể các nhà sản xuất như hiệp hội, hợp tác xã,... các thành viên có thể sử dụng nhãn hiệu này nếu đáp ứng được các yêu cầu do hiệp hội đề ra) hoặc nhãn hiệu chứng nhận (do một tổ chức sở hữu và cho phép người khác sử dụng nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra).

Quá trình đăng ký CDĐL ở Việt Nam vốn đã phức tạp, liệu chúng ta có nên theo đuổi việc đăng ký ở nước ngoài, trong khi thị phần ở các quốc gia này không chiếm phần đáng kể? “Nếu có định hướng phát triển lớn thì sẽ thấy bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài rất quan trọng, thị trường ở Việt Nam chỉ là một phần thôi. Hơn nữa, chúng ta nên nhìn nhận việc đăng ký bảo hộ giống như một khoản đầu tư chứ không phải là chi phí, bởi nếu không làm thì rất dễ bị mất”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự nhận xét.

Những chỉ dẫn địa lý đầu tiên xuất ngoại

Những nguy cơ từ việc “bỏ bê” đăng ký bảo hộ CDĐL ở nước ngoài mà luật sư Lê Quang Vinh phân tích không chỉ là trên lý thuyết, thực tế này đã xảy ra với CDĐL đầu tiên của Việt Nam - nước mắm Phú Quốc. Dù được bảo hộ tại Việt Nam vào năm 2001 song đến sau này, người ta mới phát hiện ra công ty Viet Huong Fishsauce đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc ở nước này từ năm 1982, tiếp đó đăng ký tại châu Âu và Úc. Ngay khi phát hiện ra, các đơn vị quản lý và hội sản xuất nước mắm Phú Quốc đã nhanh chóng tiến hành quá trình đăng ký bảo hộ CDĐL ở EU, song phải đến sáu năm sau, chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc mới được EU chấp thuận bảo hộ vào năm 2012. Dù tốn không ít công sức, thời gian và chi phí song nếu không giành lại, chúng ta có nguy cơ đánh mất tên gọi cũng như toàn bộ thị trường ở khu vực châu Âu.

Câu chuyện của nước mắm Phú Quốc đã bật tín hiệu cảnh báo về tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ CDĐL ở nước ngoài. Ngoài mục đích tránh bị xâm phạm, điều này sẽ mang lại tấm vé thông hành để mở ra những thị trường mới cho nông sản Việt Nam, giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Tuy nhiên, việc bảo hộ CDĐL ở nước ngoài vốn phức tạp nên nhiều nơi đã chọn hình thức đơn giản và nhanh chóng hơn là nhãn hiệu - rất nhiều nông sản được bảo hộ CDĐL Việt Nam đã được xuất khẩu dưới lớp áo này. Tất nhiên, giá trị bảo hộ của nhãn hiệu sẽ không thể sánh bằng: Chẳng hạn ở Nhật Bản, những sản phẩm mang CDĐL sẽ được người tiêu dùng nơi đây ưa chuộng hơn vì “họ hiểu rẳng, các sản phẩm này đã được MAFF đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn”, TS. Nguyễn Phương Thúy ở Khoa Đông phương học, trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN) giải thích trong bài giảng trực tuyến về đăng ký bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản vào tháng 9/2021.

Dựa trên những chính sách thúc đẩy của nhà nước theo định hướng này, trong những năm gần đây, Cục Sở hữu trí tuệ luôn tìm mọi cơ hội đăng ký bảo hộ CDĐL của Việt Nam ở nước ngoài. Chẳng hạn, vải thiều Lục Ngạn chính là một trong ba sản phẩm được tiến hành đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN Việt Nam) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản - MAFF) từ năm 2017. Ngoài cà phê Buôn Ma Thuột, đến nay, hai sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận đã “về đích”.

Dù đã có cơ sở thỏa thuận giữa hai bên nhằm tạo điều kiện thuận lợi lẫn nhau song hành trình đăng ký vẫn đầy thách thức. “Khó khăn lớn nhất là tiêu chí, tiêu chuẩn và các quy định của họ rất ngặt nghèo, rất cao đối với chúng ta”, Cục trưởng Đinh Hữu Phí nhận xét. Do vậy, “ngoài việc tìm cách đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, chúng tôi còn vận động các cơ quan liên quan để tác động với phía Nhật Bản. Chúng ta thỏa thuận bảo hộ cho họ ba CDĐL và ngược lại, vậy nên chúng tôi thậm chí còn phải tìm cách ‘mặc cả’ sao cho CDĐL của chúng ta được cấp nhanh nhất có thể”.

Cơ hội lớn về đăng ký bảo hộ CDĐL ở nước ngoài mà chúng ta đã nắm bắt được gần đây chính là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và châu Âu (hiệp định EVFTA). Theo đó, EU cam kết bảo hộ 39 CDĐL của Việt Nam tại thị trường này, và ngược lại, Việt Nam cũng bảo hộ 169 CDĐL của EU. Nhưng cũng giống như dự án với Nhật Bản, việc đạt được kết quả này không hề dễ dàng: “Số lượng CDĐL trên không phải tự động được bảo hộ đâu, chỉ là đơn giản hóa thủ tục đăng ký hơn thôi. Thông thường chúng ta phải nộp từng đơn thì nhờ hiệp định, chúng ta sẽ nộp hồ sơ thông qua đoàn đàm phán, sau đó mình vẫn phải triển khai thẩm định từng CDĐL như bình thường”, Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Bảy phân tích trong một hội thảo về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào đầu năm 2021.

Việc bảo hộ CDĐL ở nước ngoài tuy khó, song cũng chỉ là giai đoạn đầu tiên để đưa sản phẩm ra nước ngoài. “Sau khi đăng ký bảo hộ chúng ta phải tìm cách duy trì, đảm bảo phát triển bền vững sản phẩm đã được bảo hộ, nếu không rất dễ suy giảm giá trị, khiến CDĐL dần thui chột đi. Đây mới là vấn đề quan trọng và khó khăn nhất”, ông Đinh Hữu Phí nói.

(còn tiếp)

Theo Thanh An (https://khoahocphattrien.vn/)

Các tin liên quan