Nghiệm thu nhiệm vụ xây dựng quy trình phân tích đồng thời aflatoxin B1, B2, G1, G2 bằng phương pháp không dẫn xuất với kỹ thuật UPLC-FLD

Quản trị viên 21/10/2022 Tin tức - sự kiện
Thông qua việc ứng dụng khảo sát hàm lượng aflatoxin trong một số loại thực phẩm trên địa bàn Thành phố, nhóm thực hiện nhiệm vụ cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn trong các sản phẩm từ bắp do nhiễm độc tố aflatoxin B1 vượt mức cho phép, đặc biệt là nhóm sản phẩm bánh và bắp rang.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Xây dựng quy trình phân tích đồng thời aflatoxin B1, B2, G1, G2 bằng phương pháp không dẫn xuất với kỹ thuật UPLC-FLD và khảo sát hàm lượng aflatoxin trong một số loại thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là nhiệm vụ do Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM chủ trì thực hiện.

Aflatoxin là một trong những độc tố có độc tính cao nhất và được sinh ra bởi một số loại nấm mốc (Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus) phát triển trong đất, thảm thực vật mục nát và ngũ cốc. Với hàm lượng cao, aflatoxin có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính (aflatoxicosis) và có thể đe dọa tính mạng, thường là thông qua tổn thương gan. Chính vì vậy, các nước đã đặt ra giới hạn tối đa cho phép của aflatoxin trong thực phẩm ở ngưỡng rất thấp, thông thường nhỏ hơn 10 µg/kg tùy vào nền mẫu.

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Th.S Nguyễn Thành Duy (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, nhóm thực hiện đã xây dựng quy trình phân tích đồng thời Aflatoxin B1, B2, G1, G2 bằng phương pháp không dẫn xuất với kỹ thuật sắc ký lỏng siêu hiệu năng đầu dò huỳnh quang. Trong đó, có khảo sát điều kiện sắc ký để phân tích đồng thời 4 aflatoxin B1, B2, G1, G2 như ảnh hưởng pha động, dung môi định mức chuẩn, đồng thời, khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quy trình xử lý mẫu như khối lượng mẫu, dung môi ly trích mẫu. Nhóm thực hiện cũng thẩm định quy trình phân tích aflatoxin B1, B2, G1, G2 trong 5 nền mẫu (đậu phộng, bột ăn dặm, nho khô, bột ớt, bắp hạt ăn liền) theo hướng dẫn SANTE/11813/2017 với các thông số: tính tương thích hệ thống, độ chọn lọc, khoảng tuyến tính, giới hạn phát hiện MDL (Method Detection Limit), giới hạn định lượng MQL (Method Quantification Limit), lượng mẫu tồn dư, độ chính xác, độ đúng, độ không đảm bảo đo, độ ổn định mẫu. Từ đó, hoàn thành 5 quy trình (ứng với 5 nền mẫu) để ứng dụng định lượng aflatoxin B1, B2, G1, G2 tại một số chợ, quầy bán thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.

Th.S Nguyễn Thành Duy báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ

Báo cáo kết quả 975 mẫu phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện có 45 mẫu bắp chiên nhiễm aflatoxin B1 (0,63 – 176 μg/kg), trong đó có 39 mẫu vượt ngưỡng 2 μg/kg, có 14 mẫu bánh nhiễm aflatoxin B1 (0,32 – 2,81 μg/kg), có 2 mẫu vượt mức cho phép 2 μg/kg, có 9 mẫu bột bắp nhiễm aflatoxin B1 (1,18 – 6,39 μg/kg) trong đó có 6 mẫu vượt ngưỡng 2 μg/kg, có 2 mẫu bắp rang bơ nhiễm aflatoxin B1 (0,44 -39 μg/kg) chỉ có 1 mẫu phát hiện vượt 2 μg/kg. Điều này cho thấy sự tiềm ẩn các sản phẩm từ bắp nhiễm độc tố aflatoxin B1 vượt mức cho phép, đặc biệt là nhóm sản phẩm bánh và bắp rang, vì những sản phẩm này là món ăn thường xuyên cho trẻ em Việt Nam. Vì thế, nhóm thực hiện kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung mức giới hạn cho phép aflatoxin B1 và tổng aflatoxin đối với các loại bánh snack các loại, bắp rang ở mức thấp nhất có thể.

Đối với nhóm mẫu ít có nguy cơ nhiễm độc tố aflatoxin như nho khô, bột ăn dặm và các sản phẩm ăn dặm cho trẻ em, nhóm thực hiện đề nghị vẫn tiếp tục thường xuyên kiểm tra kỹ quy trình sản xuất và chất lượng thành phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Theo Hoàng Kim (CESTI)

Các tin liên quan