Để kéo dài thời gian thu hoạch của na, tránh tình trạng được mùa mất giá, người dân đã áp dụng giải pháp kỹ thuật giúp điều chỉnh na ra hoa, đậu quả trái vụ.
Na trái vụ thường cho thu hoạch từ trung tuần tháng 10 đến tháng 12. Do sản lượng của na trái vụ không cao, khó chăm sóc nên giá bán cao gấp 2 -3 lần so với na chính vụ, trung bình lên đến 40.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên việc xử lý cho na trái vụ cũng gặp nhiều khó khăn do tình hình sâu bệnh hại và thời tiết bất thuận.
Một số sâu bệnh hại và yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng na trái vụ:
- Rệp sáp: Triệu chứng lá non bị biến dạng, ngọn bị thui chột, gây rụng hoa và trái non, làm trái chậm lớn hoặc chai, rệp còn bám đầy kẽ vỏ và cuống trái làm trái đen, không đẹp mắt.Trong quá trình gây hại, rệp sáp phấn còn tiết ra dịch ngọt thu hút nấm bồ hóng phủ đen cành lá, làm giảm khả năng quang hợp của cây. Rệp sáp gây hại quanh năm.
Rệp sáp gây hại trực tiếp trên quả na
- Sâu đục quả: Tỷ lệ quả bị hại ở một số vườn trồng có khi lên đến trên 50% số quả bị hại. Sau khi trứng sâu nở ấu trùng đục vào bên trong ăn phá phần thịt quả sau đó thải phân ra ngoài. Những hạt phân nhỏ ly ty màu nâu đen được kết dính lại với nhau thành từng cục, bám dính ở bên ngoài vỏ quả, vì thế ảnh hưởng lớn đến mẫu mã và chất lượng quả na. Việc dùng thuốc hóa học để diệt trừ sâu đục quả thường có hiệu quả rất thấp do con sâu đã nằm sâu bên trong quả và cần phải xác định đúng thời điểm phun trừ gặp nhiều khó khăn.
Sâu đục quả gây hại trực tiếp trên quả na
Bọ xít muỗi: Bọ xít muỗi cả con non và trưởng thành đều gây hại, bọ xít dùng vòi chọc thủng các phần non mền của lá để hút nhựa. Vết châm của bọ xít muỗi có hình tròn hoặc gần tròn lúc đầu có màu chì xung quanh có màu nhạt, sau đó vết châm biến thành màu nâu đậm. Từ tháng 10 đến tháng 12, mật độ tương đối cao và gây hại tương nhiều.
Bọ xít muỗi gây hại hoa và quả
Hiện tượng rám quả do sương muối: Rét, sương muối làm cháy lá, khô cành; đặc biệt là quả na trái vụ khi gặp rét, sương muối vỏ ngoài quả bị rám đen, bị năng quả chai cứng, không lớn được, có thể bị khô hoàn toản quả.
Để na trái vụ đảm bảo cả về năng suất, chất lượng, bà con nông dân có thể tham khảo giải pháp kỹ thuật bao quả sau đây:
- Chọn túi bao quả có kích thước phù hợp (18 x 20 cm).
- Chất liệu dạng túi vải cotton sáng màu, vừa tạo được môi trường thông thoáng cho quả, không làm quả bị hấp hơi nước, quả vẫn có thể tiếp xúc được với ánh ánh mặt trời; vừa hạn chế tác động của rét, sương muối đến vỏ quả, ngăn ngừa sâu bệnh phá hoại quả đến khi thu hoạch. Ngoài ra túi bọc còn có thể tái sử dụng.
- Xác định thời điểm bao quả: Bao quả sớm, khi quả na có đường kính quả khoảng 1,5 - 2 cm.
- Cách bao quả: Dùng túi luồn từ dưới lên bao trọn quả và rút dây rút trên bao để siết miệng túi vừa với cuống quả.
- Thời điểm tháo túi bao quả: Trước khi thu hoạch 10-15 ngày, tháo túi bao để quả na hấp thu ánh sáng mặt trời tự nhiên, đảm bảo màu sắc bắt mắt, hương thơm và vị ngọt đặc trưng của quả na. Những túi bao quả nào còn sử dụng được nên giữ lại để tái sử dụng ở vụ sau.
Giải pháp bao quả đã hạn chế được tình trạng quả na bị rám đen do tác động của thời tiết (rét, sương muối); hạn chế sâu hại trên đồng ruộng, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thiết lập hệ cân bằng sinh thái.
Nguồn: ĐH (https://khuyennongvn.gov.vn/)