Internet là thành tố quan trọng của chuyển đổi số tại Việt Nam

Quản trị viên 15/12/2022 Tin tức - sự kiện
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Internet sẽ là hạ tầng thiết yếu quan trọng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long chia sẻ về thành tự Internet Việt Nam sau 25 năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

ại sự kiện Internet Day 2022 diễn ra vào ngày 7.12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Internet trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Việt Nam là nước mạnh về viễn thông - Internet

Ngày 19.11.1997 đã mở đầu trang lịch sử Internet Việt Nam. Tại trụ sở Tổng cục Bưu điện, thay mặt cho Ủy Ban điều phối quốc gia về Internet Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, ông Mai Liêm Trực đã tổ chức họp báo quốc tế công bố chính thức Việt Nam kết nối với mạng Internet toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, quyết định mở cửa, kết nối Internet toàn cầu là một quyết định dũng cảm, thể hiện tầm nhìn xa, sự hội nhập, góp phần thay đổi toàn diện cuộc sống kinh tế, xã hội đất nước của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành Thông tin và Truyền thông.

Việt Nam bắt đầu chậm so với thế giới 7 năm, tuy nhiên sau 25 năm, Việt Nam đã vươn lên bắt kịp và đi cùng các nước trong khu vực và trên thế giới, đã trở thành một nước mạnh về viễn thông - Internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập Internet cao.

Internet đã trở thành yếu tố thiết yếu trong cuộc sống người dân, trở thành hạ tầng của nền kinh thế, thành nhân tố quan trọng trong thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thành tựu đạt được của 25 năm Internet Việt Nam là kết tinh từ sự chỉ đạo, định hướng phát triển chiến lược của Đảng, Chính phủ và sự đồng lòng, hưởng ứng, chung tay xây dựng của các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và toàn xã hội.

Theo ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, đến nay Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.

Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

"Trong 25 năm qua, sự phát triển Internet lành mạnh ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Với những tính năng ưu việt của Internet, Việt Nam đã phát triển một cách khá toàn diện. Có thể thấy, Internet đã mang đến cho Việt Nam những cơ hội và sự đổi mới. Điều nhận thấy rõ nét nhất đó là sự chuyển hóa của xã hội, các mô hình dịch vụ, ứng dụng trên Internet đem lại những sự thay đổi có thể coi là thần tốc trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như tri thức cho Việt Nam”.

Thành tố quan trọng trong chuyển đổi số

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết trải qua 25 năm phát triển, Internet Việt Nam đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số, là hạ tầng của mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp.

Từ vai trò của Internet là công cụ để phát triển kinh tế xã hội, thì đến nay và giai đoạn tiếp theo, Internet sẽ tạo ra phương thức mới để phát triển kinh tế-xã hội.

Qua 25 năm phát triển kinh tế thì Internet không chỉ là phương thức để kết nói con người với con người mà Internet hiện nay đã thông minh hóa, là phương thức kết nối thế giới đồ vật, để con người hiểu được thế giới đồ vật, để đồ vật hiểu đồ vật hơn và trên môi trường số con người và thế giới đồ vật sẽ hòa quyện với nhau.

“Hiện nay thế giới chúng ta đã thực hiện cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Internet sẽ là hạ tầng thiết yếu quan trọng để thực hiện cuộc di chuyển vĩ đại này và là thành tố quan trọng của chuyển đổi số. Nếu như trước đây các nhà và quản trị xã hội tìm cách quản lý Internet thì ngày nay các nhà quản trị xã hội sử dụng Internet để quản trị xã hội”, Thứ trưởng Long nhấn mạnh. 

 

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Internet và các doanh nghiệp viễn thông cam kết vì một tương lai Internet phát triển tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Về định hướng phát triển lĩnh vực Internet trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biế, các doanh nghiệp viễn thông cùng với các doanh nghiệp công nghệ số trong thời gian tới sẽ phải chuyển đổi nguồn lực, khai phá các thị trường mới, không gian mới để phát triển hạ tầng viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là hạ tầng điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu.

“Thứ hai, chúng ta cùng chung tay xây dựng hạ tầng Internet tự chủ về công nghệ, rộng khắp, hiện đại và an toàn. Chúng ta phải cùng chung tay thúc đẩy và bảo vệ sự an toàn và dòng chảy dữ liệu, dữ liệu là tài nguyên quan trọng do vậy cần phải được bảo vệ an toàn”.

Thứ trưởng Long cũng kêu gọi cần phải chung tay dẫn dắt quá trình tích hợp Internet vào mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội. "Chúng ta cần chủ động, tích cực, chủ động dẫn dắt quá trình hội tụ giữa Internet với tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực trong hoạt động phát triển kinh tế-xã hội”, ông nói.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 72,1 triệu người Việt, đạt tỷ lệ 73,2% dân số sử dụng Internet trong cuộc sống hàng ngày, đứng thứ 13 trên thế giới.

- Hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học.

- Số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone là 94,2 triệu; số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu đạt tỉ lệ 74,3% dân số.

- Có hơn 564 nghìn tên miền ".vn" đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- Mức độ sử dụng IP (IPv4, IPv6) thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng. Việt Nam cũng đạt Top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6.

Nguồn: http://baobinhdinh.vn/

Link gốc bài viết:  http://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=23&macmp=23&mabb=251332

Các tin liên quan