Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ rau cần nước đạt chuẩn VietGAP

Quản trị viên 27/12/2022 Tin tức - sự kiện
Lợi nhuận thu được gia tăng đáng kể đã góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân. Quan trọng hơn cả, nhà vườn đã ý thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng kỹ thuật sản xuất mới, tích cực học tập để thay đổi tập quán canh tác.

Rau cần nước là loại rau thủy sinh được người dân ưa chuộng. Ở tỉnh Đồng Nai, rau được trồng tập trung nhiều nhất ở xã Gia Kiệm, (huyện Thống Nhất) với tổng diện tích toàn vùng khoảng 40 ha, tổng sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm. Khu vực canh tác có vị trí khá đặc biệt, đó là vùng đồi đá thấp, trũng, có nhiều trung vi lượng từ thạch đá non mà các nơi khác không có, tạo nên lợi thế khác biệt về chất lượng sản phẩm mà không phải địa phương nào cũng có thể so sánh được. Vùng sản xuất rau ở xã Gia Kiệm cũng là nguồn cung ứng rau cần nước thường xuyên (hàng ngày) cho TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh thành khác.

Người dân thu hoạch rau cần nước

Tuy giàu kinh nghiệm canh tác rau cần nước, nhưng do sản xuất theo phương pháp truyền thống nên nhiều nhà vườn chưa thể ứng dụng đồng loạt kỹ thuật - công nghệ để đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và đạt năng suất cao hơn. Hơn nữa vẫn còn tình trạng sử dụng phân vô cơ và phun nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), khiến sản phẩm có nguy cơ không an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững (CSA) đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, UBND xã Gia Kiệm, HTX Nông nghiệp Phương Nam cùng các hộ dân triển khai xây dựng và ứng dụng quy trình sản xuất rau cần nước theo tiêu chuẩn VietGAP 3 vụ/năm. Mục tiêu hướng đến là thực hiện thành công mô hình sản xuất rau cần nước đạt chuẩn VietGAP quy mô 6,6ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP, năng suất tăng trên 10%. Từ cơ sở này, sẽ tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể “Rau cần nước Gia Kiệm” và đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau cần nước…

Theo đó, CSA đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất rau cần nước theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Gia Kiệm, biên soạn sổ tay quy trình (30 trang, khổ giấy A5) cô đọng, dễ hiểu và dễ ứng dụng để HTX Nông nghiệp Phương Nam hướng dẫn 16 xã viên (nhà vườn) triển khai ứng dụng trong hoạt động sản xuất. HTX Nông nghiệp Phương Nam cũng là đơn vị dẫn đầu trong vùng sản xuất, có thế mạnh liên kết sản xuất, thu mua và cung ứng rau cần cho khách hàng (ở các chợ đầu mối và đơn vị thu mua khác).

Đại diện HTX Nông nghiệp Phương Nam cho biết, hiệu quả kinh tế trung bình trong 1 năm 3 vụ của 1 ha rau cần nước đối với lô mô hình VietGAP là 880,642 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gần gấp đôi (47%) so với lô đối chứng chỉ đạt 598,457 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, hiệu quả kinh tế đạt cao nhất ở vụ 1 (từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau), khi thời tiết se lạnh, rau sinh trưởng tốt và tốc độ phát triển nhanh, lượng phân bón và thuốc BVTV cũng giảm so với các thời điểm khác trong năm, mức lợi nhuận trung bình cao hơn lô đối chứng trên 100 triệu đồng/ha/năm. Còn ở vụ 2 (từ tháng 2 đến tháng 4), thì cây rau phát triển chậm do thời tiết nắng nóng, làm gia tăng chi phí nhân công lao động và lượng phân - thuốc nên mức lợi nhuận trung bình đạt được là thấp nhất trong 3 vụ, nhưng cũng cao hơn lô đối chứng đến 85 triệu đồng/ha/năm. Mức năng suất trung bình của lô mô hình VietGAP cao hơn so với đối chứng là 10,7%. Lợi nhuận thu được gia tăng đáng kể đã góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân tại vùng trồng rau cần nước xã Gia Kiệm trong thời gian qua.

Bà Lệ Thị Chung (CSA) khẳng định, việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP làm tăng chi phí đầu tư và công lao động, nhưng bù lại, nhà vườn giảm được chi phí phân bón và thuốc BVTV so với vườn đối chứng. Về tổng thể, chi phí đầu tư lô mô hình VietGAP thấp hơn lô đối chứng 6-8 triệu đồng/ha/vụ. Điều quan trọng hơn cả, từ sự tuyên truyền tích cực của nhóm chuyên gia, nhà vườn đã ý thức được tầm quan trọng của việc sản xuất rau cần nước đạt tiêu chuẩn VietGAP, tích cực học tập và áp dụng vào khu vực canh tác của mình, thay đổi được tập quán canh tác. Điển hình như nhà vườn ông Hoàng Văn Khanh đã nắm bắt được thời điểm nào thì nên dùng thuốc phòng và trừ sâu bệnh hại, sau khi được nhóm chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật và thấy rõ ràng hiệu quả thực sự. Bên cạnh đó, nhà vườn cũng quan tâm hơn đến việc quản lý dinh dưỡng đất để đảm bảo môi trường sinh trưởng tốt cho rau.

chungnhanVietGAP.jpg

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Giám định và Khử trùng FCC, cả 16 xã viên của HTX Nông nghiệp Phương Nam (tham gia triển khai mô hình) đều đạt các tiêu chí của VietGAP về sản xuất rau cần nước. Theo đó, HTX Nông nghiệp Phương Nam được cấp giấy chứng nhận VietGAP sản phẩm rau cần nước, diện tích chứng nhận là 6,88ha, sản lượng tối đa dự kiến vào khoảng 1.513 tấn/năm. Tiếp đó, CSA đã phối hợp với Sở KHCN tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Thống Nhất, UBND xã Gia Kiệm và HTX Nông nghiệp Phương Nam hỗ trợ Hội Nông dân huyện Thống Nhất xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rau cần nước Gia Kiệm”.

Hiện nay, HTX Nông nghiệp Phương Nam đang nhận cung ứng sản lượng 500 tấn/năm rau cần nước chuẩn VietGAP cho Công ty TNHH Vườn Sạch Bảy Ký (TP.HCM). Rau sẽ được đưa vào tiêu thụ vào một số chuỗi siêu thị, cửa hàng ở TP.HCM. Ngoài ra, HTX Nông nghiệp Phương Nam cũng cung cấp mẫu rau cần nước cho một công ty chế biến dược liệu để sản xuất thử nghiệm mặt hàng trà rau cần nước. Đây là một hướng đi tốt, ổn định đầu ra khả quan cho rau cần nước Gia Kiệm vì có cơ hội được đưa vào chế biến sâu ngay sau thu hoạch.

Nguồn: Hoàng Kim (CESTI)

Các tin liên quan