Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định phát triển nhanh chóng và bền vững. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), chuyển từ số lượng sang chất lượng là một trong năm trụ cột tăng trưởng của tỉnh Bình Định nhằm tạo dựng một nền nông nghiệp xanh, sinh thái, trách nhiệm, bền vững; chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”. Thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025 bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực.
Bưởi da xanh Hoài Ân đã được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: HG
Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao những giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đối khí hậu. Công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ KHKT đến người nông dân; các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng CNC, sản xuất an toàn, hữu cơ, VietGAP… ngày càng tăng; nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp nhãn hiệu. Hình thức chăn nuôi được chuyển dịch dần từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, ứng dụng CNC. Chất lượng con giống ngày càng được nâng cao, người chăn nuôi hầu hết được tiếp cận, sử dụng con giống có năng suất cao, thích ứng với điều kiện khí hậu của địa phương. Nhiều trang trại mạnh dạn đầu tư chuồng trại, trang thiết bị hiện đại trong chăn nuôi và xử lý chất thải. Công tác trồng rừng cây gỗ lớn của các doanh nghiệp và liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ gia đình để trồng rừng cây gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) được quan tâm, đẩy mạnh. Khai thác thủy sản tiếp tục được tăng cường ứng dụng CNC trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác đã nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn cơ bản được giữ vững.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bình Định, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường phối hợp với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp tổ chức khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Kết quả, 99% giống lúa cấp xác nhận và hạt lai F1 được sử dụng; sử dụng giống ngô lai đạt trên 95%; trên 70% diện tích cây ăn quả (cam, bưởi, xoài, dừa) trồng mới sử dụng giống đúng tiêu chuẩn. Tỷ lệ bò lai tăng mạnh, ước đạt 89,5%; tỷ lệ lợn lai đạt 93%; có trên 10 cơ sở sản xuất giống gà, trong đó có 02 doanh nghiệp lớn sản xuất gà giống thương phẩm 01 ngày tuổi là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh; có 03 đơn vị đang ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất cây nuôi cấy mô về giống lâm nghiệp, hàng năm, đã sản xuất được khoảng 14 triệu cây; có 02 công ty chuyên sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC, có vốn đầu tư nước ngoài hàng năm sản xuất khoảng 6,0 tỷ con.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNC, hiện đại, sạch, hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với liên kết chuỗi giá trị nông sản. Cụ thể, đối với cây lúa, phối hợp chuyển giao và nhân rộng các quy trình canh tác lúa tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Hiện, diện tích ứng dụng công nghệ thâm canh lúa cải tiến (SRI) ước đạt 3.929 ha; đồng thời, duy trì 08 dự án cánh đồng lớn, dự án liên kết sản xuất lúa giống. Đối với rau, phối hợp với các địa phương duy trì và phát triển 08 vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng nhãn hiệu “Lá lành”, quy mô diện tích 106,4 ha có 1.260 hộ dân tham gia, kết nối tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và các quầy bán rau an toàn trên địa bàn tỉnh, sản lượng liên kết tiêu thụ bình quân trên 25 tấn/tháng. Diện tích đã chứng nhận VietGAP là 8,4 ha; diện tích rau hữu cơ 1,9 ha. Đối với cây ăn quả, tập trung phát triển các cây ăn quả có lợi thế, hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn và áp dụng các CNC. Đến nay, diện tích cây ăn quả chứng nhận VietGAP là 105,4 ha. Các sản phẩm “Cam xoàn An Lão”; “Bưởi da xanh Hoài Ân”; “Trà Gò loi Hoài Ân”; “Dừa xiêm Hoài Ân” đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Đối với cây trồng cạn, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn bằng công nghệ tưới phun mưa cho cây lạc, hành; tưới nhỏ giọt cho cây ớt, dưa hấu…
Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và tự động hóa vào chăn nuôi. Trong ảnh: Kiểm tra trứng giống tại khu trang trại nuôi gà công nghệ cao của công ty. Ảnh: HG
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng CNC, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Đối với lợn: Tiếp tục ứng dụng CNC để đầu tư, nâng cấp xây dựng trang trại chăn nuôi tự động, khép kín, thân thiện với môi trường; chăn nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAHP, đưa các giống lợn ngoại cao sản vào sản xuất trực tiếp hoặc lai tạo giống đưa tỷ lệ lợn lai, lợn ngoại đạt khoảng 93% tổng đàn lợn. “Nhãn hiệu heo Hoài Ân”; “Heo đen An Lão – Bình Định” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN công nhận. Đối với bò: Tiếp tục phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ, giai đoạn 2021-2025 gắn với phát huy nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”. Các giống bò thịt chất lượng cao (BBB, Red Angus) đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người chăn nuôi bò. Đối với gà: Tiếp tục ứng dụng công nghệ 4.0 để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà hiện đại, tiên tiến, tạo sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đã cung cấp ra thị trường gà giống 01 ngày tuổi với các dòng gà đã được Bộ NN&PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới. Tiếp tục phát triển nhãn hiệu “Gà Minh Dư” mang tầm quốc tế, hướng đến xuất khẩu. Năm 2022, nhãn hiệu “Gà ta thả vườn Hoài Ân” đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN công nhận.
Trong lĩnh vực thủy sản: Thực hiện cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng phát triển khai thác xa bờ; tổ chức tốt hậu cần nghề cá; chú trọng phát triển chế biến thủy sản. Về khai thác hải sản, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín xây dựng Dự án Chuỗi liên kết khai thác, chế biến tiêu thụ cá ngừ đại dương. Áp dụng công nghệ số, công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, công nghệ viễn thám để quản lý, vận hành tàu cá trong khai thác thủy sản. Tổ chức chuyển giao công nghệ mới trong khai thác thủy sản, nhân rộng nhanh các mô hình ứng dụng công nghệ khai thác thủy sản đạt hiệu quả cao. Đã ứng dụng các tiến bộ KHKT trong khai thác, bảo quản để nâng chất lượng thủy sản sau khai thác. Tổ chức tốt khai thác hải sản bền vững, bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, đạt mức tăng trưởng vừa phải, chú trọng đến nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm sau khai thác nhằm tăng giá trị, giảm tổn thất sau thu hoạch. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 723 tổ đội đoàn kết trên biển với 2.878 tàu cá. Ngoài ra, đã thành lập được 01 nghiệp đoàn nghề cá tại thị xã Tam Quan Bắc với 141 tàu câu cá ngừ đại dương tham gia. Về nuôi trồng thủy sản, hiện tỉnh Bình Định có 02 doanh nghiệp đầu tư dự án nuôi tôm thương phẩm ứng dụng CNC (công nghệ Biofloc) với tổng diện tích là 164,34 ha, trong đó Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ triển khai dự án với diện tích 116,34 ha, năng suất từ 35-40 tấn/ha/vụ; Công ty TNHH Thành Ly triển khai dự án với diện tích 48 ha, năng suất 30-35 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng BTC-TC ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc tại các vùng nuôi tập trung trong tỉnh, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi Biofloc, semi Biofloc tại 4 vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh hiện có cho các hộ nuôi.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; nâng cao chất lượng rừng trồng. Thực hiện Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định, đến nay đã trồng được 6.667 ha. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là 9.388 ha. Khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng cây giống. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; phát hiện sớm các điểm cháy rừng, thống kê các vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp giúp việc xác minh, truy cứu đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được nhanh chóng, kịp thời và chính xác.
Tuy vậy, hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định. Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao, dẫn đến chi phí chăn nuôi cao, người chăn nuôi ít lãi. Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả nhưng đòi hỏi cao về công nghệ, quy trình canh tác, vốn đầu tư… nên việc nhân rộng các mô hình CNC gặp khó khăn.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết: Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; Ứng dụng CNC vào kỹ thuật canh tác, kỹ thuật nuôi trồng và xử lý môi trường; Hoàn thiện hệ thống tưới trong sản xuất; Rà soát, đánh giá lại hiệu quả các chương trình, đề án phát triển sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, và lâm nghiệp.
HƯƠNG GIANG