ĐƯA SẢN PHẨM NGHỀ TRUYỀN THỐNG VƯƠN XA

Quản trị viên 17/07/2023 Tin tức - sự kiện
Với mong muốn gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống sản xuất rượu Bàu Đá nổi tiếng của Bình Định, các ngành chức năng và hộ nấu rượu trên địa bàn đang nỗ lực thay đổi phương thức quảng bá thương hiệu sản phẩm dựa trên nền tảng số, góp phần đưa sản phẩm vươn ra thị trường, tiếp cận người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Chẳng biết từ bao giờ rượu Bàu Đá đã trở thành loại đồ uống không thể thiếu trong đời sống của người dân xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc và tỉnh Bình Định nói chung; được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất danh tửu” vang danh bốn phương bởi hương vị đặc biệt không nơi nào có thể sánh bằng. Ca dao Bình Định có câu: “Rượu ngon Bầu Đá mê li/ Gặp nem chợ Huyện bỏ đi sao đành?”.

Thưởng thức rượu Bàu Đá tại Nhà thờ Tổ làng nghề Rượu Bàu Đá. Ảnh: HH

Không phải ngẫu nhiên mà rượu Bàu Đá được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất danh tửu”. Rượu ngon là nhờ được chưng cất hoàn toàn bằng phương thức thủ công và làm từ những nguyên liệu tự nhiên. Bên cạnh nguyên liệu men truyền thống và gạo được trồng từ những cánh đồng lúa thơm ngát tại địa phương, nước dùng để nấu rượu được lấy từ nguồn nước ngầm ngọt ngào do thiên nhiên ưu ái ban tặng; nhờ vậy mà rượu Bàu Đá có một mùi hương rất đặc biệt, khó nơi nào có được. Ngoài nguyên liệu đặc trưng, quy trình nấu rượu Bàu Đá cũng lắm công phu. Quy trình sản xuất rượu Bàu Đá gồm 9 công đoạn: Chọn nguyên liệu, nấu cơm, hong nguội cơm, trộn men, ủ men, nấu rượu, ủ rượu, chiết rót, đóng chai và dán nhãn thành phẩm. Các hộ nấu rượu ở đây đã sử dụng và kết hợp với kỹ thuật ủ, nấu, chưng cất lưu truyền từ bao đời, tạo nên những giọt rượu trong veo có hương thơm nồng nàn, đậm đà đặc trưng. Rót một ly rượu trắng ra ly, bọt tăm sẽ nổi lên trên như rượu vang sủi tăm, trông rất đã mắt. Đưa rượu lên ngửi sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng sộc thẳng lên mũi. Khi uống có cảm giác nóng ấm chạy từ cổ xuống chạy tới đâu biết tới đó. Đặc biệt có lỡ say quá chén tỉnh dậy không bị nhức đầu.

Vì sản xuất theo phương pháp thủ công nên số lượng rượu chiết xuất ra không nhiều và chủ yếu phục vụ khách hàng tại địa phương. Hiện làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá có 29 hộ tham gia sản xuất, với sản lượng trung bình mỗi gia đình khoảng 10 lít. Nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề của ông cha tổ nghiệp để lại, người dân thôn Cù Lâm luôn đổi mới, sáng tạo và đa dạng sản phẩm. Từ công thức nấu rượu gạo truyền thống, các hộ dân đã thay đổi nguyên liệu gạo bằng những nguyên liệu mới như gạo nếp, đậu xanh, gạo hữu cơ để cho ra đời nhiều loại rượu Bàu Đá như: rượu đậu xanh, rượu nếp… Mỗi nguyên liệu cho ra một hương vị rượu riêng và độc đáo. Để ổn định nồng độ và làm tăng tuổi thọ của rượu, người dân Cù Lâm còn sáng tạo nghĩ ra cách ủ rượu mới, đó là ủ trong lúa hoặc hạ thổ từ 2 - 3 năm, thay vì ủ rượu trong chùm sành như truyền thống; nhờ vậy, chất lượng rượu Bàu Đá ngày càng thơm ngon hơn.

Chính quyền địa phương cũng vào cuộc để giữ gìn và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề rượu Bàu Đá là làng nghề truyền thống. Đồng thời, rượu Bàu Đá cũng được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể năm 2010. 3 sản phẩm Rượu Bàu đá đậu xanh - Rượu Bàu đá gạo và Rượu Bàu đá nếp Hoa Thưởng của hộ kinh doanh Lê Văn Thưởng (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc) được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh vào đầu năm 2023. Để phát triển làng nghề, mang lại thu nhập ổn định cho bà con trong thôn, chính quyền địa phương đã hỗ trợ bà con tập trung cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, bao bì và thay đổi cách quảng bá thương hiệu. UBND thị xã An Nhơn phối hợp với chính quyền xã Nhơn Lộc thực hiện hỗ trợ các hộ nấu rượu ở địa phương đăng ký kiểu dáng công nghiệp đối với mẫu vỏ chai rượu Bàu Đá nhằm kiểm soát tình trạng rượu nhái, rượu giả; hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Đồng thời, phát triển làng nghề rượu Bàu Đá theo hướng gắn với du lịch cộng đồng. Hiện, làng nghề Bàu Đá Nhơn Lộc là 1 trong 4 làng nghề tiêu biểu của tỉnh được thực hiện theo Đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Cho tới nay, UBND xã Nhơn Lộc đã hoàn thành quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 làng nghề rượu Bàu Đá; xây dựng cổng làng nghề; cấp 34 nồi nấu rượu bằng đồng đỏ cho các hộ dân. UBND thị xã An Nhơn đề xuất Sở Du lịch chọn hộ gia đình ông Lê Văn Thưởng sản xuất rượu Bàu Đá ở xã Nhơn Lộc tham gia Đề án phát triển du lịch làng nghề của tỉnh; phối hợp với Sở Du lịch tổ chức truyền thông cộng đồng, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch, nghiệp vụ du lịch cho các hộ gia đình có hoạt động nấu rượu, phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lộc; tập huấn nghiệp vụ cho hộ gia đình ông Lê Văn Thưởng về mô hình homestay và vận hành homestay, kỹ năng lễ tân đón tiếp khách; lắp đặt bảng chỉ dẫn tham quan Làng nghề rượu Bàu Đá. Xã Nhơn Lộc cũng vừa hoàn thành xây dựng Nhà thờ Tổ làng nghề Rượu Bàu Đá và đường giao thông dẫn vào nhà thờ tổ. Ngoài ra, công nghệ thông tin cũng được ứng dụng để quảng bá sản phẩm, kết nối với khách hàng. Thay vì quảng bá sản phẩm bằng cách truyền miệng như trước đây, các hộ nấu rượu ở địa phương đã biết đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, lễ hội để khách hàng tiếp cận gần hơn với sản phẩm.

Rượu Bàu Đá là một đặc sản trứ danh của vùng đất võ Bình Định mà du khách không thể không thử khi đến với vùng “đất võ trời văn” này. Với những nỗ lực của người dân thôn Cù Lâm cùng với sự chung tay, hỗ trợ của chính quyền địa phương đã và đang góp phần đưa làng nghề truyền thống sản xuất rượu Bàu Đá lên tầm cao mới; đưa sản phẩm của làng nghề vươn xa hơn.

HỒNG HÀ

Các tin liên quan