Một sáng kiến nghiên cứu mới do ACIAR tài trợ sẽ tìm hiểu các cách thức thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu cây có múi của Việt Nam.
Dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu cây có múi nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào phát triển và thử nghiệm các kỹ thuật nhỏ lẻ, chứ chưa tập trung vào các nghiên cứu đa ngành. Ảnh: ACIAR
Cây có múi như cam, quýt, bưởi, chanh là những cây trồng quan trọng ở Việt Nam. Tại Hội thảo “Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững cây có múi ở Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Hòa Bình, Hội làm vườn Việt Nam tổ chức vào tháng 11/2023; các chuyên gia cho biết cây có múi hiện là nhóm cây ăn quả có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả nước ta, tổng diện tích cây có múi cả nước đến hết năm 2022 chiếm 21,47% tổng diện tích cây ăn quả.
Mặc dù ngành này thường tập trung vào tiêu dùng nội địa nhưng những năm gần đây giá trị xuất khẩu của nó đã tăng đáng kể. Tổng giá trị xuất khẩu quả có múi từ năm 2015 liên tục tăng, từ 16,5 triệu USD lên 72,9 triệu USD năm 2022, trong đó sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm chanh và bưởi. Xuất khẩu quả có múi tiếp tục có xu hướng tăng cao trong năm 2023, đến hết tháng 9/2023 đạt hơn 81 triệu USD - các chuyên gia phát biểu tại Hội thảo.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng tổng sản lượng ngành công nghiệp cây có múi lên 14 triệu tấn vào năm 2025 và 16 triệu tấn vào năm 2030 - với sự tham gia hiệu quả của các hộ sản xuất nhỏ.
Mặc dù những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch này, nhưng họ đang phải đối diện nhiều khó khăn như giống và cây giống chất lượng kém, sâu bệnh phá hoại, suy thoái đất, bất ổn thị trường và giá cả biến động. Những vấn đề này đã dẫn đến tỷ lệ cây chết cao, mùa màng thất bát và đẩy người nông dân vào cảnh thua lỗ.
Bà Irene Kernot, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Làm vườn của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR), lưu ý rằng những khó khăn này đã buộc nhiều người phải bỏ vườn trồng, hoặc chuyển sang trồng cây thay thế nhằm đảm bảo thu nhập.
“Những trở ngại này khiến nông dân thận trọng hơn trong việc đầu tư thêm trong quá trình trồng cây có múi. Để giải quyết những lo ngại của họ, dự án nghiên cứu mới, do các đối tác nghiên cứu tại Việt Nam dẫn đầu, sẽ áp dụng cách tiếp cận toàn diện, tìm kiếm lộ trình nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp của họ”, bà nói.
Theo thông tin được đăng tải trên trang chủ ACIAR, ở cấp quốc gia, dự án cung cấp hỗ trợ đáng kể và kịp thời cho Việt Nam trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp cây có múi của mình. Dự án hướng đến phát triển lộ trình nghiên cứu để hỗ trợ quá trình mở rộng quy mô ngành công nghiệp cây có múi một cách bền vững.
Các nhà nghiên cứu đến thăm trang trại cam ở Hòa Bình, Việt Nam trong một dịp khảo sát. Ảnh: ACIAR.
TS Nguyễn Văn Liêm (Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật), trưởng dự án tại Việt Nam, nhận định dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu cây có múi; nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào phát triển và thử nghiệm các kỹ thuật nhỏ lẻ, chứ chưa tập trung vào các nghiên cứu đa ngành. Ông nhấn mạnh cần có một cách tiếp cận tổng hợp và toàn diện trong nghiên cứu cây có múi để khắc phục hiệu quả các rào cản hiện tại đang cản trở sự phát triển của ngành.
“Chúng ta cần sự tham gia của các chuyên gia với nhiều chuyên ngành khác nhau như giống cây trồng, sức khỏe đất, quản lý sâu bệnh, thiết kế vườn cây ăn quả cho đến tiếp thị, kinh doanh nông nghiệp để giải quyết các vấn đề mà ngành cây có múi đang phải đối mặt”, TS. Liêm chia sẻ.
“Dự án của chúng tôi sẽ tìm hiểu về những kiến thức như lý do khiến vườn cây ăn trái bị suy giảm, xác định các biện pháp phục hồi theo bối cảnh cụ thể cho các vùng sản xuất cây có múi, xác định cơ hội thị trường và phát triển các chiến lược phát triển thích ứng với khí hậu. Kế hoạch này sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng và cải thiện sinh kế của Việt Nam.”
Vậy Úc có thể giúp gì cho Việt Nam? Trên thực tế, cây có múi hiện đang là ngành hàng trái cây tươi xuất khẩu lớn nhất của Úc, với giá trị khoảng 400 triệu AUD mỗi năm. Nước này đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án nghiên cứu giúp tăng năng suất và chất lượng cây có múi.
“Thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn vào dự án này, chúng tôi mong muốn xây dựng năng lực cốt lõi cho các nhà nghiên cứu Việt Nam để tiến hành nghiên cứu đa ngành, điều này sẽ cung cấp hỗ trợ kịp thời và quan trọng cho Việt Nam trong việc thiết kế và thực hiện các chiến lược phát triển cây có múi của mình”, bà Kernot cho biết.
Nguồn: Bảo Ngân - khoahocphattrien.vn