Sau thành công của Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân lần thứ 2, diễn ra từ ngày 16- 18.5, UBND huyện Hoài Ân tiếp tục có nhiều giải pháp để thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Hiện nay, toàn huyện Hoài Ân có 5 trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao và 1.960 trang trại chăn nuôi heo quy mô vừa và nhỏ với trên 240 nghìn con. Trên lĩnh vực trồng trọt, toàn huyện có hơn 3.900 ha trồng cây ăn quả; trong đó, 315 ha cây bưởi, 483 ha dừa xiêm, 72 ha bơ sáp, 7 ha chè. Huyện xây dựng 62 mô hình có quy mô sản xuất lớn đăng ký thực hiện theo mô hình nông nghiệp sạch VietGAP tại các xã Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Hảo Tây.
Các sản phẩm nông sản địa phương được trưng bày tại Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân lần thứ 2 năm 2024. Ảnh: HẢI YẾN |
Với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện đang hỗ trợ, định hướng cho các trang trại phát triển các loại trái cây: Dâu da, sầu riêng, thanh long, bưởi rubi, bơ…, tạo nên sự đa dạng của các trang trại.
Tại Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân lần thứ 2 năm 2024, các xã đem đến 105 sản phẩm nông sản để quảng bá đến người tiêu dùng, các cửa hàng, DN lớn trong và ngoài tỉnh. Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, chia sẻ: Trong 3 ngày diễn ra các hoạt động của Ngày hội, 18 gian hàng có doanh thu trên 500 triệu đồng. 3 đơn vị là siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, Bưu điện tỉnh, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng C.P (TP Quy Nhơn) đã ký biên bản hợp tác tiêu thụ các sản phẩm bưởi da xanh, gạo hữu cơ, các nông sản đặc trưng và gà thả đồi với HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân, HTX Nông nghiệp Ân Tín, HTX Gà đồi Hoài Ân và đại diện hộ dân cùng nhóm sở thích trồng bưởi da xanh.
Ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Đức, cho hay: Hiện nay, xã Ân Đức có 15 sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. UBND huyện quy hoạch, mở rộng diện tích tập trung trồng một số cây chủ lực của địa phương để chăm sóc tốt hơn. HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân thu mua đảm bảo đầu ra cho người dân các mặt hàng nông nghiệp như bưởi da xanh, ổi, dưa, dừa, heo, gà... UBND xã đang xúc tiến mở rộng tìm kiếm các DN lớn để ký kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tính đến nay, toàn huyện có 8 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu và 41 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Đây là kết quả nỗ lực phát triển sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa và quá trình đẩy mạnh quảng bá, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương.
Nhiều cơ sở sản xuất, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu như: Sản phẩm bún gạo khô của Công ty TNHH Spevi Food, xã Ân Hảo Đông, đạt chất lượng ISO, FDA, BRC...; xuất khẩu sang thị trường Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ. Bà Đặng Thị Cẩm Lai, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Doanh thu hằng năm của công ty trên 3,6 tỷ đồng. Công ty đang mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng sản phẩm; ngoài bún gạo khô còn có bún bò Huế, bún ngũ sắc, phở ngũ sắc đạt chứng nhận OCOP và tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, khẳng định thương hiệu của công ty.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, nhấn mạnh: Để phát huy những kết quả đã đạt được và tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và từng bước phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Phát triển, mở rộng vùng chuyên canh cây ăn quả, lúa hữu cơ với quy mô, diện tích lớn; tăng cường đầu tư ứng dụng KHKT trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Đặc biệt, các DN, HTX thực hiện chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của huyện, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
HẢI YẾN