Trong 03 ngày của tháng 6/2024, thực hiện nhiệm vụ đào tạo huấn luyện khuyến nông năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã tổ chức lớp tập huấn “Ứng dụng cảm biến môi trường trong chăn nuôi thủy sản” cho 30 học viên là cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông và nông dân của 02 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc.
Những năm gần đây, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có những thay đổi, chuyển biến tích cực về hình thức chăn nuôi, cơ cấu đối tượng nuôi, giúp chất lượng, năng suất sản phẩm được cải thiện rõ rệt. Để có được thành công đó, nhiều người nuôi đã mạnh dạn sử dụng thiết bị, công nghệ số vào sản xuất nhằm thay thế các thói quen, tập quán sản xuất truyền thống để đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Toàn cảnh lớp tập huấn |
Tại lớp tập huấn, học viên đã được giảng viên của các trường đại học Hùng Vương, đại học Nông lâm Thái Nguyên trao đổi về các nội dung: Nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính, cá chép, cá trắm; Quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi thủy sản nước ngọt và đặc biệt đi sâu vào ứng dụng cảm biến môi trường trong chăn nuôi thủy sản. Giúp học viên nắm vững kiến thức, kỹ thuật cũng như những lợi ích của tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ số trong chăn nuôi thủy sản nước ngọt.
Sau 02 ngày tập huấn lý thuyết, các học viên đã được đi tham quan học tập thực tế tại 02 mô hình đang sử dụng công nghệ cảm biến môi trường tại thị trấn Tam Hồng và xã Bình Định huyện Yên Lạc.
Anh Phạm Văn Tấn, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, người đã thực hiện mô hình cảm biến từ năm 2022 cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ trong nuôi thủy sản không chỉ giúp gia đình dễ dàng chăm sóc cá mà còn nâng cao hiệu quả, năng suất trên cùng 1 đơn vị diện tích ao nuôi. Từ khi lắp hệ thống cảm biến kết hợp máy cho cá ăn tự động, ao cá của gia đình đã dễ dàng kiểm soát được các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi, chỉ số oxy hòa tan, độ PH, nhiệt độ nước”. Vào những ngày thời tiết nắng, nóng thay đổi thất thường như hiện nay, anh Tấn có thể cài đặt để hệ thống tự điều chỉnh tạo thêm oxy cho cá, bơm nước để làm mát, bổ sung cho ao nuôi, đồng thời, theo dõi được lượng cá để đưa thức ăn xuống theo tỷ lệ thích hợp, tránh thất thoát, dư thừa mà vẫn bảo đảm cá phát triển đồng đều. Nhờ đó, với 5 ha ao nuôi, sản lượng thu hoạch đạt từ 50 - 60 tấn/năm, giúp gia đình anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.
Tham quan học tập thực tế mô hình ứng dụng cảm biến môi trường tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc |
Thông qua 03 ngày học tập kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, học viên đã nắm vững được những kiến thức chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên thủy sản nước ngọt và hiểu rõ những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi thủy sản. Những kiến thức này giúp cho các học viên có thể ứng dụng ngay vào sản xuất của gia đình và địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế ở những vụ tiếp theo.
Phùng Thị Thu Hà
Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phú