Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Quản trị viên 04/07/2024 Tin tức - sự kiện
Nhận thức chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, là “chiếc chìa khóa vàng” để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp đã tập trung nâng cấp thiết bị và nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Theo ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) tỉnh, toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, gồm: Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa, Hòa Hội, Becamex, KCN Nhơn Hội (Khu A) và KCN Nhơn Hội (Khu B), với 216 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua rà soát nguồn nhân lực chuyển đổi số (CĐS) tại các DN, số lượng lao động công nghệ thông tin là 367 người.

Xu thế tất yếu

Trong số 216 DN đang hoạt động có khoảng 60 DN có quy mô trung bình, lớn thường xuyên áp dụng các phần mềm chuyên dụng để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DN này được tổ chức bài bản, có tiềm lực tài chính mạnh nên luôn bố trí từ 1 - 2 kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin. Riêng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, gồm 14 DN hầu như đều đã sử dụng robot và hệ thống tự động hóa trong hơn 90% khâu sản xuất, chất lượng sản phẩm được kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ để tăng hiệu suất và giảm chi phí lao động.

Với sứ mệnh “Xây bền vững, dựng tương lai” trong các lĩnh vực hoạt động, như: Tư vấn xây dựng, thi công xây dựng, sản xuất đồ gỗ nội thất và vật liệu xây dựng…, đầu tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Kiểu Việt chính thức đưa vào vận hành phần mềm Base Flatform (nền tảng quản trị DN toàn diện). Ông Nguyễn Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểu Việt, cho hay: Số hóa toàn bộ các quy trình và tiện ích văn phòng được xem là bước đi đầu tiên và cốt lõi trong việc CĐS toàn diện tại công ty. Base Flatform chính là phần mềm số giúp cho công ty chuẩn hóa toàn bộ quy trình làm việc ngay trong công ty mẹ và các công ty con. Từ đó, giúp các công ty triển khai, quản trị, vận hành và hỗ trợ sử dụng đồng bộ, thống nhất trên nền tảng chung, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí, góp phần tăng năng suất và hiệu quả trong công tác quản trị DN.

 

Công ty TNHH Kiểu Việt đưa vào vận hành phần mềm Base Flatform. Ảnh: DNCC

Ông Nguyễn Hồng Huy, Giám đốc Công ty Nội thất và Vật liệu xây dựng Kiểu Việt (thuộc Công ty TNHH Kiểu Việt, có nhà máy đặt tại KCN Phú Tài), hào hứng chia sẻ: Trước đây, các văn bản đề xuất từ cấp dưới gửi lên cấp trên của công ty đều phải in, trình xem xét và ký duyệt bằng hình thức thủ công. Với Base Flatform, người soạn thảo nội dung văn bản sẽ thao tác và tích hợp trên phần mềm. Từ đây, trưởng phòng, ban chuyên môn có liên quan sẽ xem xét, chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi lãnh đạo xem, ký duyệt thực hiện. Hơn nữa, qua phần mềm này, mọi công việc liên quan đến công tác quản trị, điều hành và triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ được quyết định trên môi trường điện tử. Mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động công ty được tạo lập một tài khoản điện tử cá nhân để theo dõi, thực hiện các công việc trên phần mềm số.

Cần thêm các giải pháp đột phá

Ngoài các phần mềm chuyên dụng về quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều DN đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng trực tuyến, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối… Nhiều DN đang trực tiếp kinh doanh trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử (TikTok, Facebook, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee) và trang bị, sử dụng chữ ký số. Qua đó, giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của DN đối với khách hàng và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Đặng Vĩnh Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận: Hầu hết, DN trong các KCN là DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, vốn đầu tư ít, điều hành DN theo phương pháp “gia đình”, chưa chuyên nghiệp. Mặt khác, trình độ người lao động còn thấp nên việc CĐS trong DN còn nhiều hạn chế, chủ yếu sử dụng những ứng dụng phổ biến, như: Zalo, Gmail để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, để đổi mới công nghệ trong sản xuất đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn, trở thành vấn đề với nhiều DN quy mô vừa và nhỏ. Thậm chí, nhiều DN chùn bước vì không đủ khả năng đầu tư cho các công nghệ tiên tiến, hiện đại bởi gánh nặng chi phí.

CĐS là yêu cầu tất yếu, là “chìa khóa” để DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển bền vững, do đó, thời gian tới, ngoài việc thực hiện các chính sách theo quy định của Trung ương, lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh cho hay, đơn vị tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các sự kiện, hội chợ công nghệ, hội thảo về công nghệ số để các DN công nghệ số Việt Nam có cơ hội giới thiệu giải pháp và kết nối với các DN trong KCN có nhu cầu về CĐS. Khuyến khích các DN công nghệ số hợp tác và liên kết với các DN trong KCN để tạo ra các giải pháp kỹ thuật số phù hợp với nhu cầu cụ thể trong quản trị, sản xuất. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh xem xét, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính để khuyến khích DN trong KCN ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải.                   

TRỌNG LỢI

Các tin liên quan