Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm

Quản trị viên 10/07/2020 Tin tức - sự kiện
Các nhà nghiên cứu của Đại học Princeton đã phát triển một hệ thống có thể nhận diện được vật thể sau các góc khuất và đưa ra các cảnh báo va chạm cho các xe ô tô tự lái.

Quan trọng nhất của chuyển đổi số là làm sao để mọi người thấy cần phải làm, muốn làm và có thể làm được.               

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này khi dự tọa đàm "Chuyển đổi số: Cơ hội và thách  thức" do Hội Tin học Việt Nam đã phối hợp với các hội, hiệp hội trong  ngành Công nghệ thông tin tổ chức chiều 3/7.

Chuyển đổi số là một chặng đường dài

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ  TT&TT, giải thích chuyển đổi số chính là cuộc chuyển đổi từ không  gian quen thuộc truyền thống (mặt đất, biển, bầu trời, vũ trụ) lên không  gian mạng.

 

Chuyển đổi đầu tiên là mức độ số hóa thông tin. Cao hơn nữa là số hóa  một quy trình nghiệp vụ và mức cao nhất là mang cơ quan, tổ chức từ môi  trường truyền thống lên môi trường mạng. Tiến trình chuyển đổi số có  điều kiện diễn ra nhanh hơn trong 5 năm gần đây do cách mạng công nghiệp  lần thứ tư (CMCN 4.0).

Theo ông Dũng, 3 trụ cột chính của Chương trình chuyển đổi số quốc  gia là Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Theo đó, Chính phủ số hoạt  động sẽ làm hiệu quả, tăng tính minh bạch, giảm tham nhũng. Kinh tế số  góp phần tạo ra những giá trị mới, mô hình tăng trưởng mới. Xã hội số sẽ  mang đến cơ hội bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ mới, tiếp cận tri  thức.

 

Nhấn mạnh nhận thức là yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số,  ông Dũng chia sẻ, với trách nhiệm của cơ quan điều phối, Bộ TT&TT  mong muốn các nhà lãnh đạo, quản lý có niềm tin rằng: Công nghệ có thể  giải quyết được mọi vấn đề của xã hội và giao nhiều việc cho đội ngũ làm  công nghệ. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi tìm nỗi đau,  sự nhức nhối của xã hội để giải quyết. Còn với các cơ quan, tổ chức và  cộng đồng, thông điệp của Bộ TT&TT là “chuyển đổi số hãy bắt tay vào  làm”.

Trao đổi với cộng đồng ICT, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ  TT&TT, chia sẻ: “Tôi có niềm tin mãnh liệt là chuyển đổi số sẽ góp  phần tích cực vào việc thay đổi thứ hạng Việt Nam, giúp Việt Nam phát  triển”.

Theo Bộ trưởng, việc rất quan trọng là chuyển đổi số các ngành. Sau  khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt, Bộ TT&TT đã  yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương năm 2020 phải ra chiến lược  chuyển đổi số của mình.

 

Bộ TT&TT đang chuẩn bị đề xuất Chính phủ về việc đổi tên Cục CNTT  của các bộ thành Cục Chuyển đổi số, giao thêm nhiệm vụ thực hiện chuyển  đổi số ngành đó. Khi đó, không gian sẽ rộng hơn nhiều.

Một cách chuyển đổi số nhanh là làm các nền tảng của Việt Nam. Hiện  nay mỗi tuần, Bộ TT&TT cho ra mắt các nền tảng phục vụ chuyển đổi số  Việt Nam. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn cộng đồng ICT cùng bắt tay làm  việc này.

Dự kiến, trong tuần tới, Bộ TT&TT sẽ khởi động cuộc thi tìm kiếm  giải pháp cho chuyển đổi số quốc gia giúp Việt Nam đi đầu về chuyển đổi  số, thông qua đó để thay đổi thứ hạng và góp phần đưa Việt Nam thành  nước phát triển thịnh vượng. “Đây là sự nghiệp của toàn quốc, toàn dân, là một chặng đường dài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lấy người dân làm trung tâm

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, “hồn cốt” của  chuyển đổi số là tăng cường ứng dụng CNTT vào mọi mặt đời sống. Các  nước coi chuyển đổi số quốc gia có tính định hướng chiến lược phát  triển. Đề án chuyển đổi số Việt Nam có sự tham gia của Chính phủ, DN,  người dân; có những lĩnh vực cần tập trung ưu tiên; phân công rõ ràng.

Chính phủ chuyển đổi số để quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn. Doanh  nghiệp chuyển đổi số để phát triển, đưa dịch vụ tốt hơn đến người dân.  Người dân cũng cần được khuyến khích tham gia chuyển đổi số vì chính bản  thân mình.

“Quan điểm thể hiện xuyên suốt là lấy người dân làm trung tâm”, Phó  Thủ tướng nhấn mạnh. Vì vậy, những lĩnh vực liên quan đến người dân được  xác định ưu tiên trong chuyển đổi số như: Y tế, giáo dục, tài chính,  ngân hàng, nông nghiệp, môi trường, văn hoá… Bởi mục đích của cuối cùng  của một chính phủ, một chế độ là xã hội ổn định, kinh tế phát triển.  Người dân được chăm sóc cả về vật chất, tinh thần. Người dân được thụ  hưởng văn hoá, văn minh, được phát triển giá trị bản thân và quay trở  lại cống hiến cho xã hội, không chỉ là quê hương đất nước mà cả nhân  loại.

Phó Thủ tướng cho rằng muốn chuyển đổi số chúng ta phải xác định được  điểm mạnh, điểm yếu. Xã hội Việt Nam rất ổn định, nền kinh tế năng  động, người dân lạc quan, tin vào tương lai. Tuy nhiên, điểm yếu của  chúng ta là tính công nghiệp, kỷ cương yếu; hợp tác yếu; thiếu tính kiên  trì chiến lược đối với những kế hoạch, đề án cần có bước đi dài.

Để thực hiện chuyển đổi số, đầu tiên là Chính phủ phải thấy, phải  muốn làm để hoạt động hiệu quả hơn, đất nước phát triển nhanh hơn, xã  hội ổn định hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, phát huy quyền làm chủ của  người dân tốt hơn. Đây là nhiệm vụ của cộng đồng CNTT.

Qua đợt phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Phó Thủ tướng đánh giá các  hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn trong giáo dục (dạy học trực  tuyến), cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, khám chữa  bệnh từ xa… Từ yêu cầu thực tế, những ứng dụng trực tiếp phục vụ chống  dịch được phát triển mạnh mẽ như hệ thống hội chẩn từ xa, số hoá tờ khai  y tế bắt buộc, quy trình truy vết các ca bệnh…

“Điều đó cho thấy nếu chúng ta đã xác định phải làm thì không ngại gì  cả, xắn tay vào, từ đó sẽ đặt ra những thứ cần làm tiếp. Chúng ta phải  có lòng tin, mạnh dạn làm và hoàn thiện sản phẩm thì sẽ không đi sau các  nước. Quan trọng nhất của chuyển đổi số là làm sao để mọi người thấy  cần phải làm, muốn làm và có thể làm được. Đây là nhiệm vụ rất lớn của  những người làm CNTT”, Phó Thủ tướng nói và nêu thêm ví dụ trong 6 tháng  Bộ Y tế đã hoàn thành việc cung cấp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức  độ 4 thay vì 5 năm như lộ trình trước đây.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Hội Tin học Việt Nam và các hội  liên quan cần phối hợp với Bộ TT&TT để xây dựng nhanh “thước đo” mới  về ứng dụng CNTT của các bộ ngành, địa phương; tăng cường phổ biến tri  thức, kiến thức về CNTT ra toàn xã hội. Cộng đồng DN Việt Nam tiếp tục  gắn kết chặt chẽ với nhau, đặc biệt trong các bài toán lớn được Bộ  TT&TT đặt ra khi làm việc với các bộ, ngành.

Theo PV

(Nguồn: http://doimoisangtao.vn/)

Các tin liên quan