Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cơ quan nhà nước quản lý công việc hiệu quả; giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí.
Áp dụng ISO điện tử tại các cơ quan hành chính nhà nước sẽ giúp giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, hạn chế những rủi ro trong công việc.
- Trong ảnh: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND phường Đống Đa (TP Quy Nhơn).
Theo ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ iDAS, hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử nói dễ hiểu là công cụ giúp chuyển từ sử dụng ISO trên hệ thống thủ công thông thường sang sử dụng trên internet. Trong môi trường đó, các quy trình và văn bản ISO đều được tự động hóa, thống nhất, chuẩn hóa, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của những người tham gia vào quy trình; đặc biệt, người dân có thể tham gia kiểm soát chất lượng và kết quả công việc chi tiết đến từng chuyên viên.
Áp dụng ISO điện tử vào hoạt động của các cơ quan hành chính giúp các thủ tục hành chính được xử lý theo quy trình niêm yết công khai, minh bạch. Cán bộ công chức được phân công trách nhiệm xử lý công việc rõ ràng; lãnh đạo kiểm soát chặt chẽ quá trình xử lý công việc; người dân tiết kiệm thời gian và chi phí. Ngoài ra, còn giúp vận hành cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiệu quả hơn, nhất là trong phối hợp giữa các đơn vị, tránh chồng chéo. Từ đó, chất lượng hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng lên, tạo lòng tin và sự hài lòng của người dân.
Tại Bình Định, hiện có 161 cơ quan hành chính xây dựng, áp dụng ISO 9001, bao gồm: 21 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 11 UBND cấp huyện, 13 chi cục và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 11 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và 105/159 UBND cấp xã.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 34 cơ quan hành chính triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 sang tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Hiện, 34/34 cơ quan hành chính cấp tỉnh đã thực hiện chuyển đổi và công bố phù hợp theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Dự kiến đến cuối năm nay, toàn tỉnh có hơn 85% cơ quan hành chính cấp xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Theo lộ trình của Bộ KH&CN, đến ngày 30.6.2021, tất cả đơn vị quản lý nhà nước phải cập nhật phiên bản ISO 9001:2008 lên phiên bản ISO 9001:2015.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN, khẳng định kết quả trên là nền tảng quan trọng để xem xét triển khai, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử tại các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội thảo triển khai ISO điện tử cho các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, được Sở KH&CN tổ chức giữa tháng 7 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, ISO điện tử là hệ thống ứng dụng độc lập, được liên thông với các hệ thống ứng dụng và dịch vụ khác đang triển khai, giúp các cơ quan, đơn vị khắc phục được khó khăn trong triển khai, áp dụng ISO.
Tuy nhiên, để áp dụng ISO điện tử đòi hỏi phải có sự chuẩn bị đồng bộ về công nghệ, hạ tầng công nghệ và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ nhân viên thực hiện. Ông Đặng Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn), băn khoăn: “Ở cấp xã hiện đang chạy nhiều phần mềm chồng chéo nhau. Cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ thông tin, cũng như đội ngũ cán bộ xã vừa thiếu vừa yếu. Điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào để tích hợp được 3 phần mềm: ISO điện tử, phần mềm một cửa và văn phòng điện tử”.
“Sở KH&CN đang xây dựng kế hoạch áp dụng ISO điện tử để tham mưu UBND tỉnh ban hành triển khai thực hiện đến các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh. Việc áp dụng ISO điện tử sẽ đi liền với việc thực hiện xây dựng chính quyền điện tử”, ông Nguyễn Hữu Hà cho hay.
Theo Hồng Hà
(Nguồn: http://baobinhdinh.com.vn/)