Thiết bị đốt lò áp lực sử dụng nhớt thải, giảm thiểu nguy hại cho môi trường

Quản trị viên 16/10/2020 Tin tức - sự kiện
Là giải pháp rất hữu ích, biến nguồn nhớt thải thành nguyên liệu đốt, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 2/10, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) phối hợp cùng Hội Khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện kim TP.HCM và Hợp tác xã liên kết công nông Thái Dương tổ chức buổi hội thảo giới thiệu “Thiết bị đốt lò áp lực không khói”.

Trình bày tại buổi hội thảo, ông Huỳnh Tấn Kiệt (nhà nghiên cứu) cho biết, trọng tâm nghiên cứu thiết bị nhằm tận dụng số lượng rất lớn nguồn nhớt thải – dầu thải từ các phương tiện cơ giới (ô tô, xe máy, tàu thuyền…). Đây là giải pháp giúp tiêu hao đáng kể nguồn chất thải dễ gây ô nhiễm môi trường (lên đến hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, có chứa nhiều kim loại nặng) khi chưa có giải pháp xử lý hiệu quả hơn việc tái chế (vốn rất phức tạp và chi phí cực lớn).

Ông Huỳnh Tấn Kiệt giới thiệu thiết bị.

Theo ông Huỳnh Tấn Kiệt, thiết bị được cải tiến bằng cách phân tán dầu 2 cấp, giúp tận dụng nguồn dầu thải - nhớt thải (không cần tái chế), tăng độ an toàn, dễ bảo dưỡng nhờ tách rời bộ phận cấp khí cho thiết bị đốt, lại đơn giản - tiết kiệm - hiệu quả và thân thiện môi trường.

Thiết bị hoạt động theo nguyên tắc cung cấp nhớt vào trung tâm ống dẫn có thổi khí áp lực cao bao quanh. Nhớt được khí cuốn theo và phân tán nhuyễn theo cấp số nhân, sau đó được đốt cháy hoàn toàn với hiệu suất rất cao (mức nhiệt có thể lên tới 1.000ºC).

So với các thiết bị của nước ngoài thường sử dụng mạch điện để điều khiển, thiết bị của ông Huỳnh Tấn Kiệt đơn giản hơn hẳn, do chỉ cần ngưng cung cấp nhớt là ngừng hoạt động, nên rất dễ dàng sử dụng. Mặt khác, các thiết bị hoặc lò đốt khác cần phải dỡ tro sau khi đốt. Thiết bị sử dụng nhớt thải không cần phải dọn dẹp nhiều, “chiều tắt lò là nghỉ”.

Với thiết bị này, các cơ sở quy mô nhỏ có thể sẽ không cần phải di dời, nếu khắc phục được tình trạng ô nhiễm do khói, bụi. Ưu thế về môi trường và việc tận dụng nhớt thải sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho các cơ sở sản xuất đang sử dụng các loại chất đốt và lò đốt không đạt yêu cầu về môi trường.

Thiết bị không chỉ sử dụng nhớt thải, mà còn đốt được cả dầu thải và dầu ăn đã qua sử dụng, cho phép ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: nấu nhôm, nhựa phế liệu, đốt chất thải lỏng nguy hại, sấy, tiệt trùng nông sản sau thu hoạch, chưng cất các loại tinh dầu…Trong nấu nhôm, đồng hoặc gang, thiết bị có thể thay thế các loại lò đốt bằng dầu diesel hoặc củi, vốn phát sinh nhiều khói, bụi, không đạt các tiêu chuẩn môi trường về khí thải, chất thải.

Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động TP.HCM ngày 2/5/2019, khí thải tại ống thoát khí sau hệ thống xử lý của thiết bị đốt lò áp lực sử dụng nhớt thải đạt yêu cầu theo quy định tại QCVN 19:2009/BTNMT. Trước đó, thiết bị đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn giải pháp hữu ích vào ngày 29/03/2019.

Với những ưu điểm vượt trội của thiết bị, ông Huỳnh Tấn Kiệt đã nhận được gợi ý hợp tác với một doanh nghiệp chuyên sản xuất lò đốt ở Bình Dương để mở rộng phát triển và thương mại hóa thiết bị này ngay tại buổi hội thảo. Một số doanh nghiệp ngành cơ khí khác cũng mở lời hợp tác, tìm hiểu các chi phí thực tế để thay đổi cơ cấu máy móc, nếu phù hợp.

Doanh nghiệp đặt vấn đề triển khai hợp tác với ông Huỳnh Tấn Kiệt.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Đức Tuấn (Phó Giám đốc CESTI) rất vui mừng khi buổi hội thảo đã giúp nhà nghiên cứu giới thiệu được các thành quả của mình, tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu tìm được đối tác phối hợp sản xuất thử nghiệm trên diện rộng, và tăng thêm cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư để tính toán các giải pháp thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Tính hữu ích của thiết bị đốt lò áp lực sử dụng nhớt thải đã rõ ràng, nhà nghiên cứu chỉ cần chứng minh độ ổn định của sản phẩm và có thêm phần so sánh hiệu quả kinh tế hoặc thời gian hoàn vốn, là sẽ thu hút được nhà đầu tư hợp tác thương mại hóa. CESTI sẽ đưa thông tin giới thiệu thiết bị và video hội thảo lên Sàn Giao dịch công nghệ Techport.vn để tiếp tục hỗ trợ nhà nghiên cứu tăng thêm cơ hội thương mại hóa thiết bị này.”, ông Nguyễn Đức Tuấn nhấn mạnh.

Theo Hoàng Kim (CESTI)

(Nguồn: http://cesti.gov.vn/)

Các tin liên quan