Nhân sinh khối vi sinh vật có lợi cho các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản

Quản trị viên 04/11/2020 Tin tức - sự kiện
Vi sinh vật sau khi nhân sinh khối có thể được phối trộn những chủng vi sinh khác để sản xuất các dòng chế phẩm vi sinh.

Vi sinh vật là những sinh vật có kích thước rất nhỏ (thường được đo bằng micromet, như virus, vi khuẩn, nấm, tảo và động vật nguyên sinh), có khả năng hấp thụ và chuyển hóa mạnh, tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, năng lực thích ứng cao và dễ phát sinh đột biến. Chính vì những ưu điểm này mà vi sinh vật được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như y sinh, thú y, nông nghiệp, thực phẩm...

Muốn nghiên cứu vi sinh vật, người ta sử dụng phương pháp nuôi cấy vô khuẩn. Còn để ứng dụng quy mô lớn vào các ngành trồng trọt, chăn nuôi hay thủy sản, thì cần tiến hành nhân sinh khối vi sinh vật có lợi theo những quy trình nhất định.

Trước tiên, vi sinh vật được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Tiếp đó, nhà sản xuất sẽ tiến hành phân lập chúng trong phòng thí nghiệm, lựa chọn những chủng vi sinh vật có lợi đúng theo nhu cầu. Các chủng vi sinh vật được chọn sẽ được lưu trữ giống, bảo quản ở điều kiện phù hợp. Sau cùng, bằng những thiết bị hiện đại như Bioreactor, vi sinh vật sẽ được nuôi cấy nhằm nhân giống nhanh, sản xuất sinh khối ở quy mô lớn.

Vi sinh vật sau khi nhân sinh khối có thể được phối trộn những chủng vi sinh khác để sản xuất các dòng chế phẩm vi sinh.

 

Quy trình nhân sinh khối vi sinh vật.

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, nhà sản xuất sẽ sử dụng riêng từng loại vi sinh hoặc kết hợp các chủng vi sinh vật, do chúng có đặc tính, vai trò khác nhau.

Chẳng hạn như nhóm vi sinh vật ứng dụng phổ biến trong trồng trọt thường phải có vai trò ức chế, đối kháng, cạnh tranh dinh dưỡng hoặc tiết các hoạt chất thứ cấp hạn chế sự sinh trưởng phát triển của vi sinh vật gây bệnh hại cho cây trồng; phân giải các hợp chất hữu cơ; cố định đạm, tăng nguồn thức ăn đạm hữu cơ cho cây trồng; xử lý môi trường… Điển hình là Bacillus, Pseudomonas, Bacillus, Trichoderma, Penicilium, Chaetomicum, Azotobacter, Rhizobium.

Còn nhóm vi sinh vật ứng dụng phổ biến trong chăn nuôi và thủy sản thì thường có vai trò giúp tăng cường sự hấp thu, tiêu hóa, tăng hệ vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hóa – môi trường nuôi trồng, giảm hàm lượng khí độc (NH3, H2S), phân giải hoặc chuyển hóa các chất thải chăn nuôi. Điển hình là Lactobacillus, Bacillus, Nitrosomonas, Nitrobacter, Lactobacilus, Rhodopseudomonas, Trichoderma.

Quy trình nhân sinh khối và các chủng vi sinh vật có lợi cho các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản sẽ được giới thiệu tại Techmart Công nghệ sinh học 2020 do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM tổ chức vào các ngày 5-6/11 sắp tới.

Theo Hoàng Kim

 (Nguồn: http://cesti.gov.vn/)

Các tin liên quan