Xác định ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp là chìa khóa để tạo ra sản phẩm mới, tăng năng suất, TX Hoài Nhơn đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa lan Mokara, rau hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, các ứng dụng nhà lưới, tưới nước tiết kiệm…
Mô hình lan Mokara được trồng theo luống trên giá thể vỏ đậu phụng mang lại hiệu quả cao.
Là một trong những hộ được hỗ trợ thí điểm mô hình sản xuất và nhân giống hoa lan Mokara, bà Nguyễn Thị Bích (khu phố Thạnh Xuân Đông, phường Hoài Hương) cho hay, lan Mokara được trồng bằng kỹ thuật cắt cành, không khó chăm sóc. Loại hoa này được lai từ 3 loại lan khác nhau, được thị trường ưa chuộng; giá bán rất cao, gấp đôi các giống lan thường. Về năng suất, giống lan này cao gấp 2, thậm chí gấp 3 lần lan thường vì cho ra hoa quanh năm. “Hiện, trong tỉnh chưa có nơi nào cung cấp lan Mokara nên đầu ra rất lớn. Mô hình nếu được nhân rộng sẽ tạo được nguồn cung ứng hoa lan Mokara cho thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương”, bà Bích vui vẻ nói.
Ứng dụng KH&CN giúp TX Hoài Nhơn phục hồi, phát huy giá trị nhiều nông sản, đặc sản của địa phương như mô hình phục tráng giống lúa nếp ngự, sản xuất dầu dừa và dầu phộng tinh khiết…
Bà Trương Thị Thúy Ức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn cho biết, mô hình liên kết chuỗi giống lúa nếp ngự tại xã Hoài Sơn là một điểm nhấn trong hoạt động sản xuất của thị xã. Mô hình được trồng trên 10 ha với 120 hộ tham gia, đạt năng suất 48 tạ/ha. So với giống lúa đối chứng ĐV 108, năng suất giống lúa nếp ngự thấp hơn, nhưng có giá cao 12.000 đồng/kg, nên lợi nhuận kinh tế cao hơn, tăng gần 12 triệu đồng/ha. Hiệu quả lớn hơn của mô hình là giống lúa nếp ngự phục tráng có khả năng chịu rét, chịu phèn, thích hợp chân đất tại địa phương; đồng thời, đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, độ thuần cao. Toàn bộ sản phẩm thu hoạch được Công ty TNHH Sachi Nguyễn thu mua để sản xuất các loại bánh truyền thống địa phương như bánh nổ, bánh tét, bánh in...
Hoài Nhơn cũng là một trong những địa phương áp dụng KHKT trong nhiều mô hình chăn nuôi, như: Mô hình nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP... Các mô hình áp dụng giống và công nghệ mới vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn kiểm tra mô hình sản xuất và tiêu thụ lúa nếp ngự theo liên kết chuỗi.
Để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, UBND thị xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó có cơ chế phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, thu hút người dân, DN hăng hái tham gia sản xuất. “Trước các vụ sản xuất, người dân chủ động đăng ký các lớp tập huấn để được cập nhật kiến thức trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản… Vì thế, nội dung tập huấn được thiết kế phù hợp nhu cầu thực tế của người dân, mang lại hiệu quả thiết thực trong nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hàng năm, có khoảng 200 lớp tập huấn được tổ chức trên địa bàn thị xã, với hơn 12.000 lượt nông dân tham gia”, bà Trương Thị Thúy Ức chia sẻ.
Các HTX, DN cũng chủ động ứng dụng KH&CN vào sản xuất để tăng năng suất và giá trị sản phẩm. Điển hình như HTXNN Ngọc An, HTXNN Hoài Mỹ, Công ty TNHH Sachi Nguyễn... tích cực triển khai các mô hình liên kết sản xuất giữa 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Hiện, trên địa bàn thị xã có 17 HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp; 28 DN hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho biết, hàng năm thị xã phân bổ khoảng 280 triệu đồng dành cho các hoạt động ứng dụng KH&CN. Phần lớn các mô hình sản xuất nông nghiệp thời gian qua phát huy hiệu quả rộng rãi trong thực tế, góp phần thúc đẩy sản xuất ở địa phương.
Theo Hồng Hà
(Nguồn: http://baobinhdinh.com.vn/)