Nhờ áp dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã nuôi thành công trong vụ Ðông, tỷ lệ tôm nuôi thành công đạt trên 90% và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trước. Mô hình này đang mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng.
Anh Dương cho biết: Đây là vụ đầu tiên tôi nuôi theo công nghệ Semi-Biofloc và thành công ngay từ lần đầu. Trên diện tích 1.000 m2, tôi chia làm 2 ao nuôi, thả 20 vạn tôm giống, mật độ 200 con/m2. Mật độ dày như vậy vẫn chưa phải là siêu thâm canh, song đã là rất cao so với cách nuôi phổ biến ở địa phương. Thả giống vào mùa mưa lạnh - mùa mà con tôm phát triển ở mức thấp nhất, thời gian nuôi dài, nhiều rủi ro - vậy mà với công nghệ mới, tôi thành công trên cả mong đợi. Sau 4 tháng nuôi, tôm đạt mức 50 con/kg, quá đạt so với cách nuôi thông thường.
Thu hoạch tôm tại ao của anh Nguyễn Tất Tùng (huyện Phù Cát), tôm đạt kích cỡ lớn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cũng nuôi tôm bằng công nghệ Semi-Biofloc, dịp tết Nguyên đán vừa qua, anh Nguyễn Tất Tùng, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, thu hoạch gần 380 tấn tôm từ 19 ao nuôi/khoảng 8 ha ở Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), năng suất bình quân khoảng 47 tấn/ha. Anh Tùng cho biết: Tôi theo đuổi công nghệ Semi-Biofloc trong vài năm gần đây, càng về sau khi thành thạo kỹ thuật thì mức độ thành công càng cao. Nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc, tôm đạt kích cỡ lớn, được giá. Sau 120 - 130 ngày nuôi, tôm đạt 50 con/kg, trúng dịp tết Nguyên đán nên bán được giá cao, lên tới 200 - 255 nghìn đồng/kg.
Nhiều năm gần đây, ở vụ nuôi tôm chính, rủi ro lớn nhất là tôm bị dịch bệnh, nhất là bệnh nấm trắng. Việc xử lý ao nuôi trước khi thả giống và giữ môi trường nước ao nuôi ổn định để hạn chế rủi ro rất công phu. Và công nghệ Semi-Biofloc không những đã giải quyết tốt vấn đề này, làm sạch, ổn định môi trường nước bằng các loại vi tảo mà cách thức thực hiện cũng khá đơn giản, nằm trong khả năng của người nuôi tôm. Ở trường hợp của anh Nguyễn Tất Tùng, để giữ nhiệt độ trong ao ổn định, anh Tùng phủ bạt kín diện tích ao nuôi. Anh dùng mật rỉ đường, cám gạo ủ với chế phẩm sinh học để nhân sinh khối hỗn hợp và bón vào ao nuôi. Vi sinh vật có lợi trong chế phẩm không những đã tiêu diệt các loại vi khuẩn, tảo độc… có hại, gây bệnh cho tôm mà còn làm sạch môi trường nước nhờ khả năng phân hủy các loại sinh khối hữu cơ, phân, thức ăn thừa… và biến chúng thành thức ăn cho tôm.
“Áp dụng tốt công nghệ Semi-Biofloc có thể hạn chế 80% dịch bệnh. Với cách nuôi cũ trước đây, mỗi vụ tôi dùng từ 20 - 30 kg kháng sinh, tốn 15 - 20 triệu đồng, nay với công nghệ Semi-Biofloc, tôi không cần dùng kháng sinh nữa. Chẳng những đã giảm chi phí đầu tư mà còn kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong con tôm thương phẩm, được khách hàng ưa chuộng hơn, giá bán cao hơn”, anh Tùng cho biết thêm.
Nuôi tôm vào mùa nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Mùa mưa lạnh tôm ít ăn, chậm lớn, thời gian nuôi dài hơn, nhưng bù lại giá cao. Ngược lại, mùa khô tôm nhanh lớn nhưng rủi ro dịch bệnh cao hơn, giá lại thấp hơn. Nhưng với công nghệ Semi-Biofloc, người nuôi tôm có thể thả nuôi tôm quanh năm.
Hiện, tỉnh ta có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 951 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Semi-Biofloc không chỉ giúp các hộ nuôi giảm chi phí chăm sóc, ít dịch bệnh mà còn đem lại thu nhập cao.
Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Đây là hướng đi mới, có tiềm năng lớn, giúp người nuôi tôm phần nào chủ động trước sự biến đổi khó lường của thời tiết; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích. Thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ này nhằm giúp nghề nuôi tôm của tỉnh phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
● Biofloc được hiểu là cụm sinh học tạo thành từ thực vật phù du (tảo khuê), các động vật phù du, các hợp chất hữu cơ (phân tôm, xác sinh vật…) và vi khuẩn. Hàm lượng protein và dinh dưỡng từ các bioflocs này cao hơn thức ăn thông thường. Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc là cách nuôi tôm mà trong đó quá trình lọc sạch nước thực hiện nhờ lợi khuẩn có được từ các chế phẩm sinh học, tạo ra nhiều Biofloc. Các lợi khuẩn thúc đẩy quá trình phân hủy dị dưỡng, hạn chế các chất có hại cho tôm. Có thể hiểu công nghệ Semi - Biofloc là bán phần (semi) của công nghệ Biofloc.
● Cá nhân anh Nguyễn Tất Tùng, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát đã tự học và áp dụng công nghệ Semi-Biofloc được 5 năm. Trong đó, vụ thu hoạch hồi tháng 2.2021 - vụ thứ 5 - là thực hiện trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm BTC-TC ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc theo hướng phát triển bền vững tại Bình Ðịnh”; chủ nhiệm đề tài: Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh.
● Không tính những hộ nuôi đơn lẻ chưa có con số thống kê, đến nay diện tích nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc của tỉnh ta thuộc Ðề tài là 3.000 m2, thực hiện được 2 vụ và cả 2 vụ đều thành công lớn. |
Theo Hồng Hà
(Nguồn: http://baobinhdinh.com.vn/)