Đẩy nhanh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Quản trị viên 25/08/2022 Tin tức - sự kiện
Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở Viện – trường nhằm đẩy nhanh quá trình ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống, sản xuất có thể xem là yếu tố quyết định, giúp phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Công nghệ luôn là chìa khóa giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và chuyển mình mạnh mẽ. Sự thay đổi mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại đang mở ra cơ hội nâng cao năng lực quản trị, áp dụng công nghệ mới để tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng tiêu chí toàn cầu. Để thực hiện điều đó, cần phải tiến hành hoạt động chuyển giao công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số nhằm hướng đến sản xuất thông minh. Tuy vậy, hoạt động chuyển giao công nghệ từ Viện – trường cho doanh nghiệp và vấn đề liên kết 3 nhà (nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nước) hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Tin vui là Viện – trường đã hình thành thói quen chủ động hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Giai đoạn 2012-2021, Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) đã thực hiện tổng số 5.594 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Trong đó, doanh thu chuyển giao công nghệ từ năm 2015 tới nay đều vượt mức 100 tỷ đồng/năm. Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao (AHRD), trong giai đoạn 2010-2021, đã chuyển giao công nghệ cho trên 65 doanh nghiệp, tổ chức, hộ nông dân ở địa bàn TP.HCM, các tỉnh khu vực phía Nam, Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ và phía Bắc theo các tiêu chí “chìa khóa trao tay”, “cầm tay chỉ việc”. Với thế mạnh về sản xuất thử - thử nghiệm và sản xuất - kinh doanh các sản phẩm là kết quả nghiên cứu và phát triển, Viện Công nghệ Nano (INT - ĐHQG TP.HCM) đã triển khai hợp tác với nhiều địa phương và doanh nghiệp, thực hiện nhiều dự án ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, môi trường, y sinh, mực in nano bạc… phục vụ phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ cộng đồng.

Kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nhóm nhà khoa học ở Đại học Bách Khoa TPHCM (ĐHQG TPHCM) triển khai đã chế tạo thành công thiết bị rung siêu âm ứng dụng trong ngành đúc hợp kim nhôm, có thể giúp doanh nghiệp sản xuất đúc truyền thống cải tiến dây chuyền sản xuất.

Hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ từ Viện - trường, các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp tuy đã đạt được nhiều thành công nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Thực tế cho thấy, còn nhiều kết quả nghiên cứu tốt được tạo ra từ Viện - trường chưa được ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Thay vào đó, tình trạng “chuyển giao chui” diễn ra khá phổ biến. Đó là do còn tồn tại nhiều lỗ hổng, rào cản khiến cho việc đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường gặp khó khăn. Việc doanh nghiệp thiếu thông tin về các chính sách, các hình thức hỗ trợ của nhà nước về chuyển giao công nghệ cũng là rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, hay chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Vì thế mà sức lan tỏa thương mại hóa kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng còn hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn.

Bài toán thương mại hóa kết quả nghiên cứu vẫn là bài toán về vấn đề liên kết 3 nhà (nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nước). Dễ thấy nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đặt nặng xu hướng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm – dịch vụ, chưa thực sự tin tưởng và chia sẻ với nhà khoa học. Thêm vào đó, việc khuyết thiếu kiến thức về sở hữu trí tuệ, quy định phân chia lợi nhuận trong hoạt động chuyển giao công nghệ dẫn đến tình trạng vi phạm quyền lợi của nhau, từ đó đánh mất niềm tin và mối quan hệ hợp tác.

Nhằm rà soát, đánh giá hiện trạng và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, nhất thiết phải triển khai các mô hình thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Thậm chí, cần đẩy mạnh mô hình thương mại hóa công nghệ ở Viện – trường, làm sao để kết quả nghiên cứu có thể giải quyết nhu cầu cụ thể và đủ lớn của doanh nghiệp, thị trường. Bên cạnh đó, cần tạo ra sự sôi động, hấp dẫn của các dịch vụ tư vấn - chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước.

Theo Hoàng Kim (CESTI)

Các tin liên quan