TRUY XUẤT NGUỒN GỐC CHO “GẠO HỮU CƠ ÂN TÍN”

Quản trị viên 28/10/2022 Tin hoạt động
Việc gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm “Gạo hữu cơ Ân Tín”được kỳ vọng góp phần quảng bá và nâng cao giá trị thương hiệu, tạo niềm tin khách hàng, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm

HTXNN Ân Tín (huyện Hoài Ân) là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bình Định sản xuất và cung cấp sản phẩm “gạo hữu cơ”. Từ vụ Thu 2019, với sự hỗ trợ của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) và Phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân, HTXNN Ân Tín đã bắt đầu đưa vào thử nghiệm sản xuất mô hình tại đồng Soi Đập (thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín). Đây là mô hình liên kết sản xuất “3 nhà”: Nhà nông, nhà khoa học cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước. Mô hình được sản xuất theo quy trình khép kín; các khâu sản xuất từ gieo cấy, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch và ra thành phẩm đều tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt theo Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ quốc gia.

Khách hàng chọn mua sản phẩm “Gạo hữu cơ Ân Tín” tại quầy trưng bày sản phẩm của HTXNN Ân Tín, huyện Hoài Ân. Ảnh HH

Theo mô hình này, sản phẩm “Gạo hữu cơ Ân Tín” được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo tiêu chuẩn 6 không: Không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, hóa chất, không chất bảo quản, không hương liệu, không tẩy trắng. Năm 2020, sản phẩm được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận OCOP, đạt 3 sao. Năm 2022, sản phẩm tiếp tục được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận Chất lượng TQC thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo được sản xuất phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ quốc gia TCVN 11041-5:2018. Hiện, HTXNN Ân Tín có 2,75 ha diện tích canh tác lúa hữu cơ, trồng mỗi năm 2 vụ, với sản lượng gạo dự kiến đạt 15 tấn/năm.

Tuy nhiên, cũng như các sản phẩm hữu cơ khác, “Gạo hữu cơ Ân Tín” gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và khẳng định chất lượng, thương hiệu. Thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng CNTT hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Định”, trong năm 2022, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN thuộc Sở KH&CN Bình Định đã triển khai hỗ trợ dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm “Gạo hữu cơ Ân Tín”.

Sản phẩm “Gạo hữu cơ Ân Tín” được sản xuất và ra thành phẩm theo Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ quốc gia. Ảnh: HH

Với việc gắn tem truy xuất nguồn gốc dưới dạng mã QR, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại để quét mã QR dán trên sản phẩm là có thể nắm được đầy đủ thông tin nguồn gốc của sản phẩm, từ nguồn gốc, xuất xứ cho đến các công đoạn để làm ra sản phẩm. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể nắm rõ thông tin cần thiết về sản phẩm trước khi quyết định chọn mua.

Thông qua việc gắn tem truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp tạo được niềm tin đến khách hàng nhiều hơn; hạn chế tình trạng hàng giả, bảo vệ thương hiệu; nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm. Xa hơn nữa, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc còn mang lại lợi ích đối với nhà nước và xã hội như: Bài trừ hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

HỒNG HÀ

Các tin liên quan