TP.HCM tập huấn tiêu chuẩn quốc gia truy xuất nguồn gốc gia cầm, gia súc

Quản trị viên 02/12/2022 Tin tức - sự kiện
Tiêu chuẩn TCVN 13166-1:2020 đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc (TXNG).

Trong hai ngày 23&24/11/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn về các tiêu chuẩn quốc gia liên quan lĩnh vực TXNG gia cầm và gia súc.

Lớp tập huấn đã phổ biến, hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn TCVN 12850:2019 (yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG); TCVN 13166-1:2020 (yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm); các yêu cầu cụ thể đối với các loại thịt gia súc và gia cầm. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng hệ thống TXNG gia cầm, gia súc áp dụng các tiêu chuẩn này.

Theo đó, TCVN 13166-1:2020 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F8 Thịt và sản phẩm thịt biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm (bao gồm thịt tươi, thịt mát, thịt đông lạnh) để đảm bảo khả năng TXNG. Các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác định trong tiêu chuẩn này gồm cơ sở chăn nuôi, cơ sở vận chuyển, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, nhà phân phối, bán lẻ.

TXNG là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Hệ thống TXNG là hệ thống bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm.

Giới thiệu về TCVN 13166-1:2020, báo cáo viên của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia cho biết, TXNG trong chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm cần đáp ứng các yêu cầu chung quy định trong TCVN 12850:2019 (nguyên tắc một bước trước - một bước sau, nguyên tắc sẵn có của phần tử dữ liệu chính, nguyên tắc minh bạch và nguyên tắc có sự tham gia đầy đủ của các bên TXNG). Bên cạnh đó, tổ chức phải xác định đối tượng cần TXNG (vật phẩm có thể truy xuất); phải có sự thống nhất giữa các đối tác thương mại về vật phẩm có thể truy xuất; mỗi đối tác thương mại phải xác định ít nhất một cấp độ vật phẩm có thể truy xuất cho từng chuyến hàng.

Để có một hệ thống TXNG hiệu quả trên toàn bộ chuỗi cung ứng, tất cả các vật phẩm cần truy xuất xuôi hoặc cần truy xuất ngược đều phải được định danh đơn nhất toàn cầu. Tất cả các bên trong chuỗi cung ứng cần thực hiện các biện pháp TXNG nội bộ và bên ngoài. Việc thực hiện TXNG nội bộ phải đảm bảo duy trì được những mối liên kết cần thiết giữa đầu vào và đầu ra. Đối với TXNG bên ngoài, tất cả vật phẩm có thể TXNG phải được định danh đơn nhất và thông tin này được chia sẻ cho mọi đối tác chịu tác động trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh các nguyên tắc, yêu cầu chung đối với chuỗi cung ứng thịt gia súc và gia cầm, TCVN 13166-1:2020 cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với từng loại thịt gia súc và gia cầm như TCVN 13166-2:2020 (thịt trâu và thịt bò); TCVN 13166-3:2020 (thịt cừu); TCVN 13166-4:2020 (thịt lợn); TCVN 13166-5:2020 (thịt gia cầm). Các tiêu chuẩn này được sử dụng đồng thời với TCVN 13166-1:2020.

Trong đó, theo TCVN 13166-5:2020, các yếu tố TXNG chủ yếu đối với chuỗi cung ứng gia cầm bao gồm mã định danh lô/mẻ theo lồng gia cầm hoặc đàn gia cầm; thông tin về gia cầm như tuổi (ngày sinh hoặc tháng sinh), địa điểm sản xuất giống, nuôi vỗ béo và xuất bán; mẻ/lô thức ăn và xác định chất lượng thông qua các tài liệu cung cấp về thức ăn bổ sung; giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật; thông tin điều trị thú y; sản phẩm là vật chứa được định danh bằng GTIN, liên kết mẻ/lô gia cầm đối với mẻ/lô pha lọc, ngày và giờ; nhãn vật chứa cần phải tuân thủ các quy định pháp luật, quy định thị trường nhập khẩu cũng như yêu cầu của khách hàng;…

Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các báo cáo viên Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia cũng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn triển khai hệ thống TXNG cho các đơn vị, doanh nghiệp trong thực tế. Để thiết lập hệ thống TXNG, ngoài việc đảm bảo các nguyên tắc chung theo TCVN 12850:2019, cần chú ý một số yêu cầu về khả năng tương tác, tính đa dạng, định danh, phạm vi hệ thống, quản lý hệ thống, quản lý dữ liệu, khả năng trao đổi dữ liệu, yêu cầu về dữ liệu bên trong tổ chức và khả năng trao đổi dữ liệu thông suốt trong chuỗi cung ứng.

Theo đó, các yêu cầu khung chung cho hệ thống TXNG có khả năng tương tác bao gồm lớp thông tin cốt lõi (trả lời các câu hỏi ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao); phần mở rộng riêng theo lĩnh vực, sản phẩm, ứng dụng; phần mở rộng riêng theo khu vực và phần mở rộng riêng theo người dùng. Ngoài ra, các tổ chức, đơn vị phải xác định đầy đủ nhu cầu, mục tiêu khi thiết lập hệ thống TXNG (bao gồm cả thông tin về chất lượng, an toàn của sản phẩm, vai trò trong chuỗi cung ứng, môi trường pháp lý và kinh doanh,…); thống nhất chuẩn định danh mã truy vết (sản phẩm, địa điểm); chuẩn vật mang dữ liệu (phương thức chuẩn); chuẩn giao thức trao đổi và chia sẻ dữ liệu;…

Theo Lam Vân (https://cesti.gov.vn/)

Các tin liên quan