PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU CÁ ĐIÊU HỒNG VĨNH THẠNH

Quản trị viên 17/07/2023 Tin tức - sự kiện
Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN, Sở KH&CN Bình Định đang phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh xây dựng hệ thống quản lý và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cá điêu hồng Vĩnh Thạnh. Đây là bước đi quan trọng góp phần nâng cao giá trị cũng như định vị thương hiệu cá điêu hồng Vĩnh Thạnh.

Năm 2009, Sở KH&CN Bình Định phối hợp Sở NN&PTNT thực hiện đề tài nghiên cứu KH&CN “Nghiên cứu hiện trạng, đánh giá tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa và thử nghiệm mô hình ương nuôi cá điêu hồng trong lồng năng suất cao trên hồ chứa tỉnh Bình Định”, do kỹ sư Trần Quang Nhựt, công tác tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh làm chủ nhiệm.

Từ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học, người dân địa phương tiếp cận hình thức lồng nuôi công nghệ mới với chi phí thấp, dễ chăm sóc và quản lý. Ảnh: HG

Trong khuôn khổ đề tài đã thực hiện đánh giá chế độ dòng chảy, độ sâu của các hồ chứa nước vào mùa khô và mùa mưa để từ đó xác định hồ chứa đảm bảo điều kiện phát triển nuôi cá lồng. Đồng thời, xây dựng quy trình kỹ thuật ương nuôi cá điêu hồng trong lồng năng suất cao trên hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) và thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng năng suất cao trên hồ chứa nước Định Bình.

Quá trình triển khai mô hình giúp người dân địa phương từng bước tiếp cận hình thức lồng nuôi công nghệ mới với chi phí thấp, dễ chăm sóc và quản lý. Nhờ cá điêu hồng được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ khá mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao nên thu hút nhiều hộ nuôi cá lồng đầu tư thâm canh. Từ đó, nghề nuôi cá điêu hồng lồng bè ở hồ chứa nước Định Bình phát triển mạnh; diện tích và doanh thu từ việc nuôi cá lồng trong hồ chứa cũng tăng đáng kể; góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân trên địa bàn. Hiện có khoảng 30 hộ đang nuôi cá lồng bè ở hồ chứa nước Định Bình; mỗi hộ nuôi ít nhất là 6 lồng, nhiều nhất là 24 lồng; mỗi năm thu hoạch 2 vụ với sản lượng cá điêu hồng đạt khoảng 1 tấn/lồng, mang về thu nhập từ 100 triệu - 300 triệu đồng/năm tùy theo số lượng cá nuôi nhiều hay ít.

Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi cá lồng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Khó khăn lớn nhất là khâu tiêu thụ, đầu ra sản phẩm cho người nuôi cá còn hạn chế. Cá thu hoạch lên thương lái đến tận bè thu mua cá ôxy (tức là cá sống đựng trong bao nylon có bơm ôxy) để vận chuyển đến một số tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Do phụ thuộc nhiều vào thương lái nên giá cá điêu hồng thương phẩm thường lên xuống không ổn định, có lúc bán được 50.000 đồng/kg, có lúc giảm chỉ còn 35.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, do sản phẩm cá điêu hồng thu hoạch xong đem lên bán thô, không có nhãn hiệu, người tiêu dùng không biết được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Điều này vô tình đánh mất tên sản phẩm và thương hiệu của chính mình.

Nhằm hỗ trợ người dân phát triển thị trường đầu ra và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá điêu hồng Vĩnh Thạnh, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh phối hợp Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN thực hiện xây dựng hệ thống quản lý và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm “Cá Điêu Hồng Vĩnh Thạnh”. Theo đó, mọi thông tin về từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm cá điêu hồng ở Vĩnh Thạnh sẽ được số hóa và cập nhật vào hệ thống truy xuất nguồn gốc; đồng thời, thực hiện xuất và dán mã QR lên sản phẩm. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm không chỉ cho phép người tiêu dùng nhận được thông tin xác thực về sản phẩm qua từng công đoạn mà còn góp phần định vị thương hiệu “Cá Điêu Hồng Vĩnh Thạnh” trên thị trường.

HƯƠNG GIANG

Các tin liên quan