Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025 xác định phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đưa Bình Định trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn. Trong đó, KH&CN đóng vai trò quan trọng tạo đà cho du lịch phát triển, thúc đẩy du lịch thông minh.
Giới thiệu website xúc tiến du lịch Bình Định tại một sự kiện về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh. Ảnh: KL
Thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU, thời gian qua, ngành KH&CN Bình Định đã có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của du lịch địa phương. Hàng năm, Sở KH&CN Bình Định đều đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN liên quan đến phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với du lịch tỉnh Bình Định. Cho tới nay, các nhiệm KH&CN đã và đang góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch mới, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như thúc đẩy quảng bá vẻ đẹp, con người và truyền thống văn hóa của người Bình Định.
Trong số các nhiệm vụ KH&CN đã được nghiệm thu thời gian qua nổi bật có nhiệm vụ “Nghiên cứu phát triển hệ thống mô hình hóa và quản lý hiện vật bảo tàng và di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Bình Định”, được đánh giá mang tính cấp thiết, có tính khả thi cao. Nhiệm vụ do Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN (Trường ĐH Quy Nhơn) triển khai từ tháng 4.2020, thực hiện ứng dụng các phương pháp đo đạc, xử lý ảnh, tính toán lưới, công nghệ quét laser, quét ảnh 3D để xây dựng các mô hình hóa hiện vật, phòng trưng bày ảo, di tích lịch sử hỗ trợ cho việc quản lý hiện vật cũng như trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). Qua đó, hiện vật được tái hiện chính xác vị trí trong không gian 3D ảo và có thể tương tác một cách trực quan 3 chiều. Đây cũng là bảo tàng đầu tiên tại Bình Định thử nghiệm mô hình bảo tàng ảo.
Bảo tàng Quang Trung là một trong những địa điểm du lịch mang tính lịch sử nổi tiếng của tỉnh Bình Định, địa điểm gắn liền với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Nơi đây đang trưng bày, lưu giữ hơn 11.000 tài liệu, hiện vật liên quan đến bộ sưu tập tiền đồng thời Tây Sơn, sưu tập binh khí, sắc phong, phục vụ nghiên cứu, trưng bày. Việc ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D không chỉ giúp Bảo tàng Quang Trung giải quyết được bài toán về việc phục chế những tư liệu, hiện vật quý hiếm cũng như kiểm kê, bảo quản tư liệu, hiện vật an toàn và lâu dài mà còn giúp khách tham quan có thể quan sát được từng chi tiết của các hiện vật cùng với thông tin, hình ảnh, âm thanh chân thực. Ngoài ra, bảo tàng ảo tương tác 3D tạo điều kiện cho du khách có thể tham quan bảo tàng ở mọi nơi, mọi lúc qua internet và qua các thiết bị di động. Do vậy, việc nghiên cứu và xây dựng một hệ thống hỗ trợ trưng bày cho bảo tàng Quang Trung không những giúp nâng cao sự hứng thú cho khách tham quan, tăng cường hiệu quả trưng bày, cải thiện số lượng khách đến tham quan mà còn cải thiện được hiệu quả truyền thông của bảo tàng, giúp lượng thông tin truyền tải đến với du khách nhiều hơn và xa hơn.
Hay như nhiệm vụ “Nghiên cứu chiến lược truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xây dựng được bộ nhận diện về thương hiệu du lịch Bình Định, bao gồm: logo và biểu tượng, slogan, các ấn phẩm quảng cáo, video clip tiếng Việt và tiếng Anh. Đồng thời, xác định phân khúc thị trường, thị trường mục tiêu của du lịch Bình Định; xây dựng chiến lược tổng thể truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Một tour du lịch giáo dục trải nghiệm được hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN tại Bình Định. Ảnh: KL
Các đề tài đang triển khai hiện nay tập trung vào các giải pháp thu hút khách du lịch ở một số thị trường có tiềm năng, phát triển các sản phẩm du lịch mới như: mô hình du lịch nông nghiệp, mô hình du lịch cộng đồng… Nổi bật có nhiệm vụ “Nghiên cứu hoàn thiện, xây dựng một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp du lịch giáo dục, trải nghiệm khoa học trên địa bàn tỉnh Bình Định” với mục tiêu hình thành tour du lịch giáo dục trải nghiệm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, khám phá khoa học trong tỉnh.
Ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN, Sở KH&CN Bình Định cũng đang thúc đẩy hoạt động du lịch khám phá khoa học tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (đơn vị trực thuộc Sở). Trung tâm được xem là biểu tượng cho tầm nhìn và sự đầu tư chiến lược của tỉnh Bình Định dành cho KH&CN; cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam có thể đón du khách đến tham quan và khám phá khoa học. Đó là một lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn của Bình Định mà các địa phương khác khó có được. Trung tâm đang tập trung thúc đẩy và hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm, nghiên cứu khoa học phù hợp theo từng lứa tuổi, nhu cầu và thời gian. Hứa hẹn nơi đây sẽ trở thành điểm sáng tham quan, học tập, nghiên cứu, khám phá khoa học của giới trẻ và người dân. Hiện trung bình mỗi năm, Trung tâm đón hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Song song với việc tổ chức các chương trình khoa học tại Trung tâm, Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo còn tiến hành tổ chức các hoạt động trải nghiệm, biểu diễn khoa học tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước tham gia, tạo nên một nét văn hóa đặc thù riêng, góp phần phát triển ngành du lịch tỉnh nhà.
Để tăng tốc phát triển du lịch bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trong thời gian tới. Mục tiêu là phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Nghị quyết đã đặt ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp quan trọng; trong đó các việc phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Nhận thức được vai trò quan trọng của KH&CN là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh; cũng như vai trò của du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới ngành KH&CN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động số 06-CTr/TU và Quyết định số 3806/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU. Cụ thể, Sở KH&CN sẽ tăng cường phát triển dịch vụ du lịch tại Tổ hợp Không gian khoa học nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù riêng của tỉnh Bình Định - đó là du lịch khám phá khoa học; Duy trì việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, biểu diễn khoa học tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thu hút đông đảo người dân địa phương, khách du lịch trong và ngoài nước đến xem và trải nghiệm; Chuyển giao kết quả, sản phẩm của các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh trong lĩnh vực du lịch cho tổ chức, đơn vị liên quan để triển khai ứng dụng vào thực tế.
KHÁNH LINH