Đây là những nội dung chính, quan trọng của lớp tập huấn nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho đối tượng là các cán bộ, công chức phụ trách cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và giải quyết tranh chấp tên thương mại trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như các quận huyện và TP. Thủ Đức vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.
Lớp tập huấn đã thu hút được gần 50 học viên tới từ các đơn vị trực thuộc Uỷ ban nhân dân các quận huyện và TP. Thủ Đức cũng như Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng tham dự
Ngày 11/8/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức lớp tập huấn "Tên thương mại, nhãn hiệu và những vấn đề thực tiễn cần lưu ý trong đăng ký kinh doanh" cho đối tượng là các cán bộ, công chức phụ trách cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và giải quyết tranh chấp tên thương mại trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như các quận huyện và TP. Thủ Đức, với gần 50 học viên cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn Thành phố xảy ra nhiều vụ tranh chấp giữa các tên thương mại và giữa tên thương mại với nhãn hiệu được bảo hộ. Nhằm triển khai Kế hoạch Chiến lược sở hữu trí tuệ và Phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 theo Quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của Uỷ ban nhân dân Thành phố; nâng cao kiến thức sở hữu trí tuệ phục vụ hoạt động xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hạn chế việc cấp tên thương mại có khả năng xung đột quyền với tên thương mại hoặc nhãn hiệu được bảo hộ.
"Quyết định 266 với sự tham gia của rất nhiều Sở ban ngành để triển khai các nhiệm vụ Chiến lược sở hữu trí tuệ và Phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030. Riêng, Sở Khoa học và Công nghệ cũng có khá nhiều nhiệm vụ được giao và một trong số đó là nhiệm vụ huấn luyện, nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho các cơ quan quản lý nhà nước. Trước khi lớp tập huấn này diễn ra thì ngày hôm qua 10/8/2023, chúng tôi cũng đã tổ chức một lớp tập huấn về khai thác thông tin sở hữu công nghiệp trong đánh giá xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và những vấn đề thực tiễn cần lưu ý trong giám định, xử lý tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp dành cho đối tượng là các cán bộ, công chức thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thành phố và đã thu hút được hơn 60 học viên tới từ các đơn vị trực thuộc Công an TP.HCM, Cục Quản lý thị trường TP.HCM và Cục Hải quan TP.HCM cùng tham dự, rất vui là trong khuôn khổ lớp tập huấn ngày hôm qua các báo cáo viên và các học viên đã có những phần trao đổi, chia sẻ cực kỳ sôi nổi, chất lượng.... Và hôm nay, thông qua lớp tập huấn về tên thương mại, nhãn hiệu và những vấn đề thực tiễn cần lưu ý trong đăng ký kinh doanh, chúng tôi rất hy vọng các đồng chí cũng sẽ thẳng thắn chia sẻ, trao đổi những khó khăn, vướng mắc của mình và đơn vị của mình có thể đang gặp phải trong quá trình cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và giải quyết tranh chấp tên thương mại... để qua đó, nâng cao năng lực, kiến thức sở hữu trí tuệ phục vụ hoạt động xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hạn chế việc cấp tên thương mại có khả năng xung đột quyền với tên thương mại hoặc nhãn hiệu được bảo hộ", ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung chia sẻ.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, TS. Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giới thiệu cho các học viên những nội dung tổng quan về đối tượng sở hữu công nghiệp, cơ chế bảo hộ và căn cứ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn cách đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn giữa các tên thương mại, giữa tên thương mại và nhãn hiệu. Cũng như, hướng dẫn cách xác định, xử lý vi phạm quyền đối với tên thương mại nhãn hiệu.
Cụ thể, đối với quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, căn cứ phát sinh quyền sở hữu trí tuệ sẽ tự động phát sinh đối với quyền tác giả; quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng... khi xảy ra tranh chấp, người sở hữu phải chứng minh tính hợp pháp của quyền của mình bằng cách đưa ra bằng chứng về đối tượng, về quan hệ của mình với đối tượng. Riêng, phát sinh trên cơ sở đăng ký là các quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, giống cây trồng thì các giấy tờ đăng ký là tài liệu chứng nhận sự hợp pháp của chủ quyền.
Còn đối với bảo hộ sở hữu trí tuệ là việc Nhà nước sử dụng công cụ pháp lý và quyền lực bảo đảm cho chủ sở hữu thực hiện các nội dung quyền sở hữu trí tuệ của họ, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm do người thứ ba thực hiện. Theo đó, cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ bao gồm: Đối tượng bảo hộ với tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ; Phạm vi, giới hạn bảo hộ tương ứng với nội dung là bản chất của tài sản trí tuệ và tương ứng với giới hạn quyền sở hữu trí tuệ; Công cụ bảo vệ với pháp lý và quyền lực là hệ thống các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và liên quan cũng như các cơ quan bảo đảm thực thi như Toà án, Uỷ ban nhân dân các cấp, Thanh tra các ngành liên quan, Quản lý thị trường, Công an kinh tế, Hải quan...
"Tài sản trí tuệ đóng vai trò ngày càng to lớn, quan trọng trong sự phát triển, là yếu tố chủ yếu trong cạnh tranh hiện nay. Việc đầu tư để tạo ra tài sản trí tuệ là vô cùng tốn kém, mấy thời gian và nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nguy cơ bị chiếm đoạt, bị khai thác bất hợp pháp ngày càng cao và bản thân chủ sở hữu không tự chống lại các hành vi chiếm đoạt, khai thác bất hợp pháp... nếu không có các biện pháp hữu hiệu chống lại các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ thì động lực sáng tạo và phát triển sẽ bị thủ tiêu, cạnh tranh trở thành không lành mạnh. Do đó, mục tiêu của bảo hộ sở hữu trí tuệ là bảo vệ các kết quả đầu tư sáng tạo, thúc đẩy đổi mới, bảo đảm cạnh tranh công bằng và trung thực. Điều 8.1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 thể hiện rõ cơ chế cân bằng lợi ích, cụ thể Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh", TS. Nguyễn Hữu Cẩn lưu ý.
TS. Nguyễn Hữu Cẩn trình bày tổng quan về đối tượng sở hữu công nghiệp, cơ chế bảo hộ và căn cứ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp, hướng dẫn đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn giữa các tên thương mại, giữa tên thương mại và nhãn hiệu cũng như cách xác định, xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại, nhãn hiệu
Cũng theo, TS. Nguyễn Hữu Cẩn đối với việc đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn giữa các tên thương mại, giữa tên thương mại và nhãn hiệu cũng như cách xác định, xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại, nhãn hiệu.
"Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại được thể hiện dưới dạng chỉ dẫn thương mại gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biểu hiện, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ và là kết quả của hành vi xâm phạm. Do đó, các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hành sự. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan", TS. Nguyễn Hữu Cẩn chia sẻ.
Các học viên đã chia sẻ những khó khăn, những vấn đề gặp phải trong hoạt động cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và giải quyết tranh chấp tên thương mại với các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ
Cũng tại lớp tập huấn, ThS. Bùi Tiến Quyết - Trưởng phòng Phòng Đào tạo thông tin, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã hướng dẫn về tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp cho các học viên nhằm tránh xung đột quyền đối với tên thương mại và nhãn hiệu, với những nội dung như: Phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu; Xác định thành phần chính trong tên thương mại phục vụ việc tra cứu nhãn hiệu; Hướng dẫn tra cứu nhãn hiệu nhằm tránh khả năng xung đột quyền giữa tên thương mại và nhãn hàng; Thực hành tra cứu nhãn hàng nhằm đánh giá khả năng xung đột quyền giữa tên thương mại và nhãn hiệu.
Cụ thể, khi phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Ví dụ như Pepsi, Honda, Apple... căn cứ phát sinh quyền được xác lập khi chủ sở hữu thực hiện thủ tục đăng ký và được cơ quan xác lập quyền cấp văn bằng bảo hộ trên cơ sở thoả mãn các điều kiện bảo hộ; Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Ví dụ như Hoà Phát, Tân Phú, Hoà Bình... căn cứ phát sinh quyền tự động được xác lập trên cơ sở sử dụng.
"Dựa trên đối tượng, khái niệm và căn cứ phát sinh quyền chúng ta sẽ xác định được thành phần chính trong tên thương mại phục vụ việc tra cứu nhãn hiệu cũng như xác định được ngành nghề kinh doanh để phân loại sản phẩm hoặc dịch vụ phục vụ tra cứu thông qua nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp IP Platform của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, trên Wipo Publish của Cục sở hữu trí tuệ, trên cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Wipo...", Th.S Bùi Tiến Quyết chia sẻ.
ThS. Bùi Tiến Quyết hướng dẫn học viên cách tra cứu nhãn hiệu nhằm tránh khả năng xung đột quyển giữa tên thương mại và nhãn hiệu trên nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp IP Platform
Được biết,IP Platformlà nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ nhằm hỗ trợ và phục vụ tra cứu thông tin gồm các công cụ tra cứu (đơn giản, cơ bản, nâng cao) cho từng đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý) và các cơ sở dữ liệu liên kết của các tổ chức sở hữu trí tuệ quốc gia, khu vực, quốc tế quản lý. Với IP Platform, người dùng có thể thực hiện tra cứu thông tin về các đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ tại Việt Nam bằng cách sử dụng các công cụ tra cứu nêu trên và tra cứu thông tin về các đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ ở nước ngoài bằng cách sử dụng các công cụ tra cứu trong cơ sở dữ liệu liên kết phù hợp trong danh mục các cơ sở dữ liệu liên kết. Hướng dẫn chung và hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các công cụ tra cứu cho từng đối tượng sở hữu công nghiệp có trong các màn hình tra cứu.
Nhật Linh (CESTI)