Hành trình cây sâm bố chính “bén duyên” đất Bình Định

Quản trị viên 18/08/2023 Tin tức - sự kiện
Hơn hai năm trước, cây sâm bố chính vẫn còn xa lạ đối với người dân Bình Định. Với tinh thần ham học hỏi và dám nghĩ dám làm, “anh kỹ sư chân đất” Trần Minh Tâm (khu phố Kim Châu, phường Bình Định, TX An Nhơn) đã là người đầu tiên mang cây sâm này đến với Bình Định và xây dựng mô hình khởi nghiệp thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đầu năm 2021, anh Tâm tình cờ được biết đến giá trị dược liệu tuyệt vời của cây sâm bố chính và quyết định di thực về trồng thử nghiệm tại sân vườn. Khó khăn ban đầu anh phải đối mặt là điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Bình Định hoàn toàn khác biệt so với Quảng Bình - nơi cung cấp nguồn cây giống. Từ loại cây quen sống ở miền núi, anh Tâm đã bỏ rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu đặc tính sinh trưởng để thuần dưỡng giống sâm quý này. Sau nhiều lần thất bại, anh Tâm đã thành công xây dựng quy trình kỹ thuật trồng cây sâm bố chính thích nghi với điều kiện vùng đồng bằng của địa phương. Sau quá trình trồng thử nghiệm trồng sâm bố chính trong chậu đạt năng suất trung bình từ 0,3-0,4 kg củ/chậu trong thời gian từ 12-15 tháng, anh Tâm bắt đầu thực hiện nhân giống và trồng dưới mặt đất với quy mô lớn. Tiếp đến, anh tư vấn quy trình kỹ thuật cho bà con địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất và bao tiêu đầu ra cho bà con. Hiện tại, vùng nguyên liệu trồng sâm bố chính để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến của anh Tâm có diện tích lên đến 7 hecta.

Sâm bố chính được sấy khô bằng máy sấy thăng hoa. Ảnh VT

Vượt qua khó khăn ban đầu trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu sản xuất, anh Tâm tiếp tục đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến để chế biến những sản phẩm giàu dinh dưỡng từ giống sâm quý này. Và kết quả đạt được đã vượt xa mong đợi. Ban đầu, anh đầu tư 22 tỷ đồng để xây dựng một nhà xưởng chế biến mới. Tiếp đến, anh tiếp tục đầu tư vào hệ thống dây chuyền máy móc tiên tiến như máy băm, máy rửa, máy hấp sấy, máy nghiền... Đầu năm 2023, Công ty TNHH MTV Sâm Bố Chính Tâm Linh của anh Tâm bắt đầu đưa công nghệ sấy thăng hoa vào phục vụ sản xuất. Nhờ có nhiều ưu điểm nổi bật nên công nghệ sấy thăng hoa đang trở thành phương pháp chế biến hiệu quả và phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp hiện nay, đặc biệt là trong việc chế biến cây sâm bố chính của anh Tâm. Công nghệ sấy thăng hoa mang lại nhiều ưu điểm vượt trội: Tốc độ chế biến nhanh chóng nhờ áp suất và nhiệt độ cao giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu suất sản xuất; giữ được hàm lượng dinh dưỡng và chất hoạt tính của cây sâm bố chính, đảm bảo sản phẩm chế biến chất lượng cao; có khả năng diệt khuẩn và tiêu diệt vi khuẩn trong quá trình chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, kiểm soát quá trình chế biến chính xác, giúp đảm bảo chất lượng ổn định và đồng đều cho từng lô sản phẩm. Ngoài ra, sấy thăng hoa cũng giúp tăng thời gian bảo quản và giữ được giá trị của các sản phẩm chế biến từ cây sâm bố chính.

Các dòng sản phẩm chế biến từ sâm bố chính của Công ty TNHH MTV Sâm Bố Chính Tâm Linh. Ảnh: KL

Hệ thống máy móc hiện đại là tiền đề quan trọng giúp anh Tâm đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng quy mô kinh doanh. Cho tới nay, công ty của anh Tâm đã sản xuất được 7 dòng sản phẩm đa dạng và độc đáo từ sâm bố chính, gồm: Rượu sâm bố chính, rượu cao sâm bố chính, rượu yến sâm bố chính, củ sâm tươi sâm bố chính, cao sâm bố chính, ngũ cốc sâm bố chính, và sâm bố chính dây. Việc cho ra đời chuỗi sản phẩm từ cây sâm bố chính không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường mà còn gia tăng giá trị kinh tế từ cây sâm bố chính. Anh Tâm cho biết: Công ty đã đăng ký kiểm nghiệm và thử nghiệm các mẫu sản phẩm. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện việc làm hồ sơ sản phẩm OCOP cho 6 trong số 7 sản phẩm nói trên, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Nhìn nhận được tầm quan trọng của mô hình này đối với sự phát triển kinh tế xã hội, Sở KH&CN Bình Định đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ. Một trong những biện pháp đó là hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chế biến từ cây sâm bố chính của anh Tâm. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp tạo dựng uy tín và định vị thương hiệu trên thị trường. Nhờ đó, các sản phẩm từ cây sâm bố chính của anh Tâm có thể tiếp cận với nhiều người tiêu dùng hơn cũng như tạo dựng uy tín và lòng tin của khách hàng. Ngoài ra, Sở cũng đang hỗ trợ anh Tâm trong việc xây dựng phóng sự quảng bá cho doanh nghiệp; đồng thời, triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học liên quan đến quy trình sản xuất trà đóng gói từ sâm bố chính. Điều này giúp mở rộng phạm vi sản xuất, mở ra cơ hội kinh doanh mới; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. Đặc biệt, Sở KH&CN Bình Định cũng đang thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp của anh Tâm đăng ký doanh nghiệp KH&CN. Đây là yếu tố quan trọng giúp anh Tâm có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư và mở rộng quy mô kinh doanh một cách hiệu quả. Điều này đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định, giúp mô hình khởi nghiệp của anh Tâm ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Từ sự nỗ lực, tinh thần kiên trì và đam mê vượt qua khó của anh Tâm cùng với sự hỗ trợ từ Sở KH&CN Bình Định, mô hình khởi nghiệp chế biến cây sâm bố chính đã trở thành một điển hình thành công trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Thành công chinh phục cây sâm bố chính tại Bình Định và nghiên cứu chuỗi sản xuất sâm bố chính không chỉ giúp mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình anh Trần Minh Tâm mà còn giúp địa phương có thêm lựa chọn cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội.

KHÁNH LINH

Các tin liên quan