Bên cạnh sự đột phá, hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh thời gian qua còn có những hạn chế. Ðó là việc nhân rộng, ứng dụng vào sản xuất, đời sống kết quả các đề tài, sáng kiến khoa học sau khi được nghiệm thu còn khiêm tốn, hiệu quả chưa cao. TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN trao đổi với Báo Bình Ðịnh về các giải pháp để cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả triển khai đề tài, sáng kiến nghiên cứu khoa học, công nghệ trong thời gian qua, đặc biệt là sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về phát triển khoa học, công nghệ tỉnh giai đoạn 2020 - 2025?
TS LÊ CÔNG NHƯỜNG, Giám đốc Sở KH&CN |
- Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 40 nhiệm vụ KH&CN để triển khai thực hiện ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu, như: Xã hội và nhân văn; kỹ thuật và công nghệ; nông nghiệp; Y dược... Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu ứng dụng, trong đó có ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đời sống đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của một số cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa. Một số dự án KH&CN đã hình thành được các sản phẩm trọng điểm của tỉnh.
Về sáng kiến KH&CN, năm 2021 - 2022, đã có 112 sáng kiến của 141 tác giả/đồng tác giả được công nhận và cấp Giấy chứng nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng trong toàn tỉnh, cùng 2 sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc. Nhiều sáng kiến góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực thi các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; cải thiện, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục, đào tạo cho học sinh, sinh viên...
● Dù vậy, cũng có những đề tài, sáng kiến sau khi hoàn thành lại “cất vào ngăn kéo”?
- Nói về chuyện “cất ngăn kéo”, có lẽ phải giải thích thêm một chút. Có những đề tài phải sau 10 - 20 năm mới đi vào thực tế đời sống, hơn nữa lâu nay có chút nhầm lẫn giữa 2 thuật ngữ “ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học” và “thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học”. Do đó, mọi người cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học được triển khai nhiều, nhưng ít thấy sản phẩm trên thị trường, vận dụng vào đời sống.
Tôi ví dụ, năm 1998, Sở KH&CN đã đặt hàng thực hiện đề tài “Bộ địa chí Bình Định”. Sau thời gian dài nghiên cứu, đến nay, đề tài này cho thấy tính ứng dụng cao trong thực tiễn. ĐH Quốc gia Hà Nội đã thành lập riêng Văn phòng quốc chí để thực hiện xây dựng “Địa chí quốc gia”. Trong lúc tỉnh bạn còn loay hoay, Bình Định đã có và thực hiện xong nguồn dữ liệu.
KH&CN mang tính đặc thù, có rủi ro và độ trễ. Một đề tài nghiên cứu KH&CN sau khi được nghiệm thu cần 2 - 3 năm mới có thể có kết quả rõ ràng trong thực tế đời sống. Tuy vậy, vẫn phải công nhận với nhau là còn một ít đề tài sau khi nghiên cứu xong có ít hoặc không có liên quan đến ứng dụng KH&CN, cái này có rất nhiều lý do…
● Để nâng cao chất lượng, khả năng ứng dụng sau nghiên cứu, ngành KH-CN sẽ…?
- Trước mắt, ưu tiên đặt hàng các đề tài mang tính cấp thiết ở địa phương và có đối ứng kinh phí, cơ sở vật chất để sau này sẽ tiếp nhận kết quả ứng dụng vào thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện và phát triển ở những pha tiếp theo. Kế đó là tăng cường hợp tác với các sở, ngành, viện, trường đại học, DN, địa phương để thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Cán bộ kỹ thuật Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây chè dây theo chuẩn GACP-WHO cho đồng bào Bana ở huyện An Lão. Ảnh: DNCC |
Hằng năm, Sở KH&CN bố trí một phần kinh phí để nhân rộng các kết quả đề tài ứng dụng KH&CN được nghiệm thu đến các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, rà soát, chọn lọc các sáng kiến có chất lượng; đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tích cực động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh nói chung, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị... nói riêng. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua nghiên cứu phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa...
● Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)