Bổ sung giống mới cho phân khúc lúa chế biến

Quản trị viên 21/08/2023 Tin tức - sự kiện
Trong 2 ngày 14 - 15.8, Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phối hợp với ngành chức năng, các HTXNN và người dân huyện Tuy Phước và TX An Nhơn đánh giá năng suất, chất lượng giống lúa mới phân khúc chế biến BÐR 999 vụ Hè Thu ở các địa phương này. Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy, giống BÐR 999 có khả năng thích ứng với vùng sản xuất lúa tập trung An Nhơn và Tuy Phước.

Vụ Hè Thu năm 2023, lần đầu tiên ông Nguyễn Thành Tâm, nông dân xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, sử dụng giống lúa mới BĐR 999 của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) Duyên hải Nam Trung bộ chuyển giao. Hiện nay, lúa đang vào giai đoạn chín và sắp thu hoạch. Ông Tâm cho biết: Ban đầu tôi thấy rất ngại. Phước Thắng nằm ở vùng trũng dưới nguồn con nước, chân ruộng lún nên rất sợ tình trạng lúa ngã đổ lúc trổ bông và chín. Tuy nhiên, khi theo dõi lúa BĐR 999 sinh trưởng, tôi thấy cây lúa cứng cáp, phù hợp với chân ruộng này. Năm nay thuận trời nên gần như không có sâu bệnh, năng suất khả quan. Mới thử nghiệm một vụ nên khó đánh giá toàn diện, nhưng với kết quả này, tôi có thể yên tâm làm tiếp vụ Đông Xuân 2023 - 2024.

Đánh giá thực tế giống BĐR 999 trong vụ Hè Thu ở Phước Thắng, Tuy Phước. Ảnh: T.D

Bà Thân Thị Lý, ở xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn, bày tỏ, so sánh với một số giống lúa chủ lực mà bà con ở đây thường sử dụng như ĐV 108, Q5, Khang dân 18 thì các đặc tính về sinh trưởng, phát triển tương đương với BĐR 999. Tuy nhiên, giống BĐR 999 có thời gian sinh trưởng ngắn ngày hơn, như thế mức độ tiêu hao vật tư, nước tưới thấp hơn. 6 sào lúa của gia đình tôi năng suất rất cao, đặc biệt trong vụ Hè Thu giống BĐR 999 có ưu thế lớn khi chống chịu với thời tiết nắng nóng tốt, cây lúa khỏe, kháng được rầy nâu và đạo ôn.

Tham gia khảo sát thực tế để tính toán đầu tư cho giống lúa mới, ông Nguyễn Ngọc Thanh, ở xã Nhơn Phong, TX An Nhơn, trao đổi: Gia đình tôi có liên kết với nhiều đơn vị sản xuất lúa giống. Với phân khúc lúa để lấy gạo làm nguyên liệu chế biến, hiện giống BĐR 999 đang được nhiều cơ sở, hộ sản xuất bún, bánh tín nhiệm; ở vị trí là người trồng lúa qua tìm hiểu tôi thấy đây là giống lúa khá tốt từ góc độ phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết địa phương đến mức độ sinh trưởng, kháng bệnh đều rất khả quan. Sau khi khảo sát thực tế trên đồng, trao đổi với các chuyên gia, tới đây tôi sẽ đưa giống BĐR 999 vào sản xuất.

Qua khảo sát thực tế tại các mô hình sản xuất đại trà từ vụ Đông Xuân 2022 - 2023 đến vụ Hè Thu năm 2023, giống BĐR 999 bộc lộ nhiều đặc tính ưu việt, thích ứng được với các vùng sản xuất lúa tập trung ở tỉnh Bình Định. Ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng bộ môn Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ) cho biết, kết quả ghi nhận ở nhiều vùng sản xuất, qua một số mùa vụ sản xuất toàn tỉnh Bình Định cho thấy, giống BĐR 999 chứng tỏ được sự thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đáp ứng được yêu cầu về năng suất và chất lượng. Chúng tôi tiếp tục triển khai công tác chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt là ở 2 vùng sản xuất lúa tập trung ở An Nhơn và Tuy Phước trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 để bà con an tâm đưa vào sản xuất đại trà. Mục tiêu cuối cùng là giúp nông dân thêm lựa chọn, thay thế dần các giống thoái hóa, kém chất lượng.

Việc chủ động gạo nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến có vị thế quan trọng, bởi lẽ tỷ lệ những sản phẩm dùng gạo làm nguyên liệu (chủ yếu là các loại bún, bánh) vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn. Khi có giống mới với nhiều ưu điểm, hoạt động sản xuất sẽ có thêm thuận lợi. Nói về điều này, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) chia sẻ, đến nay bước đầu có thể khẳng định giống lúa BĐR 999 có nhiều ưu điểm phù hợp với  cơ cấu giống, mùa vụ và thị trường phân khúc gạo chế biến ở Bình Định. Dù vậy, chúng tôi vẫn đề nghị phía Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ tiếp tục triển khai thêm một số mô hình ở các vụ tới, chủ động xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ phù hợp để bà con quen dần với kỹ thuật canh tác.  

“Hiện nay, Viện đang có 3 bộ giống mới giới thiệu cho nông dân là BĐR 999, BĐR 57 và BĐR 97-3, là giống lúa chất lượng cao, thuộc nhóm giống lúa ngắn ngày, tương đối sạch sâu bệnh hại và khả năng chống chịu hạn tốt, tỷ lệ lép thấp, phù hợp với sản xuất ở Bình Định. Cùng với bộ giống, Viện đã tập trung chuyển giao kỹ thuật canh tác để bà con có thể áp dụng đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

TS VŨ VĂN KHUÊ, Phó Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ

“Ở Tuy Phước, nói về phân khúc lúa chế biến, đến nay giống ĐV 108 vẫn đứng đầu. Nông dân Tuy Phước nhạy bén trong việc sản xuất giống mới, áp dụng công nghệ phù hợp nên rất chú ý đến giống BĐR 999. Tuy nhiên, ở góc độ thị trường thì gạo của giống lúa mới thường bị tư thương ép giá, vì vậy bà con ít mạnh dạn duy trì. Nếu muốn giống BĐR 999 trụ vững phải tính toán tới việc xây dựng được chuỗi tiêu thụ ổn định để mở đường” .

Ông PHAN VĂN KHIÊM, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước

THU DỊU

nguồn:baobinhdinh.vn

Các tin liên quan