Kết nối hợp tác chuyển giao công nghệ khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM với khu vực Tây Nguyên

Quản trị viên 29/11/2023 Tin tức - sự kiện
Một số sản phẩm, giải pháp công nghệ khởi nghiệp sáng tạo nổi bật của TP.HCM được giới thiệu đến các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc các tỉnh Tây Nguyên nhằm thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường hai khu vực.

Sáng 25/11, trong khuôn khổ TECHFEST - WHISE 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội nghị Kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP.HCM với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và SMEs (doanh nghiệp nhỏ và vừa) thuộc các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), trong các chương trình hợp tác toàn diện của TP.HCM với các khu vực như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên,… việc liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) giữa các địa phương là một trong những nội dung rất được quan tâm. Trong đó, hoạt động liên kết hệ sinh thái KNĐMST của TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên nhắm đến mục tiêu kết nối thúc đẩy thị trường hai khu vực, hợp tác chuyển giao công nghệ trên cơ sở khai thác thế mạnh của từng địa phương để cùng nhau hỗ trợ giải quyết các vấn đề thực tiễn của mỗi địa phương.

04HDKHLVketnoitaynguyenh2ok.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại hội nghị

Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng, trong chương trình hội nghị này, 3 doanh nghiệp KNĐMST nổi bật của TP.HCM gồm MoMo, CNV Loyalty, Base.vn giới thiệu những ứng dụng, giải pháp được triển khai thành công, thời gian qua đã hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp SME, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố. Những giải pháp này không chỉ phù hợp với việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, mà còn chứng minh vai trò hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển đổi số, doanh nghiệp SME là rất thiết thực. Sở mong muốn thông qua những hoạt động kết nối, hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước, các giải pháp công nghệ này được giới thiệu đến cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên để lựa chọn ứng dụng. Qua đó, các bên tìm được giải pháp chung để chuyển đổi số hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, kết nối khách hàng, hiểu được khách hàng để điều chỉnh phát triển sản phẩm, giải pháp, mô hình kinh doanh phù hợp.

04HDKHLVketnoitaynguyenh3ok.jpg

Bà Nguyễn Linh Trang (đại diện MoMo) trình bày tại hội nghị

Tại hội nghị, bà Nguyễn Linh Trang (Giám đốc Trung tâm Thanh toán và Dịch vụ hằng ngày MoMo) cho biết, xu hướng thanh toán không tiền mặt tăng trưởng mạnh, đặc biệt bùng nổ với QR ở Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2023, mức tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt là 152%, tăng trưởng về giá trị thanh toán đạt 300% so với cùng kỳ năm 2022. Cả nước có 21% doanh nghiệp thanh toán không tiền mặt. Ước tính đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 73-90%.

MoMo tiên phong trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là QRcode. MoMo đang có gần 4.000.000 người dùng hàng tháng tại TP.HCM; hơn 100.000 đối tác có điểm chấp nhận thanh toán MoMo tại TP.HCM. Ví điện tử được sử dụng nhiều nhất tại TP.HCM với hơn 80% thị phần.

Hiện tại MoMo đang phát triển ứng dụng cho phép quét được tất cả QRcode, giúp thanh toán không tiền mặt dễ dàng hơn. Ứng dụng này với sản phẩm MoMo QR đa năng nhằm cung cấp một ứng dụng “All-in-one QR” chấp nhận thanh toán qua mọi ứng dụng (thanh toán bằng MoMo, bằng các ứng dụng ngân hàng hoặc ví khác). Bên cạnh đó, MoMo cũng phát triển ví trả sau, là sản phẩm chiến lược tạo ra nhiều lợi ích cho cả người dùng và đối tác kinh doanh. Với ứng dụng ví trả sau và QR đa năng, MoMo mong muốn mang đến cho các tiểu thương chợ, tạp hóa, cửa hàng quy mô nhỏ, doanh nghiệp SME giải pháp thanh toán toàn diện giúp tăng khả năng mua sắm của người dùng, tăng tần suất đơn hàng lên 30 – 40%, qua đó giúp tăng doanh thu và lượng khách đến với cửa hàng, doanh nghiệp.

04HDKHLVketnoitaynguyenh4ok.jpg

Đại diện CNV Loyalty giới thiệu về giải pháp Zalo Mini App

Giới thiệu về giải pháp X3 doanh số với phễu chăm sóc khách hàng tự động trên Zalo Mini App, bà Nguyễn Thị Thanh Hân (Giám đốc bán hàng TP.HCM - CNV Loyalty) cho biết, trong hai năm gần đây, Zalo đã trở thành kênh chăm sóc khách hàng hiệu quả. Với Zalo Mini App, CNV Loyalty đã phát triển các tính năng đa dạng như: triển khai bán hàng, cung cấp thông tin liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ, chương trình ưu đãi giữ chân khách hàng, khai thác toàn bộ tệp dữ liệu doanh nghiệp đang có… Đây là giải pháp tập hợp và chăm sóc khách hàng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, khi sử dụng, doanh nghiệp có thể gửi tin nhắn tiện ích để đưa khách hàng mua hàng theo hình thức truyền thống lên nền tảng online với chi phí 250 đồng/tin nhắn. Dịch vụ Zalo Mini App không chỉ giúp chăm sóc khách hàng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng ở những lần mua tiếp theo, gia tăng trải nghiệm mua sắm, trải nghiệm sản phẩm...

04HDKHLVketnoitaynguyenh5ok.jpg

Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi về khả năng ứng dụng các giải pháp công nghệ mới giải quyết các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý Nhà nước 

Về giải pháp chuyển đổi trong quản trị vận hành doanh nghiệp, đại diện Base.vn cho biết, thách thức trong quản trị vận hành nội bộ doanh nghiệp hiện nay chủ yếu liên quan đến quản trị thông tin, quản lý công việc và quản lý nhân sự. Với mục tiêu kiến tạo môi trường làm việc số, Base.vn đã xây dựng nền tảng số với 3 giải pháp chính là công việc và quy trình số, thông tin số và nhân sự số. Các công cụ số sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phân luồng công việc, nhân sự, thông tin và tài chính dễ dàng, hiệu quả hơn. Hiện tại, Base.vn đã thu hút được hơn 8.000 khách hàng sử dụng nền tảng để số hóa quy trình làm việc, quản lý công việc, nhân sự, quản trị vận hành nội bộ, thay thế cho phương thức tương tác, làm việc theo mô hình truyền thống.

Lam Vân (CESTI)

Các tin liên quan