Chuyển đổi số để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia

Quản trị viên 23/05/2024 Tin tức - sự kiện
Thực hiện văn bản số 2151/UBND-KT của UBND TP.HCM về phê duyệt kế hoạch hoạt động năm 2024, thiết thực chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sáng ngày 17/5, cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo: “Thúc đẩy chuyển đổi số kết nối Khoa học - Công nghiệp và đổi mới sáng tạo”.

Thúc đẩy chuyển đổi số - "chìa khoá" phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh

Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM – đánh giá, trong bối cảnh thế giới diễn ra mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì những công nghệ đột phá mang tính sáng tạo, cốt lõi như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), công nghệ chuỗi khối (blockchain), vi mạch bán dẫn … cũng đang dần tạo ra những thay đổi trên phạm vi rộng, loại bỏ ưu thế của các phương thức sản xuất, mô hình kinh doanh truyền thống.

Theo đó, việc kết hợp giữa Khoa học - Công nghiệp và Đổi mới sáng tạo đã tạo ra một môi trường phát triển động lực, thúc đẩy việc áp dụng những phát hiện và kiến thức mới từ nghiên cứu khoa học vào sản xuất và dịch vụ, thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức và công nghệ, tăng cường cạnh tranh, cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững, là "chìa khoá" phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh.

Hiện nay, hoạt động chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp và đang là xu thế tất yếu. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 xác định: “Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số…”.

hd3h1ok.jpg

GS.TS Nguyễn Văn Phước phát biểu khai mạc hội thảo

Báo cáo về chương trình CĐS của TP.HCM, ông Nguyễn Minh Huấn – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, lãnh đạo Thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát và ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng. Hàng năm, ngân sách đều bố trí để thực hiện cho việc xây dựng và duy trì các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Thành phố.

Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật và nền tảng số dùng chung là cơ sở giúp đẩy mạnh và phát triển bền vững, liên thông kết nối các giải pháp, ứng dụng hiệu quả trong chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo các mục tiêu đề ra trong Chương trình Chuyển đổi số và Đề án xây dựng TP.HCM

Cũng theo ông Huấn, trong 3 năm từ 2020 - 2022, TP.HCM luôn giữ vị trí thứ hạng cao trong xếp hạng CĐS cả nước (chỉ số CĐS TP.HCM trong năm 2020 đạt thứ hạng 5, năm 2021 đạt thứ hạng 3 và năm 2022 đạt hạng 2 trên toàn quốc).

Với các doanh nghiệp, CĐS là bước đi bắt buộc để đơn vị có thể tối ưu hóa nhiều quy trình và mang lại giá trị lợi nhuận cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đơn cử như tại công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt với thế mạnh là các loại bột rau sấy lạnh dùng thay thế rau tươi đã đoạt rất nhiều giải thưởng, chứng nhận sản phẩm chất lượng trong nước. Để đạt được thành quả đáng tự hào trên, từ lâu nơi đây đã ứng dụng CĐS vào toàn bộ quy trình từ đầu vào cho đến bước cuối cùng là sau bán hàng. Theo đó, khách hàng mua hàng đều được lịch sử lưu trữ lại, lấy đánh giá, tương tác chatbot, giữ kết nối đa nền tảng, chia sẻ thông tin số…

Thành phố quyết tâm đẩy mạnh CĐS qua Bộ chỉ số đánh giá

Tuy vậy, theo ông Huấn, vẫn cần nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong quá trình tiến tới CĐS, đó là vẫn còn một số khó khăn nhất định trong giai đoạn đầu chuyển tiếp từ ứng dụng CNTT rời rạc sang đồng bộ thống nhất nền tảng số TP.HCM (từ kỹ thuật cho đến thói quen người dùng). Các phần mềm, dữ liệu đơn vị được triển khai đã lâu, chưa xây dựng phát triển trên các nền tảng số dùng chung của TP. Việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế. Các hệ thống do Bộ, ngành triển khai tập trung chưa đáp ứng nhu cầu quản lý cụ thể của từng địa phương. Trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của người dân đặc biệt là người lớn tuổi còn hạn chế.

Từ đây, một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của TP đã được GS.TS Nguyễn Văn Phước chỉ rõ, đó là Thành phố sẽ quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; Các nền tảng, dịch vụ số tiếp tục được phát triển, triển khai trong năm 2024; Đẩy mạnh hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố; Ứng dụng công dân số để giao tiếp, cung cấp dịch vụ số cho người dân, gắn với định danh điện tử VNEID; Hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số, kết nối với hệ thống chỉ đạo điều hành của Văn phòng Chính phủ; Nền tảng số hóa dùng chung của Thành phố; Nền tảng số quản trị khu phố, ấp; Hệ thống thông tin cấp phép xây dựng, đất đai; Bản đồ số dùng chung của Thành phố …

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2024 với chủ đề: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai”, “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”. Từ đây, Thành phố cũng đã đề ra nhiều định hướng trong hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số.

Được biết, năm 2024 cũng là năm đầu tiên Thành phố đánh giá Bộ chỉ số đánh giá CĐS DTI nhằm theo dõi, đánh giá khách quan kết quả của các đơn vị khi thực hiện chương trình CĐS. Bộ chỉ số đánh giá CĐS được chia thành 2 khối, gồm khối Sở, Ban, ngành và khối UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức với thành phần khác nhau.

Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định 3 trụ cột của CĐS gồm Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số, trong đó nhấn mạnh sự phát triển của Kinh tế số sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Số liệu thống kê năm 2023 của Uỷ ban Quốc gia về CĐS cho thấy, đánh giá quốc tế về CĐS của Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực như Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Trên cơ sở các chủ trương của Trung ương, ngày 07/3/2024, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 1126/KH- về triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của TP.HCM” và Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh” năm 2024.

Theo đó, Thành phố tập trung công tác CĐS gắn với chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” và phù hợp định hướng chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp: Công nghệ thông tin và Truyền thông - Số hóa các ngành kinh tế - Quản trị số, dữ liệu số - Ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo để giảm tải và tăng năng suất, chất lượng cho cán bộ, công chức, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Nguồn: Mai Thy - khoahocphothong.vn

Các tin liên quan