Trong tháng 6 này, Việt Nam sẽ quan sát được cùng lúc cả hai sự kiện thiên văn thú vị, đó là nguyệt thực và nhật thực.
Nguyệt thực và nhật thực không phải là hiện tượng thiên văn hiếm gặp, nhưng mỗi lần chúng xuất hiện đều đem lại sự hứng thú cho người quan sát. Trong tháng này tại Việt Nam sẽ quan sát được cả hai sự kiện mãn nhãn.
Nguyệt thực nửa tối sẽ xảy ra vào rạng sáng 6/6, Mặt Trăng chỉ bị tối đi chứ không chuyển thành màu đỏ như những kiểu nguyệt thực khác. Ảnh: David Dickinson/Universe Today.
Rạng sáng 6/6, nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra. Để quan sát, hãy nhìn lên bầu trời từ 00:45 ngày 6/6 (sau nửa đêm), Mặt Trăng sẽ bị che tối nhất vào 02:24 và kết thúc nguyệt thực vào 04:04 rạng sáng.
Hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối của Trái Đất, khiến ánh sáng từ Mặt Trời không chiếu đầy đủ lên Mặt Trăng, lúc này bề mặt của nó bị tối hơn một chút so với bình thường. Nguyệt thực nửa tối không làm Mặt Trăng chuyển thành màu đỏ như những kiểu nguyệt thực khác.
Ánh sáng Mặt Trăng nhẹ dịu, giúp ta có thể quan sát nguyệt thực nửa tối bằng mắt thường hoặc qua ống nhòm, kính thiên văn. Thời điểm diễn ra nguyệt thực cũng là lúc Mặt Trăng tròn, hãy tận dụng đêm nghỉ cuối tuần để dã ngoại ngắm trăng cùng bạn bè.
Tiếp theo sau đó vào sáng 21/6, nhật thực một phần sẽ diễn ra. Để quan sát, hãy che mắt bằng tấm phim lọc, kính thợ hàn hay thiết bị thiên văn chuyên dụng (vì nhìn trực tiếp vào Mặt Trời sẽ gây hỏng mắt), sau đó nhìn lên bầu trời từ lúc 11:47 sáng, cực đại nhật thực lúc 13:40 và kết thúc vào 15:32.
Mặt Trăng che khuất một phần Mặt Trời khi quan sát trên bầu trời vào lúc diễn ra nhật thực. Ảnh: NASA.
Nhật thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng nằm giữa Mặt Trời và Trái Đất trong vũ trụ, lúc này Mặt Trăng che đi ánh sáng từ Mặt Trời đến Trái Đất, khiến người quan sát từ địa cầu nhìn thấy Mặt Trời bị lõm mất một mảnh.
Vào 13:40 khi nhật thực đạt cực đại, Mặt Trăng sẽ che 36% bề mặt Mặt Trời khi nhìn từ Sài Gòn, 55% khi quan sát ở Đà Nẵng và 70% nếu ngắm tại Hà Nội. Nơi quan sát nhật thực lần này tốt nhất ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, có thể nhìn thấy nhật thực toàn phần.
Sau hai sự kiện trong tháng 6 này, người dân Việt Nam sẽ tiếp tục được quan sát nguyệt thực vào tháng 11/2020, tháng 5/2021 và nhật thực vào năm 2031. Trong năm 2020 vẫn còn nhiều sự kiện thiên văn nổi bật, chẳng hạn quan sát Sao Mộc và Sao Thổ tốt nhất vào tháng 7, mưa sao băng Perseid vào tháng 8,...
Theo Quang Niên
(Nguồn: http://khampha.vn/)