Những năm gần đây, nhiều nông dân tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn tập trung chuyển đổi đất trồng sắn và cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó có mô hình trồng cam đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân địa phương.
Năm 2019, thông qua việc học tập, tham quan tại nhiều mô hình trong tỉnh và tỉnh Tiền Giang, nhận thấy cây cam có giá trị kinh tế cao và thị trường ổn định nên gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn 5 xã Ea Ver đã mạnh dạn chuyển đổi 10 ha trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cam. Hiện vườn cam đang cho thu hoạch và đạt hiệu quả cao.
Được biết, gia đình anh Hùng đang trồng 2 giống cam xoàn và cam sành, áp dụng sản xuất theo quy trình kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi cây ra hoa đến khi cho thu hoạch khoảng 6-8 tháng, thu 50 kg quả/cây/năm, năng suất khoảng 80 tấn/ha, giá bán tại vườn dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí mỗi năm thu được lợi nhuận khoảng 410 triệu đồng/ha. Sản phẩm được cung cấp cho thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Một số hộ nông dân trong xã Ea Wer chia sẻ thêm, so với một số cây ăn trái khác, cây cam dễ trồng, dễ đầu tư, nhanh thu hồi vốn. Cây cam có thể cho trái 10-15 năm, mất 2 năm đầu cây không cho trái, từ năm thứ 3 trở đi cây cho trái bói, về sau người nông dân chỉ cần chăm sóc là có thu hoạch.
Ông Nguyễn Tiến Lập - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Wer cho biết: Trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng sắn, lúa và vườn tạp, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Từ ngày mô hình trồng cam nhân rộng thì kinh tế của các hộ gia đình được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ cây cam, góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống của nhân dân xã. Cây cam là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận 300-400 triệu đồng/ha, thậm chí cao hơn, vì vậy nhiều nông dân đang chủ động đầu tư và mở rộng diện tích. Hiện nay, tại xã Ea Ver có 100 ha đất trồng cam với hơn 20 hộ tham gia, đã thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn trái. Mục đích của tổ hợp tác là chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà vườn, cùng nhau nâng cao chất lượng sản phẩm cam. Ngoài ra, cũng từ tổ hợp tác này, sẽ quảng bá hình ảnh cam đến người tiêu dùng trong và ngoài khu vực.
Ông Lập cũng chia sẻ thêm, sản phẩm cam của xã Ea Wer chủ yếu là cam Sành và cam Xoàn, áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Trong thời gian tới, xã Ea Wer tiếp tục khuyến khích bà con trồng cam cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, luôn đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp sản phẩm cam sạch cho thị trường, đem niềm tin đến người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao nhận thức của nông dân hướng tới việc sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường đất đai và nguồn nước, góp phần phục hồi hệ sinh thái trên đồng ruộng…
Cây cam giúp nhiều hộ dân xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk thoát nghèo, vươn lên làm giàu |
Nguyễn Chung
Trung tâm KN-GCT, VN&TS Đắk Lắk