Ứng dụng công nghệ nano, các nhà nghiên cứu Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho ra đời sản phẩm chống loãng xương từ cây ba kích tím - một loại dược liệu quý.
Từ đầu năm 2019, nhóm nghiên cứu của dược sĩ Phan Kế Sơn và tiến sĩ Hà Phương Thư (Trung tâm Vật liệu y dược tiên tiến, trực thuộc Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã bắt tay vào thực hiện dự án cấp Nhà nước “Thương mại hóa quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ phòng chống loãng xương từ ba kích tím Quảng Ninh”.
Dự án thuộc Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Chương trình 2075) của Bộ KH&CN. Dự án do Viện Khoa học vật liệu chủ trì, phối hợp thực hiện cùng Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI, với kinh phí từ Ngân sách Nhà nước và nguồn kinh phí đối ứng từ Công ty CVI về nguyên liệu, máy móc và trang thiết bị.
Theo dược sĩ Doãn Kế Sơn, ba kích tím có tên khoa học là Morinda officinalis, là một loại cây thảo dược quý, sống lâu năm, thân leo. Theo y học cổ truyền, ba kích có vị cay, ngọt, tính hơi ôn, vào thận kinh, có tác dụng trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp. Vì thế, ba kích được dùng để chữa dương ủy, phong thấp cước khí, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau.
Ba kích tím là một loại thảo dược quý nhưng giá trị của nó vẫn chưa được khai thác hết.
Dù là loại dược liệu quý nhưng lâu nay người dân vẫn chủ yếu sử dụng ba kích theo cách đơn giản, như ngâm rượu, sắc lên uống hoặc nấu cao. Điều này không tận dụng được hết các dược chất quý có trong cây ba kích tím.
Dược sĩ Doãn Kế Sơn thông tin thêm, trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cả in vitro (thử nghiệm trong ống nghiệm) và in vivo (thử nghiệm trên đối tượng là sinh vật sống) đã công bố tác dụng hỗ trợ phòng chống loãng xương của các hoạt chất trong ba kích.
Một nghiên cứu in vitro trên tế bào tủy xương chuột cho thấy các chất thuộc nhóm anthraquinone từ ba kích có khả năng kích thích tăng sinh các tế bào tạo xương. Trong khi đó, một số hợp chất khác trong cùng nhóm này giúp giảm sự mất xương nhờ khả năng ức chế tế bào hủy xương. Tuy nhiên, hiện trên thị trường chưa có dạng bào chế nào của ba kích được khai thác cho mục đích phòng, chống loãng xương.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ba kích có tác dụng chống loãng xương, nhưng lâu nay chưa được khai thác ở tác dụng này.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra nhược điểm khó tan trong nước của anthraquinone có trong rễ ba kích, trong khi các phân tử nhỏ iridoid lại dễ bị đào thải khỏi cơ thể. Do đó, cần có một hệ dẫn thuốc thích hợp vừa làm tăng độ tan và hấp thu của các anthraquinone và iridoid chống loãng xương từ ba kích, vừa thích hợp và thuận tiện cho mọi người sử dụng với giá thành phù hợp.
Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm cho thấy, hệ dẫn thuốc nano là một giải pháp tối ưu đáp ứng yêu cầu này. Với kích thước nano, các hệ dẫn này có khả năng hòa tan tốt trong dịch sinh học, hấp thu qua các khe nang ở niêm mạc đường tiêu hóa để vào hệ mạch máu, bảo vệ thuốc an toàn khi đi qua gan, đồng thời không bị đào thải quá nhanh khỏi hệ thống tuần hoàn. Nhờ đó, hiệu quả điều trị của thuốc tăng đáng kể, trong khi liều sử dụng thấp hơn so với bình thường.
Nhóm nghiên cứu cũng đã cùng với doanh nghiệp hướng tới xây dựng và phát triển vùng trồng dược liệu ba kích tím, để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cũng như chất lượng của dược liệu sử dụng trong quá trình phát triển công nghệ sản xuất sản phẩm.
Theo nhóm nghiên cứu, việc nhân rộng mô hình sản xuất chế phẩm nano có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một sản phẩm có chất lượng ổn định trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tạo thêm một chọn lựa thay thế cho người có nguy cơ loãng xương cao. Đồng thời, sản phẩm được sản xuất trong nước có hàm lượng công nghệ cao, qua đó tăng tính cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại trên thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng.
Sản phẩm của dự án một khi được thương mại hóa sẽ làm tăng giá trị của cây ba kích đồng thời đem lại nhiều lợi ích cả về khoa học, kĩ thuật, kinh tế và xã hội.
Theo Phương Hà (Tổng hợp)
(Nguồn: http://khampha.vn/)