Bluezone không đánh cắp thông tin người dùng

Quản trị viên 27/08/2020 Tin tức - sự kiện
Để giải đáp thắc mắc của người dân khi cài đặt Bluezone, đại diện Cục Tin học hóa khẳng định phần mềm này chỉ phục vụ mục đích phòng, chống dịch bệnh.

Được Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế phát triển với sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp CNTT lớn, Bluezone ra đời nhằm đối phó và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Phần mềm cảnh báo người dùng khi tiếp xúc người nhiễm, nghi nhiễm, đồng thời giúp cơ quan y tế kịp thời cách ly, điều trị.

Tính đến 12/8, đã có 15,7 triệu người cài đặt, chiếm 16,3% dân số. Mặc dù đây là một con số lớn, nhưng các chuyên gia cho biết phải 60% dân số sử dụng thì ứng dụng mới phát huy tối ưu. Phần lớn, người dùng còn băn khoăn về quyền riêng tư, tính bảo mật trước khi cài đặt app.

Không theo dõi vị trí, không lưu giữ thông tin

Khi sử dụng phần mềm, điện thoại sẽ hỏi cấp quyền vị trí cũng như truy cập file. Điều này khiến nhiều người lo ngại và không muốn cài đặt. Trả lời thắc mắc, đại diện nhà phát hành nhấn mạnh Bluezone không ghi nhận cũng như không sử dụng vị trí của người dùng.

“Khi cài đặt Bluezone trên thiết bị Android và kích hoạt Bluetooth, máy sẽ xin cấp quyền vị trí. Điều này là do chính sách của Google khi bật Bluetooth BLE, máy sẽ tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên Bluezone không sử dụng tới quyền đó,” ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) - đơn vị phát triển cho biết.

Tương tự với quyền truy cập file, ông Đỗ Công Anh giải thích: “Bluezone chỉ sử dụng quyền “truy cập tệp” để ghi lịch sử tiếp xúc vào bộ nhớ của thiết bị. Mặc dù vậy, theo chính sách của Google, bất cứ ứng dụng nào khi yêu cầu quyền “truy cập thiết bị” thì thiết bị vẫn tự động đề nghị “cho phép truy cập vào ảnh, phương tiện” ngay cả khi các ứng dụng đó (bao gồm cả Bluezone) không sử dụng các quyền còn lại.”

Bluezone cũng cho biết, app chỉ lưu dữ liệu lịch sử tiếp xúc trên máy của người dùng và không thu thập vị trí, phần mềm chỉ ghi nhận 2 người có gặp nhau lúc nào và trong bao lâu, chứ không biết ở chỗ nào. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc sẽ chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.

Để tạo niềm tin, nhóm phát triển nhấn mạnh: “Dữ liệu của người dùng phục vụ phân tích, truy vết các ca nhiễm, ca nghi nhiễm sẽ được lưu trữ và bảo mật bởi cơ quan chính phủ và chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khoẻ và chống dịch bệnh, tuyệt đối không sử dụng vào mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư.”

Hoạt động liên tục nhưng không quá tốn pin

Để hoạt động hiệu quả nhất, ứng dụng sẽ chạy ngầm và quét liên tục bằng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp. Bluezone chỉ tiêu thụ khoảng 10% năng lượng pin nếu sử dụng cả ngày. Bên cạnh đó, dữ liệu lưu trong máy dù ghi suốt năm cũng chỉ nặng khoảng 2,5 Mb tương đương một nửa bức ảnh.

Về các mối lo xoay quanh Bluetooth, đại diện Cục Tin học hóa chia sẻ thêm: “Bluetooth là chuẩn kết nối được sử dụng rộng rãi và được chứng minh về tính bảo mật. Việc này cũng giống như sử dụng wi-fi, do cả hai cùng hoạt động trên tần số 2,4 GHz an toàn cho sức khỏe con người.”

Bên cạnh đó, đơn vị phát triển cũng khuyên người dùng nên bật Bluetooth thường xuyên nhằm mục đích bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng. “Việc bật Bluetooth là quyền của từng cá nhân. Nếu người dùng tắt Bluetooth, giả sử họ có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 thì sự tiếp xúc này sẽ không được ghi nhận", ông Anh nhấn mạnh.

Tương tự, nếu người nhiễm bệnh không cài Bluezone sẽ có sự chậm trễ trong việc cảnh báo tiếp xúc gần. Chính vì thế mọi người nên cài và kêu gọi những người xung quanh cùng cài Bluezone để việc bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng được kịp thời.

Không phụ thuộc tất cả vào app

Mặc dù được giới thiệu là hữu ích trong công tác phòng chống dịch, tuy nhiên Bluezone chỉ là ứng dụng công nghệ hoạt động song song với cán bộ y tế. Khi phát hiện F1, F2, nhân viên y tế sẽ lập tức khoanh vùng và liên hệ đến tận nơi. Lịch sử tiếp xúc trên phần mềm chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

“Ứng dụng Bluezone không tự nó tìm ra người nhiễm bệnh. Người nhiễm sẽ được các cơ quan y tế xét nghiệm và xác định, sau đó sẽ được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế. Ứng dụng này ghi nhận lịch sử tiếp xúc của bạn và nếu trong số những người bạn tiếp xúc (đã cài Bluezone) được xác định là người nhiễm, bạn sẽ nhận được cảnh báo,” đại diện Cục Tin hóa học cho hay.

Thủ tướng và Bộ TT&TT, Bộ Y tế tại lễ khai trương ứng dụng Bluezone. Ảnh: VGP.

Đơn vị phát triển cũng cho biết thêm, trong trường hợp dữ liệu Bluezone ghi nhận có tiếp xúc với F0, dữ liệu này phải được phối hợp với các biện pháp điều tra dịch tễ của cơ quan y tế để xác định chính xác người dùng có phải là F1 hay không, tránh xác định nhầm gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt.

Nhiều người dùng cũng thắc mắc, tại sao ở nhà một mình nhưng vẫn ghi nhận tiếp xúc. “Số lượt tiếp xúc nghĩa là số lần điện thoại trao đổi thông tin với một điện thoại khác cũng cài Bluezone, bên cạnh đó 15 phút mã Bluezone lại thay đổi một lần để đảm bảo tính ẩn danh. Như vậy có nghĩa là người dùng có nhiều hơn 1 máy cài Bluezone, hoặc người hàng xóm hay có thiết bị di động nào đó cài Bluezone và có khoảng cách đủ gần", ông Đỗ Công Anh cho biết thêm.

Theo Lê Hoàng

 (Nguồn: http://khampha.vn/)

Các tin liên quan