KHCN tuần qua: Việt Nam có thêm bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2

Quản trị viên 27/08/2020 Tin tức - sự kiện
Ngoài ra, việc khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, phát động Giải thưởng 'Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam' và robot tí hon nhỏ như bọ rùa là một số tin tức KHCN đáng chú ý tuần qua.

1. ĐH Thái Nguyên nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2

Ngày 17/8, sau 3 tháng nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên cho ra mắt bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR. Hiện đã có 20 bộ sinh phẩm, mỗi bộ gồm 50 test (tương ứng với tổng 1.000 test) đã được sản xuất và giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên quản lý.

Bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR của tỉnh Thái Nguyên được triển khai kiểm nghiệm tại Khoa Miễn dịch di truyền phân tử, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN.

Là bộ sinh phẩm thứ 4 được nghiên cứu thành công trên cả nước, kết quả nghiên cứu sẽ tạo cơ sở cho việc sản xuất trên số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, tiến tới cung cấp cho các địa phương khác. Dự kiến, khi sản xuất đại trà, giá thành của bộ sinh phẩm này sẽ giảm khoảng từ 15% đến 30% so với hầu hết các bộ Kit Realtime PCR đang lưu hành hiện nay.

2. Thiết bị cảnh báo ô nhiễm không khí nhỏ như bao diêm

Máy đo chất lượng không khí (SmartAir) có thể nhận biết và cảnh báo chỉ số ô nhiễm bụi mịn và các chất độc hại, là sáng chế của anh Đinh Quốc Trí (37 tuổi), kỹ sư điện tử ở Hà Nội. SmartAir được thiết kế gồm các cảm biến đo nồng độ bụi mịn PM2.5, PM1, PM10. Hai cảm biến khác đo nồng độ các khí TVOC và các khí HCHO.

Kỹ sư Đinh Quốc Trí và chiếc máy đo chất lượng không khí - SmartAir. Ảnh: Nguyên Hạ/VnExpress.

Tính ưu việt của thiết bị này chính là việc nó có kích thước nhỏ như bao diêm, có thể dùng cho cá nhân hoặc hộ gia đình. Người dùng có thể chủ động theo dõi chất lượng không khí ở không gian mong muốn vào bất cứ thời điểm nào: trong phòng khách, phòng ngủ, bàn làm việc, ô tô.

3. Khai trương Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành và Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia

Sáng 19/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính Phủ tổ chức lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được kết nối với các trung tâm điều hành, hệ thống thông tin báo cáo, các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành, địa phương, trở thành một trong những thành phần cốt lõi của hạ tầng số thông minh.

4. Phát động Giải thưởng 'Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam'

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020.

Giải thưởng sẽ tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có giá trị thực tế, góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số, đồng thời quảng bá các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam tới đông đảo doanh nghiệp và người dân.

Lễ phát động Giải thưởng 'Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam'. Ảnh: VGP.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các sản phẩm Make in Vietnam xuất sắc sẽ là trụ cột trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển về kinh tế số.

5. Biến đổi gene tạo ra giống lúa siêu vượt trội

Để tạo được giống lúa chịu mặn có năng suất cao, các nhà khoa học thường mất rất nhiều thời gian để chọn lọc các cá thể con sau quá trình lai tạo. Nhằm thay đổi điều này, PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh (Đại học Hiroshima Nhật Bản) cùng cộng sự đã có phương pháp tìm gene mới.

PGS.TS Trần Đăng Xuân tại phòng thí nghiệm ĐH Hiroshima cùng sản phẩm của mình. Ảnh: ĐH Hiroshima.

Nghiên cứu mới của PGS Xuân cùng đồng nghiệp công bố trên tạp chí quốc tế Agronomy (nhóm Q1, chỉ số IF là 2.603) giới thiệu cách làm khác, đi ngược với phương pháp truyền thống, từ đó tiết kiệm được rất nhiều công sức và thời gian mà vẫn chọn được cây có ưu điểm vượt trội.

6. Công bố nuôi cấy thành công tinh trùng mới

Các nhà nghiên cứu Trường Y khoa San Diego - Đại học California (Mỹ) phát triển một phương pháp đáng tin cậy để nuôi cấy tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học áp dụng kỹ thuật giải trình ARN đơn bào giúp xác định các đặc điểm phân tử đặc trưng cho phương pháp SSC trên người và phân biệt SSC với các tế bào khác trong tinh hoàn.

Thông qua một phương pháp có tên AKT inhibition, các nhà khoa học có thể bảo quản nuôi cấy tế bào người với các đặc điểm phân tử giống như SSC trong vòng 2-4 tuần. Ảnh: Vishaala Wilkinson.

Phương pháp điều trị này sẽ chuyển các tế bào gốc tinh trùng từ tinh hoàn vào một ống nghiệm, nuôi cấy chúng và thúc đẩy chúng trở thành những con tinh trùng hoàn chỉnh. Về cơ bản, đây là bước khởi đầu cho quá trình sản xuất tinh trùng số lượng lớn.

7. Robot tí hon hoạt động không cần pin

Các nhà nghiên cứu Đại học South California (Mỹ) chế tạo RoBeetle, lấy cảm hứng từ một loài bọ hổ với nỗ lực tạo ra robot nặng tương đương côn trùng đời thực. RoBeetle chỉ dài 15 mm và nặng 88 miligram, là một trong những robot tự động nhỏ nhẹ nhất từng được chế tạo.

Robot RoBeetle lấy cảm hứng từ một loài bọ cánh cứng. Ảnh: AFP.

Thay vì dùng pin, robot được cấp năng lượng bằng nhiên liệu lỏng methanol và sử dụng hệ cơ nhân tạo để bò, leo dốc và mang vác đồ vật trên lưng với vật nặng gấp 2,6 lần trọng lượng cơ thể. Trong tương lai, mẫu robot tí hon này hứa hẹn có thể ứng dụng trong nhiều mục đích khác nhau, bao gồm thụ phấn nhân tạo, giám sát môi trường, kiểm tra cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn sau thiên tai.

8. Phát triển thành công quy trình làm gạch xây dựng trên Mặt Trăng

Nhóm các nhà khoa học từ Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) và Viện Khoa học Ấn Độ Bengaluru (IISc) phát triển quy trình giúp tạo ra những viên gạch đủ bền vững để xây dựng trên bề mặt của Mặt Trăng và ngoài không gian. Quy trình này chủ yếu khai thác đất trên Mặt Trăng và sử dụng vi khuẩn, bột guar để tạo độ cứng cho đất.

Loại gạch được xây dựng thích hợp cho nhà trên Mặt Trăng. Ảnh: Divakar Badal.

Những viên gạch này sau đó sẽ được sử dụng để xây dựng các cấu trúc nhà ở và nơi cư trú cho con người trên hành tinh này. Ngoài ra, quy trình do nhóm IISc và ISRO còn có thể sử dụng ure lấy từ nước tiểu của con người và đất trên Mặt Trăng để làm vật liệu xây dựng. Cách làm này giúp giảm đáng kể chi phí tổng thể, đồng thời giảm lượng khí thải vì sử dụng loại keo từ bột guar thay thế cho xi măng.

9. Phà chạy bằng điện lớn nhất thế giới

Phà ForSea của công ty Ellen (Hà Lan), dài 100 m, từng là một phương tiện chạy bằng động cơ diesel trước khi được chuyển đổi sang hệ thống pin sạc 4,1 megawatt có thể chạy đi trong vài phút. Tại các trạm sạc ở mỗi bến có một robot kết nối cáp sạc với phà và hoàn toàn tự động.

ForSea của công ty Ellen là phà chạy bằng điện lớn nhất thế giới. Ảnh: Ellen.

ForSea được nâng cấp từ một mẫu phà chạy bằng động cơ diesel thông thường. Việc chuyển sang vận hành bằng pin đã giúp phương tiện giảm 65% lượng khí thải. Trên tàu có tổng cộng 640 viên pin được đặt trong 4 thùng chứa lớn. Điều này sẽ hướng tới giải pháp phương tiện thân thiện với môi trường.

10. Phát hiện 30 loài động vật biển sâu mới

Các nhà khoa học biển quốc tế từ Quỹ Charles Darwin (CDF) công bố phát hiện hàng chục loài động vật không xương sống mới ở vùng nước sâu xung quanh đảo Galapagos (Ecuador).

Một số loài mới được tìm thấy dưới đáy biển ngoài khơi Galapagos. Ảnh: Nature.

Chuyến thám hiểm biển ở độ sâu lên đến 3.400 m với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị lặn điều khiển từ xa hiện đại, họ đã phát hiện tổng cộng 10 loài san hô tre, 4 loài san hô tám ngăn sừng cứng, 11 loài bọt biển, 4 loài giáp xác và 1 loài sao biển đuôi rắn mới. Những khám phá cho thấy tầm quan trọng của thám hiểm biển sâu trong nghiên cứu đại dương.

Theo Bảo Uyên - Quang Niên

 (Nguồn: http://khampha.vn/)

Các tin liên quan